Mã số 1842:
Nước mắt người vợ trẻ tiễn biệt chồng sắp ra đi mãi mãi
(Dân trí) - “Bố và anh trai đang đưa anh ấy về gặp vợ, con và người thân lần cuối. Em chả mong muốn gì, chỉ mong sao hai bố con khỏe mạnh ở với em lâu là được rồi. Nghèo cũng được, chả mong giàu sang gì cả”.
Mong ước tưởng chừng như giản đơn nhưng giờ đây nó lại trở thành nỗi tuyệt vọng với người vợ trẻ, khi mà bệnh tật chồng ngày càng trở nên nguy kịch, cái chết đang chờ chực chồng chị từng giờ. Cậu con trai duy nhất mới 4 tuổi nhưng cũng bắt đầu có những biểu hiện giống căn bệnh của bố.
Nhận được thông tin từ cán bộ Hội chữ thập đỏ huyện Quan Hóa, vượt quãng đường hơn 100km từ thành phố Thanh Hóa, tôi có mặt tại gia đình bà Lữ Thị Nam (50 tuổi) lúc chiều muộn. Căn nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn đồi ở bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hóa lúc này đang có đông người tập trung đến. Hỏi ra mới biết, nghe tin con trai bà từ bệnh viện sắp phải về nhà nên mọi người đến để chia sẻ, an ủi động viên gia đình. Trên khuôn mặt mọi người ai cũng lộ vẻ căng thẳng, lo lắng.
Nhắc đến chồng, chị Hà Thị Thoa (SN 1989) nghẹn ngào khóc: “Em cũng mới vừa đi chăm sóc anh ấy ở Hà Nội về. Em về trước để lo công việc gia đình. Đợt này anh ấy mới ra điều trị được mấy ngày, nhưng không tiến triển và diễn biến xấu, bác sỹ khuyên gia đình nên đưa anh về gặp bố mẹ, vợ con và người thân”.
Chỉ mới nghe đến đó, ngồi đối diện với con dâu, bà Nam ôm đứa cháu nội, đôi mắt đỏ hoe, bà như đang rơi vào cảm giác tuyệt vọng. Xung quanh, rất đông họ hàng, đồng nghiệp đang tập trung chờ con trai bà về. Khác với những lần trở về thăm nhà trước đây sau mỗi đợt điều trị, lần này, anh Hà Văn Thụ (SN 1987) trở về là để gặp lại mọi người lần cuối.
Trong căn nhà sàn đơn sơ, mọi người như đứng ngồi không yên, thấp thỏm ngóng tin anh Thụ từng phút. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, cũng là lúc ông Hà Văn Thúy cùng con trai đầu ra Hà Nội thuê xe để đưa anh Thụ về quê.
Chị Thoa ngồi thừ người ra, cậu con trai hết ngồi với bà lại chạy đến bên mẹ. Chị thều thào kể về cuộc đời của mình. Năm 2010, theo phong tục địa phương, chị về làm dâu rồi hai vợ chồng ở chung với bố mẹ. Chị đi làm tạp vụ ở Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa, còn anh Thụ làm ở Trung tâm văn hóa huyện. Một năm sau đó, đôi vợ chồng trẻ và gia đình vui mừng chào đón cậu con trai Hà Hải Đăng ra đời. Niềm vui chưa được bao lâu, tháng 8/2011, anh Thụ phát hiện bị bệnh ung thư máu.
Thời gian đầu, căn bệnh của anh còn nhẹ nên vẫn đi làm bình thường và thi thoảng mới đến bệnh viện điều trị Nhưng càng ngày, bệnh càng nặng hơn nên theo định kỳ anh lại phải nhập viện, mỗi lần như vậy mất khoảng 2 - 3 tháng và chỉ tranh thủ về thăm nhà được ít ngày lại đến viện nằm. Thời gian gần đây, mọi sinh hoạt của anh đều phải trông cậy vào người vợ trẻ và bố mẹ.
Cách đây khoảng 10 ngày, thấy anh sốt cao, có biểu hiện xấu, chị Thoa lại đưa chồng đi viện. Tuy nhiên, lần này, tình trạng sức khỏe anh Thụ có dấu hiệu xấu đi, người phù nề, sức đề kháng không có, lên bàn mổ sẽ khó qua khỏi, nên bác sỹ khuyên gia đình đưa về quê. Nói đến đây, nước mắt người vợ trẻ cứ thế tuôn ra, giọng nói nghèn nghẹn: “Em chả mong muốn gì, chỉ mong sao hai bố con khỏe mạnh ở với em là được rồi. Nghèo cũng được, chả mong giàu sang gì cả, chỉ mong có sức khỏe sống lâu dài với gia đình là em vui lắm rồi”.
Thời gian gần đây, công việc của chị cũng thường xuyên bị gián đoạn bởi những ngày tháng theo chồng và con đi viện. Cậu con trai duy nhất là cháu Hà Hải Đăng (SN 2011), khi mới sinh ra, da vàng như nghệ, lúc đầu gia đình nghĩ cháu chỉ bị bệnh vàng da. Nhưng càng ngày thấy cháu có những biểu hiện bất thường, đi khám thì bác sỹ kết luận cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh. Căn bệnh của cháu tự tan máu không rõ nguyên nhân.
Giờ đây một tháng cháu phải đi truyền máu một lần, nhưng thời gian gần đây, chị Thoa bận lo cho chồng nên không đưa con đi truyền máu đều đặn được. “Bác sỹ bảo kéo dài sự sống cho cháu thôi. Sau này cháu không phát triển bình thường như những trẻ khác, nếu chăm sóc không tốt thì cháu dễ bị suy dinh dưỡng, mặt mũi, da có thể bị biến dạng. Cháu đang học mẫu giáo nhưng cũng phải nghỉ học thường xuyên vì ốm đau”, chị Thoa nói.
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng và con đi viện không mất tiền viện phí, nhưng chi phí mỗi lần đưa chồng đi Hà Nội cũng tốn hàng chục triệu đồng. Anh em bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan cũng thường xuyên gom góp, ủng hộ mỗi lần anh Thụ đi viện, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Kinh tế gia đình chủ yếu chỉ dựa vào những cây luồng, nhưng hiện cũng đã theo anh Thụ và con trai sau mỗi đợt điều trị.
Nhắc đến công việc của chồng, chị Thoa cho biết, từ ngày 1/4/2015, anh Thụ đã được ký quyết định vào biên chế. Nhưng thật éo le từ đó đến nay, anh Thụ lại không thể tiếp tục đi làm vì những ngày tháng của anh cứ gắn bó với bệnh viện.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1842: Chị Hà Thị Thoa: Bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Điện thoại: 01239818345 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Duy Tuyên