1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Màn hình ngăn đôi "tố cáo" sự mất bĩnh tĩnh của Trump trong tranh luận trực tiếp

(Dân trí) - Màn hình ngăn đôi giúp người xem dễ dàng theo dõi cuộc "khẩu chiến" thế kỷ giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ tối 26/9, nhưng nó vô tình trở thành vũ khí chống lại ứng viên Cộng hòa Donald Trump.

Xem toàn bộ cuộc tranh luận gay gắt giữa Clinton và Trump (Video: PBS)

Người dân Mỹ theo dõi cuộc tranh luận của hai ứng viên tổng thống qua truyền hình (Ảnh: Reuters)
Người dân Mỹ theo dõi cuộc tranh luận của hai ứng viên tổng thống qua truyền hình (Ảnh: Reuters)

Khoảng 84 triệu người theo dõi truyền hình ở Mỹ đã có cơ hội theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên khá gay gắt giữa ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên dân chủ Hillary Clinton tối 26/9. Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút nhưng họ có thể dễ dàng theo dõi tới từng sắc thái biểu cảm của các ứng viên nhờ màn hình ngăn đôi.

Việc sử dụng màn hình ngăn đôi với bên trái là ông Trump, bên phải là bà Clinton được cho là đã tạo ra hiệu ứng khá tích cực khi người xem không chỉ được nghe những lập luận của họ mà còn biết được sắc thái biểu cảm của họ và đối phương.

Nhưng điều này vô tình đã trở thành vũ khí chống lại Trump khi nó “tố cáo” sự mất bình tĩnh của ông mặc dù các ứng viên đều được thông báo trước rằng cuộc tranh luận sẽ được truyền hình trực tiếp theo hình thức màn hình chia đôi.

Sử dụng màn hình ngăn đôi trong tranh luận không còn là vấn đề mới mẻ trong các kỳ bầu cử Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2000, cựu Phó Tổng thống Al Gore khi đó là ứng viên đảng Dân chủ đã không nhận ra sức mạnh của màn hình ngăn đôi khi ông tranh luận với đối thủ Cộng hòa George W. Bush. Màn hình ngăn đôi đã “tố cáo” sự mất bĩnh tĩnh, nổi cáu của ông Gore khi đáp trả đối phương.

Ông Trump cũng rơi vào tình trạng tương tự trong cuộc tranh luận tối 26/9. “Ông Donald Trump dường như liên tục cắn câu, rơi vào cái bẫy mà bà Hillary Clinton bày ra. Bà Clinton đã đạt được mọi thứ như kỳ vọng, và rõ ràng bà ấy nhận thứ rất rõ ràng rằng mọi cử chỉ hành động của họ đang được phát sóng trên truyền hình. Trong khi ông Trump liên tục nhăn mặt, cau có, trau mày và sụt sịt thì bà Clinton tỏ ra rất chăm chú và cuốn hút”, học giả James Fallows bình luận trong một bài viết trên trang mạng The Atlantic.

Nhà phê bình James Poniewozik của New York Times cũng bình luận: “Ông ấy tỏ ra hiếu chiến và dễ bị kích động, khiến đối thủ của ông dễ dàng kéo ông đi chệch hướng”.

Thực tế, nếu như sự tự tin của bà Clinton thể hiện rõ trong suốt cuộc tranh cử khi bà luôn mỉm cười và bình tĩnh đáp trả lại mọi lời công kích của đối thủ, thì ngược lại, ông Trump mở màn cuộc tranh luận rất hăng hái nhưng lại mất bình tĩnh ngay sau đó. Mở màn, ông Trump đưa ra hàng loạt lời chỉ trích như bà Clinton “chỉ nói mà không làm” hay những hiệp định thương mại mà bà ủng hộ trong đó có NAFTA là “điều tồi tệ nhất” đối với nền sản xuất của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump không duy trì được sự hăng hái đó quá lâu khi ông lại bộc lộ bản tính khó kiềm chế cảm xúc trước những lời công kích của đối thủ. Ông liên tục cắt ngang lời bà Clinton, liên tục đưa ra những khẳng định quả quyết như: “Sai. Sai” hay “Tôi không nói thế” nhưng rốt cuộc lại không thể đưa ra dẫn chứng thuyết phục cho những quả quyết ấy. Theo thống kê của trang tin Vox, trong cuộc tranh luận, ông Trump đã 51 lần cắt ngang lời đối thủ, trong khi bà Clinton chỉ hơn 17 lần chen ngang.

Minh Phương

Theo New York Times, Mic