Ấn Độ lo Trung Quốc muốn xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương
(Dân trí) - Có những lo ngại ngày càng gia tăng, đặc biệt tại Ấn Độ, rằng Trung Quốc có thể sớm khởi động một dự án xây dựng đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương.
Các lo ngại đó xuất phát từ một sửa đổi hiến pháp được đảo quốc Maldives thông qua hồi tuần trước, vốn lần đầu tiên cho phép người nước ngoài mua đất tại đây. Đặc biệt, việc sửa đổi hiến pháp cho phép người nước ngoài đầu tư trên 1 tỷ USD được sở hữu đất đai vĩnh viễn, với điều kiện ít nhất 70% diện tích khu đất đó được bồi đắp từ biển.
Kể từ tháng 7/2013, Trung Quốc đã tiến hành một dự án cải tạo đất quy mô lớn ở Biển Đông, bồi đắp hơn 800 ha đất trên các bãi thuộc quần đảo Trường Sa. Khoảng 75% diện tích trong số này được bồi đắp chỉ trong năm nay.
Các quan chức giấu tên của Ấn Độ đã chia sẻ với báo chí địa phương rằng họ “lo ngại” Trung Quốc giờ đây có thể lên kế hoạch làm điều tương tự tại một số trong 1.200 hòn đảo của Maldives, quốc đảo có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Không chỉ các quan chức Ấn Độ mới cảnh giác như vậy. Những người phản đối việc sửa đổi hiến pháp đã bày tỏ những lo lắng tương tự. Bà Eva Abdullah, một trong 14 nghị sĩ bỏ phiếu phản đối sửa đổi hiến pháp, cho hay: “Việc này sẽ biến đất nước thành một thuộc địa của Trung Quốc”.
“Điều mà tôi lo lắng là chúng tôi đang dọn đường cho việc thiết lập các căn cứ của Trung Quốc tại Maldives và biến đảo quốc thành chiến tuyến giữa Ấn Độ và Trung Quốc, làm thay đổi thế cân bằng quyền lực hiện thời tại Ấn Độ Dương. Chúng ta không thể phớt lờ sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, bà Eva nói.
Tuy nhiên, giới chức Maldives và Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ những lo ngại đó. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Bắc Kinh “luôn tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực của Maldives nhằm duy trì chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ”.
Tuyên bố cũng nói thêm rằng “điều mọi người nói về việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ ở Madives là hoàn toàn không có cơ sở”. Bắc Kinh khẳng định sẽ không bao giờ lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen, Phó tổng thống Ahmed Adeeb cũng bác bỏ các quan ngại rằng Trung Quốc sẽ cải tạo các hòn đảo và sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Dù chính phủ Ấn Độ dường như chấp nhận lời đảm bảo của Maldives nhưng những người khác tỏ ra vẫn hoài nghi.
Anand Kumar, một nhà phân tích tại Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng (IDSA) tại New Delhi, nhấn mạnh: “Hiến pháp đã được sửa theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Chỉ Trung Quốc mới có khả năng sở hữu 70% đất”.
Những người khác tỏ ra lo ngại rằng việc sửa đổi hiến pháp được thông qua quá nhanh. Các nguồn tin Ấn Độ cho biết với báo chí địa phương rằng quy trình lập pháp tại Maldives thường diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, một nguồn tin Ấn Độ nói với tờ Indian Express rằng “ủy ban quốc hội xem xét và phê chuẩn dự luật sửa đổi hiến pháp chỉ trong vòng 1 một giờ và điều này làm gióng lên những hồi chuông báo động”.
Thậm chí trước khi việc sửa đổi hiến pháp mới được thông qua, Ấn Độ đã lo ngại về Maldives, một đất nước mà New Delhi vốn xem là nằm trong vòng ảnh hưởng của mình. Trước đó hồi đầu năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hủy một chuyến thăm được lên kế hoạch tới Maldives sau khi các thành viên có tiếng của phe đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, bị ngồi tù.
Tương tự, thậm chí trước khi việc sửa đổi hiến pháp được đề xuất, các quan chức Ấn Độ cũng không hài lòng về mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Maldives với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Yameen lên nắm quyền tháng 11/2013. Trung Quốc ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào Maldives trong những năm gần đây, một phần của sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển.
Đáng chú ý, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước Maldives hồi năm ngoái, khi ông cam kết đầu tư mạnh hơn vào đảo quốc, trong đó có sân bay quốc tế Male. Du khách từ Trung Quốc tới Maldives cũng gia tăng trong những năm gần đây, mang lại nguồn thu cho quốc gia nhỏ bé.
Trung Quốc cũng đang cố gắng gia tăng sự hiện diện tại các quốc gia Nam Á ven biển khác như Sri Lanka trong chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.
An Bình
Theo National Interest