Thay máu cứu sống hai trẻ bỗng dưng vàng sậm da, bỏ bú

(Dân trí) - Sau khi sinh 3 ngày, hai trẻ đều xuất hiện tình trạng vàng da nhiều, đặc biệt vàng sậm vùng mặt và tay chân kèm theo bỏ bú. Khi đưa tới viện, các bác sĩ phát hiện tình trạng vàng da nhân não sơ sinh do chất bilirubin trong máu tăng cao đột ngột, có thể gây tổn thương não, đe dọa tính mạng trẻ.

Ngày 19/7, Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Trưởng khoa Sơ sinh (BV Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết bệnh viện vừa thực hiện thay máu, cứu sống hai bệnh nhi bị vàng da sơ sinh bệnh lý nặng.

Đó là bệnh nhi Vũ Văn N. (5 ngày tuổi, Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) và bé Mai Thế Q.(7 ngày tuổi, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được gia đình đưa vào viện trước đó trong tình trạng vàng da, tăng trương lực cơ, gồng cứng người, bú kém, xuất hiện cơn ngừng thở ngắn.

Hai bệnh nhi đã được thay máu điều trị tình trạng vàng da sơ sinh bệnh lý. Ảnh: T.H
Hai bệnh nhi đã được thay máu điều trị tình trạng vàng da sơ sinh bệnh lý. Ảnh: T.H

Cả hai bé sau sinh 3 ngày xuất hiện vàng da toàn thân càng ngày càng sậm màu hơn, đặc biệt vùng mặt và tay chân, bỏ bú, bú kém.

Khi được đưa tới viện, các bác sĩ xác định bệnh nhi mắc hội chứng vàng da nhân não sơ sinh, nguyên nhân do chất bilirubin trong máu tăng cao đột ngột… Bé Q. còn bị thêm nhiễm khuẩn sơ sinh.

Hai bé lập tức được chiếu đèn tăng cường và các điều trị hỗ trợ khác nhưng tình trạng bệnh vẫn có xu hướng nặng lên nên các bác sĩ phải tiến hành thay máu cấp cứu ngay cho trẻ.

“Nếu không thay máu, khi Bilirubin tăng cao sẽ ngấm vào não gây vàng da nhân với các biểu hiện: da vàng đậm, bú kém, tăng trương lực cơ, co giật, có thể dẫn đến tử vong, hoặc gây tổn thương não, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ sau này”, BS Hà nói.

Vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Hàng ngày, trước khi tắm cho trẻ, cần quan sát từ đầu đến chân xem mức độ vàng da của trẻ như thế nào.

Trẻ sẽ bị vàng da toàn thân, nhưng quan sát bằng mắt thường thì vàng da biểu hiện ở đầu nhiều nhất. Nếu chỉ vàng da ở trên đầu, nói chung là mức độ nhẹ. Nhưng nếu thấy vàng da ở bụng, rồi xuống tới chân thì mức độ bệnh đã rất nặng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), người mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ xuống da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành can thiệp, thay máu cho hai bệnh nhi. Kíp thủ thuật do BS Nguyễn Thu Hà; BS Trần Thị Nhài và các kỹ thuật viên Khoa Sơ sinh tiến hành.

BS Hà cho biết, ngay sau khi được thay máu, hiện tại tình trạng của 2 bé đã ổn định, đã có thể bú được nhưng sẽ phải theo dõi về các di chứng thần kinh của bé.

Theo BS Hà, cả hai trẻ trên đều bị vàng da bệnh lý, khác với vàng da sinh lý bình thường ở trẻ em. Với bệnh vàng da bệnh lý chỉ điều trị hiệu quả trong 7 ngày sau sinh.

Trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời, hoặc bị di chứng nặng nề do tổn thương não không hồi phục: không nói, không nhìn, không nghe được; bị liệt tay chân; có những rối loạn về hành vi; không phát triển về trí tuệ...

Trong khi đó, nếu được điều trị sớm, đúng cách, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khỏe của trẻ sau này. Vì thế, việc nhận biết sớm dấu hiệu vàng da bệnh lý rất quan trọng để đưa trẻ đến viện sớm.

Còn nếu bị vàng da sinh lý, trẻ sẽ không cần điều trị, không cần can thiệp mà chỉ sau 7 - 8 ngày, hiện tượng vàng da sẽ hết.

Vì vậy, khi có dấu hiệu sau: vàng da chỉ ở phần đầu nhưng trẻ là trẻ sinh non hoặc có những triệu trưng nôn trớ, bú khó khăn, bú kém, hay quấy, khóc, ngủ li bì; vàng da tới bụng, tay chân; hay có bất cứ những dấu hiệu nghi ngờ gì khác thì hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

“Trong những ngày đầu sau sinh, gia đình cần thường xuyên đưa trẻ ra ngoài sáng tự nhiên, không nên để trẻ trong phòng tối, thường xuyên theo dõi màu sắc da của trẻ hàng ngày để kịp thời phát hiện nguy cơ vàng da bệnh lý, đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời”, BS Hà khuyến cáo.

Hồng Hải