1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Vừa sạc pin vừa dùng điện thoại - Thói quen chết người

(Dân trí) - Vừa sạc pin vừa sử dụng các thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng là thói quen của nhiều người, tuy nhiên trên thực tế điều này có thể dẫn đến những tai nạn chết người, nhưng thường bị ngó lơ và ít người nghĩ đến.

Ngày 19/10 vừa qua một bé trai 13 tuổi sống tại quận Bình Tân, Tp.HCM bị tử vong do điện giật khi sử dụng điện thoại di động trong lúc đang cắm sạc, để lại sự tiếc thương cho gia đình và người thân. Mặc dù trong trường hợp này chiếc sạc không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn nhưng đây cũng được xem là hồi chuông cảnh tỉnh với những ai thường xuyên có thói quen vừa sạc pin, vừa sử dụng các thiết bị di động như điện thoại và máy tính bảng.

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp ghi nhận bị điện giật do sử dụng điện thoại di động khi đang cắm sạc tại Việt Nam nói riêng và tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó có không ít trường hợp dẫn đến tử vong. Ngoài trường hợp của bé trai kể trên, gần đây nhất vào tháng 9 vừa qua, chị Ngô Thị Liên (24 tuổi, trú tại xóm 1, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, Nghệ An), đang mang thai ở tháng thứ tư, đã bị điện giật tử vong trong khi sử dụng chiếc iPhone 3 đang cắm sạc.

 

Bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc là những tai nạn hy hữu, nhưng không có nghĩa là chúng không xảy ra.
Bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc là những tai nạn hy hữu, nhưng không có nghĩa là chúng không xảy ra.

Trước đó vào tháng 7/2013, một cô gái 23 tuổi làm nghề tiếng viên hàng không, sống tại khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), đã tử vong do bị điện giật trong khi sử dụng chiếc iPhone 5 đang cắm sạc. Vụ việc lập tức gây xôn xao dư luận và giới công nghệ vì đây là một trong những trường hợp đầu tiên nạn nhân tử vong vì dùng điện thoại đang cắm sạc được ghi nhận.

Phía Apple sau đó cũng đã cử các chuyên gia để điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của cô gái 23 tuổi này và đưa ra kết luận rằng cô gái đã sử dụng dây sạc giả, không đảm bảo chất lượng khiến dòng điện bị rò rỉ và cô bị giật điện.

Một năm sau đó, vào tháng 7/2014, một thiếu nữ 18 tuổi cũng sống tại khu tự trị Tân Cương cũng đã tử vong vì lý do tương tự, sử dụng điện thoại trong lúc cắm sạc, tuy nhiên lần này là với chiếc iPhone 4S, thay vì iPhone 5 như ở trên.

Trên đây là một trong vài trường hợp tử vong do sử dụng điện thoại trong lúc cắm sạc khiến dư luận xôn xao. Ngoài ra còn không ít trường hợp bị điện giật hoặc bị bỏng do sử dụng điện thoại, máy tính bảng trong lúc sạc xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Những trường hợp này cho thấy rằng thói quen sử dụng điện thoại khi đang sạc là một thói quen nguy hiểm, tuy nhiên ít người lại chú tâm đến và thường phớt lờ những nguy hiểm có thể xảy ra.

Ngày nay, nhiều loại smartphone, đặc biệt các mẫu smartphone cao cấp, thường trang bị lớp vỏ bằng kim loại hoặc khung viền bằng kim loại, vừa giúp sản phẩm trở nên chắc chắn, lại tăng thêm tính thẩm mỹ cho smartphone của mình. Tuy nhiên trên thực tế thiết kế này có thể gây nguy hiêm cho người dùng, bởi lẽ nếu nguồn sạc bị rò điện, dòng điện có thể truyền qua lớp vỏ hoặc khung viền kim loại và nếu người dùng không hay biết có thể bị giật điện khi chạm tay vào điện thoại đang sạc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng củ sạc và dây sạc không rõ nguồn gốc cũng ẩn chứa những nguy cơ bị điện giật khi sạc điện thoại. Hiện nay có thể dễ dàng mua cá loại dây sạc cho smartphone trên thị trường, tuy nhiên nhiều người lại chọn các loại củ sạc, dây sạc không rõ nguồn gốc và trôi nổi vì có giá rẻ, tuy nhiên chất lượng của những loại dây sạc này thì không đảm bảo và có thể gây nên hiện tượng rò điện, rất nguy hiểm cho người dùng.

Nhìn chung, tai nạn giật điện khi sử dụng các thiết bị di động đang cắm sạc là khá hy hữu, tuy nhiên không phải là không xảy ra, do vậy để đề phòng và giữ an toàn cho bản thân, bạn nên hạn chế sử dụng thiết bị di động khi chúng đang được cắm sạc và chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết.

Để an toàn, bạn nên cắm dây sạc vào điện thoại, sau đó mới cắm củ sạc và ổ điện, điều này sẽ giúp tránh tình trạng bạn chạm vào điện thoại khi dây cắm đã có nguồn điện, khiến cơ thể bị giật nếu điện bị rò rỉ. Và sau khi đã sạc xong, bạn cũng nên rút củ sạc khỏi ổ điện trước, thay vì rút dây cắm sạc của điện thoại ra khỏi máy.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng củ sạc, dây sạc chính hãng, tuyệt đối không sử dụng các loại dây sạc không rõ nguồn gốc. Nếu bị cảm giác giật điện khi chạm vào thiết bị di động đang cắm sạc, bạn nên lập tức ngắt nguồn sạc điện để tránh tai nạn cháy nổ, đồng thời mang thiết bị đến các cửa hàng điện thoại có uy tín để nhờ kiểm tra.

Đoạn clip được camera giám sát ghi lại vào tháng 4/2014, khi một người đàn ông bị giật điện bắn người ngay sau khi cắm dây sạc vào điện thoại di động của mình

Không nên cắm củ sạc trong ổ điện sau khi đã sạc pin xong

Một vấn đề khác được ít người quan tâm, đó là nhiều người thường xuyên có thói quen vẫn giữ nguyên củ sạc điện thoại hay máy tính bảng trong ổ điện sau khi đã sạc xong, điều này sẽ giúp người dùng tiện lợi và nhanh chóng ở những lần sạc sau.

 

Trẻ em có thể ngậm dây sạc đang cắm điện vào miệng và bị giật dẫn đến tử vong (Ảnh minh họa)
Trẻ em có thể ngậm dây sạc đang cắm điện vào miệng và bị giật dẫn đến tử vong (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thói quen này cũng ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt ở những gia đình có trẻ nhỏ. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, thường có thói quen cho vào miệng để ngậm tất cả những gì trong tầm tay của chúng, và sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ em nắm được đầu dây cắm sạc của điện thoại hay máy tính bảng và ngậm vào miệng, khi đó với dây sạc vẫn con cắm ở ổ điện, những đứa trẻ sẽ bị giật điện và có thể bị tử vong.

Để đề phòng khả năng xấu có thể xảy ra này, người dùng nên rút nguồn sạc điện sau khi đã sạc xong.

Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)