"Điểm mặt" những trò lừa đảo mới trên Facebook
Không thể hình dung trong một "Thế giới phẳng" như hiện nay, người ta sống thiếu mạng xã hội trong đó có facebook. Nhưng facebook cũng đang trở thành "nơi", thành "phương tiện" để kẻ xấu lừa đảo... Trốn truy nã nhưng vẫn lên facebook 'up ảnh câu like'/ Lập facebook ‘tống tình’ cô giáo cũ
Mạng xã hội mà đặc biệt là Facebook đang là cầu nối gắn liền nhiều khoảng cách cũng như phục hồi nhiều mối quan hệ lâu năm. Tuy nhiên, dường như nhiều người chưa biết phân biệt giới hạn giữa sự riêng tư và đại chúng trên Facebook.
Những thông tin cá nhân như: Danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, số tài khoản, tình trạng sức khỏe,... được người dùng chia sẻ công khai, rộng rãi khiến cho khả năng thông tin bị đánh cắp, xuyên tạc ngày một lớn. Như các hình thức sử dụng internet khác, mạng xã hội cũng là nơi tội phạm công nghệ cao lợi dụng khai thác triệt để.
Đơn giản là kẻ gian lấy trộm "nick" trên mạng xã hội rồi sử dụng vào mục đích xấu như nhắn tin nhờ mua giúp thẻ điện thoại, vay tiền sau đó chiếm đoạt. Ở mức độ tinh vi hơn, cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội, tội phạm mạng chuyển hướng sang mục tiêu mới như tạo ra các tài sản ảo như lượt "like", lượng người theo dõi để bán cho khách hàng có nhu cầu. Những tài sản ảo này lại tiếp tục tạo ra các giá trị ảo cho cá nhân, tổ chức, nhãn hàng, gây rối loạn thị trường, sai lệch giá trị thực, dễ bị lợi dụng để lừa đảo...
Mới đây, một cặp vợ chồng bị lừa 10 triệu đồng do người vợ... tag tên chồng vào bức ảnh một chiếc túi xách đẹp, có giá 40 triệu đồng ở trang facebook của một shop bán túi có tiếng. Những kẻ lừa đảo đã lập, giả mạo y hệt Facebook người vợ, tìm hiểu cẩn thận cách nói chuyện của hai vợ chồng, rồi nhắn tin yêu cầu người chồng chuyển khoản tiền để đặt hàng. Chỉ đến cuối ngày, hai vợ chồng mới nhận ra họ bị lừa.
Cuối tháng 6/2015, chị Nguyễn Thị L. ở Trần Quý Cáp (TP Hà Nội) cũng nhận được tin nhắn của đứa cháu gái đang du học bên Nga, nhắn qua Facebook nhờ dì chuyển tiền vào tài khoản. Thương cháu ở xa thiếu thốn nên chị L. đã ra ngân hàng chuyển vào tài khoản cho cháu gái 7 triệu đồng. Sau khi đã chuyển xong tiền, về nhà gọi điện thoại cho cháu để thông báo đã chuyển thì chị L. mới phát hiện mình đã bị lừa đảo.
Thông báo trúng thưởng gửi tới người dùng Facebook và hình thức lừa cào thẻ điện thoại hoành hành trên Facebook.
Trên Facebook, các đối tượng thường lợi dụng “lập lờ” để bán hàng gian lận, không chính thống, trốn thuế; tang vật của các vụ trộm cắp, cướp giật hoặc làm quen, kết bạn sau đó lừa đảo cả tiền và tình. Những chiêu lừa đảo này không phải mới, nhưng nó đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và quy mô khiến nhiều người dùng không kịp nắm bắt.
Sau trò lừa nạp thẻ “ông chú Viettel” được xem là một trong những “hiện tượng lừa” trên Facebook trong năm 2014, năm 2015, mạng xã hội có số lượng người dùng nhiều nhất Việt Nam lại tiếp tục “nở rộ” những chiêu trò lừa đảo mới, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau khiến nhiều người dùng “sập bẫy”.
Cụ thể, sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh rồi tỏ tình với phụ nữ Việt Nam qua Facebook, những “ông Tây hào hoa” đã giở chiêu trò với những gói hàng hoá có giá trị để lừa những người nhẹ dạ. Để thể hiện tình cảm của mình, những “ông Tây hào hoa” sẽ gửi một số tiền USD và quà về cho “bạn gái”.
Tuy nhiên, quá trình chuyển tiền luôn gặp trục trặc, yêu cầu nạn nhân phải nộp những khoản tiền theo luỹ tiến để nhận được số tiền và quà tặng trị giá kia. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Faceboook do 4 đối tượng người nước ngoài, câu kết với bị can Phạm Thị Sa, 33 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh tạo nên những “bẫy tình” ngọt ngào, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Ngồi trước màn hình máy tính, gõ dòng chữ bất kỳ, đại loại như "lừa đảo qua Facebook" lên trang tìm kiếm của Google, chúng ta không khỏi bất ngờ trước những kết quả hiện ra. Các vụ án, những chiêu thức lừa đảo đã bị lực lượng Công an vạch trần hay những cảnh báo, biện pháp phòng ngừa đều không thiếu.
Vì vậy, khi những chiêu thức cũ đã bị vạch trần, tội phạm công nghệ cao lại nghĩ ra những chiêu trò mới như: Lên Facebook tìm kiếm thông tin của bị hại, sau đó giả danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ hoặc cơ quan luật pháp để gọi điện thoại, thông báo bị hại đang nợ cước điện thoại.
Các đối tượng đã sử dụng những “kịch bản” soạn sẵn, thêm những thông tin khác của bị hại như số chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng cũng như nơi mà bị hại gửi tiền để tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
(còn tiếp)
Theo Công an Nhân dân