1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ba Lan chi gần 5 tỷ USD mua lá chắn tên lửa của Mỹ

(Dân trí) - Ba Lan vừa thông qua thương vụ 4,75 tỷ USD mua các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ nhằm đối phó "mối đe dọa" từ Nga, hãng tin RT cho biết.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ

Hệ thống tên lửa Patriot (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống tên lửa Patriot (Ảnh: Sputnik)

Theo RT, chính phủ Ba Lan đã đồng ý chi 4,75 USD để mua hệ thống phòng thủ Patriot do Mỹ sản xuất. “Đây là một khoảnh khắc lịch sử quan trọng. Đây là lời giới thiệu của Ba Lan tới thế giới về phương tiện phòng thủ hiện đại, công nghệ tiên tiến hàng đầu”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trong lễ ký kết diễn ra hôm nay 28/3.

Hôm 27/3, trả lời đài TVP Info, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw sẽ nhận hệ thống Patriot đầu tiên vào năm 2022 và hệ thống thứ hai vào năm 2024.

Ông Morawiecki cho biết lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ đảm bảo an ninh không phận của Ba Lan và hệ thống Patriot đã được tích hợp công nghệ tiên tiến nhất mà Mỹ chỉ bán cho Warsaw. “Đây là bằng chứng cho tình đoàn kết thân thiết giữa Mỹ và Ba Lan dưới tư cách đồng minh và Mỹ tin tưởng Ba Lan”, ông Morawiecki nhận định.

Patriot là hệ thống tên lửa phòng thủ được thiết kế để chống lại các mục tiêu máy bay, máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Các tính năng về độ cao, tầm xa, tính thích nghi với thời tiết đã được hãng Raytheon thử nghiệm khoảng 3.000 lần.

Hợp đồng sẽ bao gồm một gói hỗ trợ giải pháp từ Mỹ. Ông Morawiecki cho rằng gói hỗ trợ sẽ giúp Ba Lan phát triển “các giải pháp quân sự mới trên tinh thần hợp tác với Mỹ”.

Bình luận về thương vụ mua Patriot và mối quan hệ với láng giềng Nga, ông Morawiecki cho biết Ba Lan mong muốn gìn giữ quan hệ thân thiết với láng giềng, trong đó có Nga, nhưng “tốt nhất là mối quan hệ thân thiết nên được củng cố bằng năng lực quân sự (của Ba Lan)”.

Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã “bật đèn xanh” bán 16 bệ phóng và 208 tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE, cùng với các tổ hợp phòng không tầm trung cho Ba Lan. Năm 2016, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz nói thương vụ này nhằm đối phó “mối đe dọa từ Nga”.

Trên thực tế, NATO đã liên tục củng cố lực lượng quân sự sát cửa ngõ Nga ở Ba Lan và các nước Baltic với lý do phòng phủ trước “mối đe dọa tấn công từ Nga”. Bình luận về tình hình trên, điện Kremlin nhận định NATO dường như đang gây bất ổn đến an ninh khu vực. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Mỹ dường như đang muốn củng cố địa vị và chỗ đứng ở châu Âu bằng các liên minh quân sự.

Ông Larov cho rằng các quốc gia NATO đã “tưởng tượng thái quá khi cho rằng Nga sẽ tấn công Ba Lan hoặc khu vực Baltic”.

Đức Hoàng

Theo RT