1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cộng đồng ASEAN ra đời: Đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức

(Dân trí) - Từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN (AEC) chính thức đi vào vận hành. Đây là dấu mốc quan trọng của ASEAN sau 48 năm thành lập và phát triển. Sự kiện này có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng khu vực và cũng là thời cơ lớn đối với Việt Nam.


Lãnh đạo các nước ASEAN tại lễ ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/11/2015 (ảnh: VGP)

Lãnh đạo các nước ASEAN tại lễ ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/11/2015 (ảnh: VGP)

AEC - Sự kiện quan trọng

Năm 2015, trong khu vực có 3 sự kiện lớn về kinh tế, tài chính như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Nhưng AEC được coi là sự kiện nổi bật nhất, vì đây là thị trường có quy mô dân số lớn thứ 3 trên thế giới (630 triệu), và đứng thứ 7 thế giới về GDP (3 nghìn tỷ USD).

Sau nhiều năm chuẩn bị, Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN ngày 22/11 đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015. AEC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại nội khối với việc hình thành thị trường chung, theo đó hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn, đầu tư, và lao động có kỹ năng sẽ được dịch chuyển tự do trong thị trường nội khối.

Với việc hình thành thị trường chung, AEC cũng hướng tới tạo lập một cơ sở sản xuất thống nhất khu vực để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Cho đến nay, ASEAN đã loại bỏ gần như toàn bộ các dòng thuế giữa các nước phát triển hơn, thông qua các Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác và thành lập Quỹ hạ tầng ASEAN…

Mặt khác, ASEAN ngày càng khẳng định vị thế trung tâm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương - khu vực được coi là sẽ phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI.

Đón nhận thời cơ

Đối với Việt Nam việc AEC vận hành hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường thống nhất, mở và nâng cao tính cạnh tranh, thực sự là một thời cơ lớn.

Việt Nam có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào, qua đó góp phần cải cách quản lý, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh...

AEC giúp Việt Nam mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước nội khối và kinh doanh từ bên ngoài; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến; góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

AEC cũng tạo cơ hội cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn trong tương lai gần. Các ngành sản xuất, xuất khẩu chính như: dệt may, giày dép, thủy sản,... được mở rộng sẽ giúp kích thích sự tăng trưởng từ sản xuất trong nước, qua đó hỗ trợ sự gia tăng của tổng cầu.

Với AEC, cơ hội hình thành một cơ cấu kinh tế toàn diện hơn cho Việt Nam, cơ cấu kinh tế được tiếp tục thay đổi theo hướng gia tăng giá trị từ xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng cao, nâng cao năng lực và hiệu quả nguồn nhân lực Việt Nam.

AEC còn góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, qua đó góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Vượt qua thách thức

Khi AEC vận hành, Việt Nam cũng sẽ phải vượt qua một số thách thức không nhỏ như:

Một là, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các thành viên là một thách rất lớn cần phải vượt qua bởi các nước thành viên AEC rất đa dạng về mô hình nhà nước, chính trị, văn hoá và có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển. Tính theo GDP/người, Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar và thấp hơn nhiều so với Singapore.

Hai là, năng lực cạnh tranh của các nước ASEAN cũng không đồng đều. Việt Nam hiện xếp thứ 56, nhưng so với các nước trong khu vực chỉ đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37) và Philippines (47). Khả năng thích ứng với kinh tế thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt, khả năng chủ động khai thác cơ hội còn hạn chế.

Ba là, bảo đảm năng suất, chất lượng hiệu quả. Việt Nam hiện chỉ có 20% lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo. Trình độ ngoại ngữ của lao động trình độ đại học và lao động có tay nghề của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Năng suất lao động Việt Nam hiện ở mức trung bình nội khối, cao hơn Lào, Campuchia, Myanma; tiệm cận các nước Indonesia và Philippines; thấp hơn so với năng suất lao động của Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Bốn là, bảo đảm thông tin và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này sở dĩ do thiếu những quy định về chia sẻ thông tin mật và nội dung các điều khoản kỹ thuật trong quá trình đàm phán. Do đó, các bên liên quan đã ít có cơ hội tham gia ý kiến về các nội dung trong quá trình đàm phán và trước khi thành lập AEC.

Năm là về cơ cấu các ngành sản xuất, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ còn chưa tốt. Với các yêu cầu về xuất xứ được thông qua, các ngành đang là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, giày dép, điện tử… cần được triệt để tận dụng.

Để có thể tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, Việt Nam có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng các doanh nghiệp nhỏ, vừa và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập.

Thứ hai, cải cách môi trường pháp lý, chính sách để bảo đảm hướng tới một “chuẩn mực” thống nhất theo quy định của AEC sẽ là những ràng buộc mang tính pháp lý, bắt buộc phải thực hiện theo đúng lộ trình đã cam kết.

Thứ ba, tổ chức thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng vào đội ngũ doanh nghiệp và người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, đặc biệt là về quy tắc nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hoá và lao động được tự do di chuyển...

Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, bắt kịp trình độ của các nước phát triển hơn trong khu vực AEC.

Như vậy, thời khắc thực hiện những điều khoản đã cam kết trong Hiệp định AEC đã bắt đầu. Thời cơ lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ, Việt Nam cần đón nhận cả thời cơ và thách thức, với tinh thần chủ động, tích cực, bản lĩnh vững vàng.

Nguyễn Nhâm