1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đắk Nông:

Người dân bức xúc vì “cà phê” bẩn làm từ bột đá và pin

(Dân trí) - Việc cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông phát hiện ra khối lượng lớn “cà phê” bẩn được làm từ bột đá và pin tiểu khiến nhiều người hoang mang. Trong khi đó, theo giới chuyên môn, uống những loại cà phê này sẽ gây hại cho sức khỏe.

“Cà phê” không làm từ… cà phê

Thông tin cơ sở sản xuất cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp) sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng chục tấn “cà phê bẩn” từ bột đá và pin khiến người dùng cà phê hoang mang, bức xúc.

Theo thông tin ban đầu, cơ sở này bắt đầu sản xuất “cà phê bẩn” từ năm 2016, cung cấp ra thị trường số lượng lớn theo công thức: bột đá, vỏ cà phê và nước pha bột pin con ó.

Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, cơ sở này đã bán được hơn 3 tấn và 20 tấn cùng loại chuẩn bị xuất xưởng nếu không bị phát hiện.

Bên trong cơ sở sản xuất cảu bà Loan
Bên trong cơ sở sản xuất cảu bà Loan

Bà Võ Thị Kim Chi, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông (thành viên đoàn kiểm tra) cho biết, trong 2 ngày làm việc, bà Loan vẫn chưa nêu rõ mục đích của việc sản xuất là gì. Tuy nhiên, bằng mắt thường có thể nhận thấy cà phê của bà Loan làm bằng vỏ cà phê, bột đá qua ngâm tẩm với nước pha bột pin (hoàn toàn không có cà phê tạp).

“Vụ việc liên quan đến sức khỏe người dân nên chúng tôi phải điều tra, xác minh vô cùng cẩn thận, tránh gây hoang mang dư luận. Hiện các mẫu cà phê từ cơ sở này đã được cơ quan chức năng gửi đi kiểm nghiệm, đánh giá”, vị cán bộ này khẳng định.

hoàn toàn không có cà phê tạp trong cà phê của bà Loan sản xuất
hoàn toàn không có cà phê tạp trong cà phê của bà Loan sản xuất

Hàng giả hay thực phẩm bẩn ?

Trao đổi về sự việc này, LS. Nguyễn Thanh Huy, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện có nhiều người đang tranh luận hành vi của bà Loan là sản xuất hàng giả hay sản xuất thực phẩm bẩn.

Tuy nhiên, theo những gì báo chí phản ánh trong hai ngày qua, và nếu cơ quan chức năng xác định được cà phê trên dùng toàn bộ nguyên liệu không phải thực phẩm mà dùng phế phẩm, được bán ra thị trường để uống thì hành vi của bà Loan vi phạm điều 192, BLHS năm 2015 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả). Đối với hành vi này, nếu giá trị lô hàng hóa này trên 100 triệu thì chủ có sở có thể bị kết án tù.

Trao đổi với PV, thượng tá Đặng Xuân Hà, phó phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Hộ kinh doanh thu mua chế biến cà phê của bà Loan chế biến cà phê dùng bột đá và vỏ cà phê trộn với pin đập ra, sau đó sấy, phơi khô mang đi tiêu thụ. Cơ quan cảnh sát môi trường thu giữ khối lượng lớn cà phê đã chế thành phẩm, khoảng 35kg bột pin, 1 xô chứa lõi pin đã được đập vụn, nhiều xô chứa nước màu đen và nắp pin. Hiện lực lượng cảnh sát môi trường đã đưa khoảng 15 tấn tang vật nguyên liệu làm cà phê về kiểm nghiệm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quân, chủ tịch xã Đắk Wer (huyện Đắk R’Lấp) thông tin thêm, qua biểu hiện, cảm nhận bên ngoài thì cơ sở không có bất kỳ biển, bảng gì liên quan đến hình thức kinh doanh mua bán nông sản. Và cũng không mua bán bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc trao đổi mua bán hàng hóa nông sản, mà nhập ở đâu về. Cơ sở của bà Loan có giấy phép kinh doanh, tuy nhiên, địa phương không hề hay biết, chỉ đến khi đến kiểm tra thì bà này mới cung cấp giấy phép kinh doanh thu mua nông sản.

Xác pin con ó sau khi được lấy hết bột pin
Xác pin con ó sau khi được lấy hết bột pin

Liên quan đến cà phê kém chất lượng, trong năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán 2018, Đoàn thanh tra của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Đắk Nông) đã tiến hành lấy các mẫu cà phê để kiểm nghiệm. Trong số 29 mẫu cà phê bột kinh doanh kiểm tra, có đến 20 mẫu không đạt, hoặc hàm lượng caffein thấp hơn so với quy định, tức là gần 70 % mẫu cà phê.

Người tiêu dùng búc xúc

Tây Nguyên là “cứ điểm”, là “thủ phủ” của cà phê của cả nước. Vụ việc này chắc hẳn sẽ có ít nhiều ảnh hưởng tới niềm tin sử dụng cà phê của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng tới các thương hiệu cà phê kinh doanh chân chính.

Ông Nguyễn Đăng Ái (Nghĩa Trung, TX. Gia Nghĩa) bức xúc: “Bản thân tôi là người thường xuyên sử dụng cà phê, khi nghe thông tin cơ sở sản xuất cà phê giả rất là bức xúc, không thể chấp nhận được. Chỉ vì lợi nhuận, mà người ta sẵn sàng đầu độc, quên hết tính mạng, sức khỏe của người khác. Sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của cà phê Đắk Nông. Sau bao nhiều năm gây dựng thì sự việc này sẽ mang tiếng xấu cho những người làm ăn chân chính và đặc biệt là nông dân”.

Nước pin đen xì dùng để nhuộm màu cà phê
Nước pin đen xì dùng để nhuộm màu "cà phê"

Tương tự, anh Võ Thế Đại Nghĩa (Nghĩa Đức, TX. Gia Nghĩa) cũng cho biết: “Mới tuần trước, có thuốc chữa ung thư từ than tre, tuần này thì cà phê làm từ bột đá và bột pin. Việc làm này chứng tỏ họ coi rẻ mạng sống của người sử dụng chúng tôi, thể hiện sự coi thường pháp luật, bất chấp mọi thủ đoạn, làm ăn gian trá. Không biết trên thị trường còn bao nhiêu sản phẩm bẩn như những bao cà phê kia nữa”.

Sự vụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin người sử dụng
Sự vụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin người sử dụng

Trao đổi về sự việc này, theo một cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Lâm Đồng, trong pin đèn có chì, axit, mangan dioxit, các kim loại nặng. Việc dùng lõi pin nhuộm cà phê, nhất là khi người sử dụng trực tiếp (uống cà phê) thì các chất này sẽ đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến sức khỏe. Mặc dù mỗi ngày chỉ sử dụng một lượng nhỏ cà phê, nhưng về lâu dài, các hóa chất tích tụ sẽ biểu hiện ra ngoài sức khỏe.

Dương Phong