1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đằng sau việc lãnh đạo Triều Tiên từ chối dự duyệt binh tại Trung Quốc

(Dân trí) - Trong cuộc duyệt binh lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc ngày 3/9 tới, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không tham dự dù đã được mời, mà chỉ cử “nhân vật số 2” Choe Ryong-hae đến Bắc Kinh.

choe-ryong-hae-kim-jong-un-1440922321385

Ông Kim Jong-un sẽ không đến Bắc Kinh dự duyệt binh mà chỉ cử ông Choe Ryong-hae (trái) tham dự (Ảnh: KCNA)

Chưa đầy 24 giờ sau khi những căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tại khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ) hạ nhiệt, ông Trương Minh, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc tiết lộ Bình Nhưỡng sẽ cử ông Choe Ryong-hae - Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên - tới Bắc Kinh dự lễ duyệt binh.

Với việc truyền thông nhà nước Trung Quốc thời gian qua không ngừng đưa tin về cuộc duyệt binh là lớn nhất từ trước đến nay, đây rõ ràng là một sự kiện ngoại giao quan trọng với nước chủ nhà.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng tham dự sự kiện này, đã xuất hiện không ít tin đồn về khả năng sẽ có thêm những cuộc đàm phán liên Triều, sau những căng thẳng mới đây.

Do vậy, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có mặt đã gây ra các đồn đoán. Các nhà quan sát cũng có nhiều cái nhìn khác nhau.

Jeon Hyun-joon, một nhà phân tích về Triều Tiên tại Seoul, nhận định sự vắng mặt của ông Kim tại sự kiện sắp tới cho thấy sự không hài lòng của Trung Quốc với Triều Tiên.

“Ông Kim có thể đã muốn được phía Trung Quốc tiếp đãi đặc biệt trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, nhưng nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ không đáp ứng đòi hỏi đó”, ông Jeon nói.

Chuyên gia này nhận định mối quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo hai quốc gia đồng minh truyền thống này đã căng thẳng kể từ khi ông Kim lên nắm quyền năm 2011. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tin là không mấy dễ chịu với ông Kim.

Khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên tới dự buổi duyệt binh, mừng chiến thắng phát xít và kết thúc Thế chiến II, đã bị nghi ngờ sau khi ông Kim hủy kế hoạch tới Mátxcơva mừng Ngày chiến thắng hồi tháng 5.

Mới đây, việc ông Kim đã tri ân những binh sỹ Trung Quốc hy sinh vì Triều Tiên trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên được xem như một cử chỉ hàn gắn với Trung Quốc. Một số nhà phân tích khi đó từng đồn đoán rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có thể tranh thủ sự kiện tuần tới để cố gắng hàn gắn quan hệ song phương.

Đối tác mới

Tuy vậy, thay vào đó Trung Quốc lại quyết định mời Tổng tống Hàn Quốc Park Geun-hye tới dự lễ duyệt binh, nơi nước chủ nhà sẽ phô diễn sức mạnh quân sự, với các khí tài mới lần đầu được triển lãm.

Khi kế hoạch thăm Trung Quốc 3 ngày, bao gồm một cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc, được công bố hồi tuần trước, vẫn chưa rõ bà có dự lễ duyệt binh mà nhiều lãnh đạo phương Tây từ chối tham dự hay không. Chỉ đến thứ Tư vừa qua, văn phòng của bà Park mới xác nhận bà sẽ dự buổi duyệt binh, và trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên làm việc này.

Min Kyung-wook, người phát ngôn của phủ tổng thống Hàn Quốc, khẳng định với các phóng viên rằng, Hàn Quốc đã cân nhắc quan hệ với Trung Quốc và đưa ra quyết định này, với hy vọng Trung Quốc sẽ đóng góp cho hòa bình và thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Shin Sang-jin, một giáo sư tại đại học Kwangwoon của Hàn Quốc, người theo dõi sát diễn biến quan hệ giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên cho rằng, bà Park có vẻ đã thấy cần phải có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh để ứng phó với Bình Nhưỡng.

“Hàn Quốc đã thấy vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc đối với phó Triều Tiên cũng như việc thống nhất hai miền trong tương lai”, Shin nhận định.

Hàn gắn quan hệ

Một số nhà phân tích khác cho rằng sự hiện diện của ông Choe cũng có thể là nỗ lực của ông Kim nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Bởi Choe không phải một nhân vật xa lạ. Vị bí thư là người thân cận của cố lãnh đạo Kim Jong-il, và là thành viên chủ chốt trong nhóm quan chức thân cận của ông Kim Jong-un.

Việc lựa chọn ông Choe, chứ không phải chủ tịch quốc hội Kim Yong-nam, hay bộ trưởng ngoại giao Ri Su-yong, là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn tôn trọng mối quan hệ với Bắc Kinh, và sự hiện diện của ông không nên bị xem nhẹ.

Ông Choe cũng từng là người đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013, và đang được tin sẽ thế vào vị trí của Jang Song-taek - chú dượng của ông Kim đã bị xử tử - trong vai trò người đối thoại với Bắc Kinh.

“Kim có thể đã chọn Choe bởi ông là một trong những người thân cận nhất có mối quen biết với các lãnh đạo Trung Quốc”, Yang Moo-jin, một giáo sư tại đại học Bắc Triều Tiên ở Seoul nhận định.

Kim Heung-gyu, một giáo sư tại đại học Aju của Hàn Quốc, thì cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể muốn dùng ông Choe như một đặc phái viên riêng. “Có khả năng ông Choe sẽ gửi bức thư riêng của ông Kim tới cho ông Tập, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ giữa hai nước”.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã nguội lạnh nhiều, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3, đầu năm 2013, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Mối quan hệ này tiếp tục xuống dốc sau khi ông Kim xử tử chú dượng Jang Song Thaek, một người có nhiều mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh.

Thanh Tùng

Theo VOA News, The Diplomat\

 

Đằng sau việc lãnh đạo Triều Tiên từ chối dự duyệt binh tại Trung Quốc - 2