“Trên nói dưới không nghe": Cùng phe tuổi tác
(Dân trí) - Tình dục là yếu tố ảnh hưởng rất lớn cho hạnh phúc hôn nhân. Ở tuổi “ngũ thập”, trong khi phụ nữ sợ hãi đối diện với mãn kinh (menopause) thì nam giới cũng rất đau đầu với việc mãn nam (andropause) và những hệ lụy của nó.
Rối loạn cương dương có tỷ lệ khá cao trong độ tuổi mãn này. Tuy không gây nguy hiểm, đau đớn về thể xác nhưng lại ảnh hưởng rất lớn lên tinh thần, đời sống hôn nhân, hạnh phúc cá nhân và gia đình.
Hiểu những tình trạng này để có sự thông cảm, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua là rất quan trọng.
Bài viết nhằm đưa một số thông tin khoa học về vấn đề nhạy cảm này.
Định danh y học
“Trên nói dưới không nghe” là cụm từ tế nhị chúng ta hay dùng để chỉ tình trạng rối loạn chức năng cương dương, (RLCD, liệt dương, erectile dysfunction, ED) khiến người nam không đủ khả năng cương cứng dương vật cần thiết cho cuộc “mây mưa”, quan hệ tình dục với nữ giới.
Bệnh thường xảy ra ở tuổi mãn dục nam (andropause) hay suy giảm nội tiết nam ở người cao tuổi (Partial Androgen Deficiency of Ageing Male, PADAM).
Rối loạn cương dương, tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của nam giới vì sẽ tạo ra căng thẳng (stress), làm mất sự tự tin, không có khả năng “lên đỉnh” nên mất hứng thú khi quan hệ tình dục cho cả hai phía.
Cơ chế bệnh sinh và bệnh lý của RLCD khá phức tạp, nhưng dễ dàng nhận diện qua ba dấu hiệu cơ bản là: (1) khó cương cứng dương vật, (2) khó giữ được sự cương cứng trong thời gian cần thiết để thỏa mãn sinh hoạt tình dục và (3) giảm ham muốn tình dục (libido).
“Cậu nhỏ” cấu tạo và cương nhu thế nào?
Cấu tạo giải phẫu: Dương vật gồm có ba ống hình tròn, hai thể hang và một thể xốp, nằm song song nhau bao quanh bởi: lớp cân Buck's fascia, lớp mô dưới da, và da.
Hai thể hang có cấu trúc những khoảng trống, cấu tạo bằng các mô cương, chạy dọc theo chiều dài phíá trên dương vật. Mô cương có cấu trúc là những hang nhỏ, đó là những chổ phình ra của động mạch xoắn, các hang này được bao bọc bằng các sợi cơ trơn, tùy theo sự co dãn của các sợi cơ trơn các thể hang này có thể phình to ra hay co nhỏ lại theo lượng máu chứa trong nó.
Thể xốp với niệu đạo nằm ở giữa lòng, phần cuối thể xốp nở ra tạo thành qui đầu.
Hệ mạch máu dương vật gồm các động mạch lưng, thể hang và thể xốp. Ðộng mạch thể hang là một hệ thống mạch máu chằng chịt, nó chia ra rất nhiều nhánh nhỏ, chạy dọc theo chiều dài dương vật, các nhánh này có hình xoắn nên gọi là động mạch xoắn. Tĩnh mạch sẽ thu nhận máu từ từ các hang mạch máu vào các tĩnh mạch nhỏ rồi từ đó đổ vào tĩnh mạch lưng nằm sâu trong các thể hang cuối cùng đổ vào tĩnh mạch bụng.
Dương vật được kiểm soát bằng một hệ thống thần kinh tự động gồm những dây thần kinh phó giao cảm đốt cùng giữ nhiệm vụ chính và những sợi thần kinh giao cảm từ đốt sống ngực thắt lưng kiểm soát sự phóng tinh và làm xìu dương vật
Một đường dẫn truyền thần kinh khác từ vỏ não xuống dương vật là đường dẫn của những yếu tố gây cương tâm lý, ví dụ như những kích thích nhận được từ mắt, tai, mũi … cũng ảnh hưởng đến chức năng cương dương.
