Trẻ chào đời sẽ được cấp mã ID riêng về tiêm chủng

(Dân trí) - Chiều 24/3, Hệ thống Quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia chính thức được khai trương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc khai trương Hệ thống này mang ý nghĩ lịch sử vì nó không chỉ dành cho tiêm chủng mở rộng mà được chuẩn bị triển khai trên toàn bộ y tế cơ sở của Việt Nam, khắc phục tình trạng người dân mỗi lần đi khám bệnh là một quyển sổ mới.

“Theo đó, từ ngày hôm nay, hệ thống này gồm hợp phần tiêm chủng, hợp phần theo dõi sức khỏe của nhân dân chính thức được hoạt động. Mọi hoạt động khám bệnh của hệ thống trạm y tế cơ sở hoàn toàn có thể ứng dụng hệ thống này trong thời gian tới, khắc phục bằng được tình trạng người dân có bệnh mới đi khám, mỗi lần đi khám là một quyển y bạ, không theo dõi được bệnh tật của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế chính thức ấn nút khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Ảnh: H.Hải
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế chính thức ấn nút khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Ảnh: H.Hải

Theo đó, Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được áp dụng chính thức từ hôm nay, áp dụng toàn quốc từ ngày 01/06/2017, đến ngày 01/06/2018 sẽ không sử dụng giấy trong tiêm chủng trên 17 nghìn điểm tiêm chủng trong toàn quốc.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, Hệ thống này đem lại nhiều lợi ích cho người dân như đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhắn tin nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của người thân khi tham gia tiêm chủng; lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời, theo dõi được tình trạng tiêm chủng trẻ em khi nhập học cũng như suốt quá trình học tập của trẻ em trong nhà trường, thông tin được bảo mật cao.

Khi có một em bé chào đời, mã ID riêng về tiêm chủng sẽ được cấp cho bé. Mã ID này bố mẹ, cán bộ y tế có thể dễ dàng quản lý, theo dõi các mũi tiêm từ máy tính, điện thoại di động. Việc nhắc tiêm cũng sẽ được nhắn tin đến điện thoại riêng đã được đăng kí. Các thông tin phản ứng sau tiêm, mũi tiêm còn xót… đều được cập nhật rõ ràng trên hệ thống điện tử.

Bên cạnh đó, việc quản lý số liệu thống kê tiêm chủng đã được hiện đại hoá, thay thế hoàn toàn việc sử dụng giấy giúp cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cán bộ y tế tại các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.

Như tại Hà Nội, theo Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, mỗi năm thành phố tốn khoảng 600 triệu riêng cho việc in sổ tiêm chủng. Nhưng với tiêm chủng không giấy, bằng hệ thống công nghệ thông tin sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí này, tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công, đồng thời việc quản lý hồ sơ tiêm chủng điện tử sẽ giúp nắm bắt toàn bộ thông tin về tiêm chủng của một đối tượng chỉ bằng một lần nhấp chuột.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, qua hệ thống này, cán bộ y tế tất cả các tuyến luôn nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vi cả nước cũng như từng tỉnh, huyện, xã/phường. Đồng thời rất hữu ích cho công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động tiêm chủng một cách khoa học, linh hoạt và hiệu quả, kịp thời phát hiện được những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ, các bản, làng, xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng thấp để triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ, vận động người dân tham gia đủ nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho công tác tiêm chủng phòng bệnh.

Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel- đơn vị xây dựng hệ thống cho biết: Hệ thống này sử dụng dễ dàng trên cả máy tính bảng, smartphone, người dùng có thể dễ dàng sử dụng để nắm bắt được lịch sử tiêm chủng, số mũi tiêm, các phản ứng sau tiêm của con.

Được biết từ năm 2016 đến nay, hệ thống đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố với kết quả 100% xã, phường đã nhập thông tin của hơn 700.000 trẻ em trong 2 năm gần nhất, trên 1.400 đơn vị đã tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống.

Hồng Hải