1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống tại nơi nguy hiểm bậc nhất thế giới trên bán đảo Triều Tiên

(Dân trí) - Những người Hàn Quốc sinh sống tại làng thống nhất gần khu phi quân sự liên Triều DMZ, nơi được mệnh danh là khu vực nguy hiểm bậc nhất thế giới, đã trải qua mọi cảm xúc lo lắng, sợ hãi, hy vọng trong hàng chục năm ở nơi "đầu sóng ngọn gió".


Cờ Hàn Quốc trên con đường trên làng thống nhất (Ảnh: Yonhap)

Cờ Hàn Quốc trên con đường trên làng thống nhất (Ảnh: Yonhap)

Trong vài đêm gần đây, ông Lee Wan-bae đã có thể dễ ngủ hơn do ông không phải nghe tiếng ồn “inh ỏi” ám ảnh cả cuộc đời ông: tiếng loa phóng thanh tuyên truyền của Triều Tiên.

Sống ở làng Tongilchon, hay còn được gọi là làng thống nhất, chỉ nằm cách 4,5 km so với Đường phân định quân sự (MDL), ông Lee chia sẻ: “Tôi không thấy có điểm gì tốt khi sống ở làng này, chỉ trừ đây là nơi chôn rau cắt rốn của cha mẹ tôi. Chất lượng cuộc sống không được tốt. Hàng đêm, các phương tiện truyền thông từ phía Triều Tiên cắt ngang giấc ngủ. Âm thanh ồn ào đến mức giống như đang tự mở máy thu thanh bên tai mình”.

Căng thẳng giữa 2 miền bán đảo gần đây dường như có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi chính phủ Bình Nhưỡng dịu giọng và bày tỏ mong muốn gửi vận động viên sang Thế vận hội mùa Đông tổ chức tại Hàn Quốc. Với nhiều nhà quan sát, đây là một dấu hiệu tích cực trong công cuộc tháo gỡ khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, với những người dân ở Tongilchon như ông Lee, đây không phải là điều gì đó quá lớn lao.


Biển tên ngôi làng thống nhất (Ảnh: Yonhap)

Biển tên ngôi làng thống nhất (Ảnh: Yonhap)

Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, cha mẹ của ông Lee buộc phải di tản về khu vực cách thủ đô Seoul 30 km. Đến năm 1972, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã kí quyết định xây dựng ngôi làng thống nhất theo mô hình ngôi làng nông nghiệp nổi tiếng Kibbutz của Israel.

Tongilchon đã được lựa chọn trở thành công cụ tuyên truyền của Hàn Quốc, thể hiện sự trù phú và màu mỡ của nền nông nghiệp Seoul, thực tế vốn thua kém Triều Tiên vào thời điểm bấy giờ.

Vào tháng 8/1973, Hàn Quốc đã đưa 80 gia đình về lại làng Tongilchon, trong đó có 40 gia đình cư dân từng sinh sống tại đây và 40 gia đình sĩ quan làm việc trong khu vực. Họ bắt đầu xây dựng ngôi làng từ đầu, canh tác trồng trọt đậu, nhân sâm và lúa gạo. Vì đây từng là chiến trường nên di chứng của chiến tranh vẫn còn lưu tồn lại trong những tấc đất ở Tongilchon. Theo ông Lee, khoảng 4 tới 5 người đã thiệt mạng hoặc bị thương do những quả mìn còn sót lại trong lòng đất từ trước tới nay.

“Chúng tôi có một khẩu hiệu. Lao động là chiến đấu và chiến đấu là lao động. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm khi là những người đứng trên chiến tuyến của đất nước”, ông Lee hồi tưởng.


Một khu căn cứ quân sự gần DMZ nay đã chuyển đổi mục đích sử dụng thành cơ sở giáo dục (Ảnh: Yonhap)

Một khu căn cứ quân sự gần DMZ nay đã chuyển đổi mục đích sử dụng thành cơ sở giáo dục (Ảnh: Yonhap)

Tính tới nay, ngôi làng có 183 gia đình với 446 cư dân đang sinh sống. Với bà Park Cha-soon, 79 tuổi, đã theo chồng chuyển tới đây sinh sống 45 năm, cuộc sống ở Tongilchon, cảm giác lo lắng về cái gọi là “sự khiêu khích” từ Triều Tiên từ lâu đã không còn tồn tại. Bà cho biết bà không quan tâm đến những thông điệp Bình Nhưỡng phát ra hàng đêm, bà vẫn có thể ngủ ngon dù ồn ào cỡ nào.

Nằm cách 2 km về phía nam khu vực DMZ là khu cơ sở vật chất từng là căn cứ quân sự của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh 506 của quân đội Mỹ trong 50 năm. Tới năm 2004, Mỹ đã rút lực lượng tới yểm trợ chiến đấu ở chiến trường Iraq. Tháng 12/2013, căn cứ quân sự được cải tạo và nâng cấp thành cơ sở giáo dục về hòa bình và an ninh.

Dù nằm sát Triều Tiên và bj kiểm soát nghiêm ngặt nhưng do hiệu ứng của bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng từng lấy bối cảnh ở đây, căn cứ này trở thành điểm thu hút du lịch. Khoảng 23.000 lượt khách đã đến tham quan nơi đây, trong đó có hơn 8.000 người là du khách nước ngoài.

Với những người như ông Lee, bà Park, họ đã dành cả cuộc đời trải nghiệm cuộc sống trong tâm bão nguy hiểm, cận kề với chiến tranh và súng đạn. Vì vậy, những dấu hiệu về hòa bình không khiến họ mấy bận tâm. “Dù tôi cảm thấy dễ chịu mấy ngày hôm nay (do Triều Tiên ngừng hệ thống loa tuyên truyền), nhưng tình hình có thể đột ngột thay đổi”, ông Lee cho hay.


Các du khách tham quan khu trưng bày nằm trong khu vực đình chiến DMZ (Ảnh: Yonhap)

Các du khách tham quan khu trưng bày nằm trong khu vực đình chiến DMZ (Ảnh: Yonhap)

Đức Hoàng

Theo Yonhap