Cơ chế “đứng lên” “nằm xuống” của dương vật
Khi có một kích thích trực tiếp hay một ham muốn tình dục tâm lý, tín hiệu truyền về não bộ rồi được chuyển tiếp đến trung tâm gây cương ở tủy sống. Sau đó tín hiệu sẽ gởi tiếp đến mô cương nằm trong hai thể hang qua sự dẫn truyền của các sợi thần kinh thể hang. Kết quả là: (1) Dãn nở các động mạch thể hang, động mạch xoắn và máu sẽ được bơm dồn vào hang, (2) Dãn các cơ trơn quấn quanh động mạch hang, hang mạch máu làm máu đến các hang nhiều hơn và (3) Các hang mạch máu càng dãn nở tiếp tục làm máu dồn lại càng nhiều, làm tăng áp lực trong hang, chèn ép các tĩnh mạch và gây cương cứng.
Sau khi đạt cực khoái, “lên đỉnh”, và xuất tinh máu trong các hang từ từ thoát dần ra dương vật bớt cứng và xìu xuống.
Các chất hóa học trung gian
Ba chất trung gian được biết rõ là Acetylcholine, chất Non-Adrenergic-Non Cholinergic (NANC) và cuối cùng là Nitric Oxide (NO). NO làm dãn cơ, tăng GMP (Guanosyl MonoPhosphate), và gây cương dương vật.
Năm mức độ cương dương
Theo Benkert sự cương cứng của dương vật được chia làm 5 độ: Độ 1: mềm xỉu; Độ 2: mềm mềm; Độ 3: dương vật nở to; Độ 4: cương đủ để giao hợp; Độ 5: cương rất cứng.
Nguyên nhân gây rối
Ham muốn, kích thích tình dục khá phức tạp liên quan đến hệ thần kinh, nội tiết, cơ bắp và mạch máu. RLCD hậu quả của những “trục trặc” của những đầu mối này ví dụ mệt mỏi vì quá sức, căng thẳng công việc, tài chính, stress xã hội v.v…
Hai nhóm nguyên nhân gây ra RLCD chính là
Những bệnh lý
* Bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, tăng huyết áp.
* Bệnh béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
* Bệnh Parkinson
* U xơ, ung thư tuyến tiền liệt
* Chấn thương ảnh hưởng đến vùng xương chậu hoặc tủy sống
* Hút thuốc lá, nghiện bia rượu
* Rối loạn giấc ngủ
* Đa xơ cứng
* Bệnh Peyronie, mô sẹo trong dương vật
Những yếu tố tâm lý
Nhiều nguyên nhân tâm lý, thần kinh như trầm cảm, lo âu, stress hoặc điều kiện sức khỏe tâm thần khác.
Xác định RLCD bằng cách nào?
Sau khi thăm khám bằng nhìn, sờ, gõ, nghe, RLCD có thể xác định qua các tiêu chí sau
Thang điểm chức năng cương dương (IIEF)
Từ năm 1997 người ta để ra một thang điểm quốc tế để đánh giá về chức năng cương dương IIEF. Thang điểm có 15 câu hỏi để đánh gíá 5 nội dung: (1) Chức năng cương dương (6 câu); (2) Độ khoái cảm (2 câu); (3) Ham muốn tình dục (2 câu); (4) Thỏa mãn trong giao hợp (3 câu) và (5) Sự thỏa mãn toàn diện (2 câu).
Theo thang điểm này có 4 mức độ RLCD sau: (1) Nặng từ 6 - 20 điểm, Trung bình từ 21 - 30 điểm, (3) Nhẹ từ 31 - 59 điểm và Không bệnh từ 60 - 75 điểm.
Định lượng nội tiết tố máu
Có 5 hóc môn: LH, FSH, prolactine, estradiol và testosterone.
Kiểm tra cương cứng qua đêm (over night erection test). Trong khi ngủ đàn ông thường có những lần cương cứng dương vât (nocturnal penile tumescence). Để kiểm tra, người bệnh được cho mang thiết bị đặc biệt xung quanh dương vật trước khi đi ngủ. Thiết bị này sẽ đo lường số lượng và sức mạnh của sự cương cứng dương vật đạt được qua đêm, giúp xác định them tình trạng rối loạn cương dương.
Những thăm dò khác
Phức tạp hơn, thường chỉ các trung tâm chuyên khoa thực hiện.
“Trên nói dưới không nghe”: cùng phe tuổi tác
Y học chỉ rõ RLCD tỷ lệ thuận với tuổi tác: tuổi càng cao tỷ lệ mắc rối loạn cương dương càng nhiều.
