1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

2018 - Nước Mỹ sẽ thế nào trước "thù trong, giặc ngoài"?

Năm 2017 là năm Lầu Năm Góc tuyên bố về những chiến lược mới được đầu tư bằng những nguồn lực mới, được thúc đẩy bằng những tư duy hoàn toàn mới và một kế hoạch rõ ràng. Năm 2018 sẽ là năm dư luận có thể xem liệu những dự đoán tự tin này có trở thành hiện thực hay không.


Tổng thống Trump đã cam kết “xây dựng đội quân mạnh mẽ nhất trong lịch sử Mỹ”

Tổng thống Trump đã cam kết “xây dựng đội quân mạnh mẽ nhất trong lịch sử Mỹ”

“Giặc ngoài”

Tại Iraq và Syria, việc Tổng thống Donald Trump thừa nhận chính quyền và có những điều chỉnh về mặt chiến thuật đã đem lại kết quả cụ thể, đẩy mạnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và tới cuối năm dần xoá sổ “caliphate” - Vương quốc Hồi giáo từng bành trướng mạnh mẽ của các tay súng thánh chiến. Tuy nhiên, trong khi Iraq bắt đầu lộ trình hòa giải và tái thiết thì Syria vẫn là quốc gia nơi nhà lãnh đạo độc tài Bashar al-Assad tiếp tục củng cố vị thế với sự hậu thuẫn của Nga, cường quốc cũng đã nhờ cuộc chiến này củng cố đáng kể địa vị tại Trung Đông.

Mỹ dành nhiều kỳ vọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông, tiến trình cho tới nay vẫn chưa đếm lại kết quả cụ thể. Khi các tay súng của IS đã bị quét sạch, Mỹ phải đối diện với quyết định khó khăn là liệu có nên từ bỏ các đồng minh cũ hay lựa chọn một bên trong cuộc xung đột hay không, một vị thế trái ngược hẳn với Nga, cường quốc hiện diện ở Syria nhờ “lời mời” của Assad.

Có thể nói, những gì diễn ra tại Afghanistan sẽ là phép thử hoàn hảo nhất để xem xem liệu Tổng thống Trump có đúng hay không khi tạm kiềm chế những quyết định mang tính bản năng của mình để lắng nghe các cố vấn an ninh. Tổng thống Trump, vốn đã muốn từ bỏ cuộc chiến kéo dài 16 năm này, đã dần dần được Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và cố vấn an ninh quốc gia thuyết phục rằng với việc Mỹ thực hiện một chiến lược mạnh mẽ và cương quyết, Taliban chắc chắn sẽ bị tiêu diệt như cách IS bại trận ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, nếu tình hình Afghanistan tiếp tục bế tắc, khó có thể đảm bảo rằng Trump sẽ tiếp tục giữ được thái độ này, nhất là khi cá nhân ông tự cho rằng việc rút khỏi cuộc chiến là điều nên làm.

Nga và Trung Quốc được gắn mác cường quốc đối thủ trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Trump, đều đang là những nhân tố đặt ra không ít thách thức riêng trong hợp tác. Trump cần Trung Quốc để siết chặt trừng phạt Triều Tiên để đẩy nền kinh tế của quốc gia này tới sát bờ vực sụp đổ hoàn toàn và đe dọa vị thế của Kim Jong-un, bởi có lẽ người ta chỉ có thể thuyết phục nhà lãnh đạo này rằng từ bỏ vũ khí là cách duy nhất để đảm bảo sự tồn tại của chế độ. Trong mối quan hệ với Nga, vấn đề hóc búa với Trump là làm thế nào để làm việc với nhà lãnh đạo đầy quyết tâm như Vladimir Putin mà không củng cố lập luận của giới chỉ trích cho rằng ông là “con rối” của Kremlin, một nhận định nảy sinh từ cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong khi đó, Iran đang thể hiện rằng họ cũng là một mối đe dọa và Chính quyền Trump cũng đang tìm cách tăng cường các hạn chế đối với chương trình tên lửa của quốc gia này, đồng thời cải thiện thỏa thuận hạt nhân vốn bị Tổng thống không ngừng chỉ trích. Tuy nhiên cho đến nay, khó khăn lớn nhất của Trump chính là làm thế nào để hoàn thành cam kết buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời tránh làm bùng phát một cuộc chiến với nguy cơ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người ở cả hai phía.

“Thù trong”

Năm tới sẽ là năm then chốt đối với tầm nhìn của Tổng thống Trump về một lực lượng quân đội Mỹ lớn hơn về quy mô và mạnh về chất lượng, thể hiện xem liệu Washington có sẵn sàng đầu tư tiền của để hiện thực hóa mục tiêu này hay không.

Trong tuần đầu tiên lên nắm quyền, Trump đã cam kết “xây dựng đội quân mạnh mẽ nhất trong lịch sử Mỹ”. Tuyên bố này là lời nhắc lại những gì ông từng hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử như bổ sung hạm đội 350 tàu Hải quân bên cạnh con số 279 hiện nay, và tăng số binh sỹ tại ngũ lên 540.000 người từ 476.000 người. Ngân sách quốc phòng, được công bố hồi tháng 5/2017, tăng 5,5% so với năm trước. Giới phân tích cho rằng con số này là không đủ để đáp ứng mục tiêu phát triển quân đội. Trong khi đó, Lầu Năm Góc thừa nhận kế hoạch củng cố lực lượng sẽ bị trì hoãn khoảng 1 năm và giới chức quốc phòng cứng rắn đang tìm cách thuyết phục Nhà Trắng tăng chi tiêu trong lĩnh vực này.

Dư luận đang đặc biệt chú tâm vào tháng 2/2018, thời điểm ngân sách cho quốc phòng cho tài khóa 2019 được công bố, dù chính quyền có thể bỏ lỡ mốc này. Mọi kế hoạch xây dựng quân đội đều phụ thuộc vào hai số liệu ngân sách, gồm chi tiêu cho tài khóa và xu hướng tăng chi tiêu dự kiến cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Cả Bộ trưởng Mattis và Lầu Năm Góc đều phủ nhận sự ràng buộc của các kế hoạch trong tương lai và nhấn mạnh họ chỉ chú tâm tới năm tiếp theo của thời điểm ra các tuyên bố liên quan. Với việc Lầu Năm Góc đã hoàn thành việc xem xét các chiến lược then chốt, chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, ông Mattis và Nhà Trắng sẽ sớm phải giải quyết những tranh cãi trong vấn đề ngân sách quốc phòng...

Theo Thanh Lâm

Pháp luật Việt Nam