Feldman và cộng sự, ĐH Massachusetts (Mỹ), tiến hành điều tra trên 1.290 nam giới ở lứa tuổi 40-70 tuổi đã ghi nhận có đến 52% bị RLCD ở các mức độ khác nhau. Tỷ lệ mắc bệnh là 39% ở tuổi 40, 48% ở tuổi 50, 57% ở tuổi 60, 67% ở tuổi 70 và lên tới 75% ở tuổi 80. Nguy cơ RLCD cao hơn ở người béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp…
Tại Pháp, một mẫu nghiên cứu trên 986 nam giới từ 18 tuổi đến 94 tuổi cho tỷ lệ chung bị rối loạn cương dương là 42% trong đó 35% từ 18 đến 35 tuổi,47% từ 36 đến 94 tuổi.
Tại Nhật, năm 1995 mẫu nghiên cứu của Sato trên 3490 nam giới đã có vợ cho tỷ lệ bị rối loạn cương dương: Dubois 2,5% lứa tuổi 20-44; 10% lứa tuổi 45-59,23% lứa tuổi 60-64,30,4% lứu tuổi 65-69, trên 44,3% lứa tuổi trên 70.
Tại Trung Quốc, năm 1997, mẫu nghiên cứu của Wang trên 1582 nam giới cho tỷ lệ : 32,8% ở lứa tuổi 40-49,36,4% ở lứa tuổi 50-59,74,2% ở lứa tuổi 60-69, và 86,3% ở trên 70 tuổi.
Tại Việt Nam năm 1997, Phạm Văn Trịnh đã tiến hành điều tra trên 764 nam giới cho tỷ lệ: 10,8% ở lứa tuổi 18-38,44% ở lứa tuổi 41-50,57% ở lứa tuổi trên 60.
Những phương cách điều trị
Rối loạn cương dương là một tình trạng bệnh lý rất phức tạp cả nguyên nhân lẫn cách điều trị. Những biện pháp sau có thể áp dụng và kết quả có khác nhau theo từng cá nhân: (1) Thay đổi lối sống; (2) Máy bơm, Cấy ghép và Phẫu thuật chỉnh sửa mạch máu dương vật; (3) Thực phẩm chức năng như Yohimbe Bark, Dâm dương hoắc, Cao khởi tử, Cỏ sừng dê (Horny Goat Weed), Nghêu sò ốc hến, Đẻn biển, Cá nhét…; (4) Thuốc đặc hiệu như Alprostadil, Cialis, Levitra, Staxyn và Viagra là những thuốc làm tăng sự cương cứng bằng cách điều hòa vận mạch ở dương vật, ức chế enzyme phosphodiesteraza 5 (PDE 5), nhờ đó làm chất GMP tồn tại lâu hơn nên dương vật cương cứng hơn; (5) Nội tiết tố như testosterone, bromocriptine, cabergoline
Đôi điều bàn luận
Rối loạn cương dương quá phổ biến, các nhà khoa học ước lượng rằng nam giới sau tuổi 40 cứ mỗi năm giảm 2% libido, còn dân gian kháo nhau nên theo quy luật số 9, từ dậy thì đến 20 tuổi ta lấy số 18 (1+8=9) có nghĩa là 1 tuần 8 lần, từ 21 đến 30 là 27 tức 2 tuần 7 lần…Do đó, đàn ông sau tuổi mãn nam cũng nên thực tế chấp nhận quy luật “sinh lão bệnh tử”, thuốc men chỉ để cải thiện tình hình.
Thống kê cho thấy, có tới 70% nam giới bị RLCD không được điều trị, chăm sóc đúng mức. Đặc biệt vì phong tục tập quán như ở nước ta, rất nhiều đấng mày râu âm thầm đau khổ chẳng đi khám bệnh tư vấn y tế gì. Cần nhớ rằng hoạt động tình dục cũng là một giềng mối để đảm bảo hạnh phúc gia đình nên việc chữa chạy RLCD cũng thiết yếu cho cuộc sống.
Trong các cách điều trị, dùng thuốc ức chế enzyme PDE 5 là cách cơ bản, khoa học và hiệu quả nhất. Nhờ ức chế enzym này máu thoát ra khỏi thể hang rất khó làm sự cương dương vật được kéo dài. Năm 1996, sau khi các kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa chính thống, đặc biệt là tờ Journal of Impotence Research, viên Viagra chính thức đưa ra thị trường cho sử dụng. Năm 1998, Cơ quan Quản lý Tthực phẩm và Thuốc (FDA) Hoa Kỳ chính thức cho phép chúng lưu hành tại Mỹ. Đến nay đã có hàng tỷ viên Viagra được sử dụng trên toàn thế giới, và người ta thấy rất hiệu quả và tương đối an toàn.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam