Ngực biến chứng, nhiều điểm tụ máu sau nâng ngực tại bệnh viện thẩm mỹ?

(Dân trí) - Trước thông tin phản ánh về việc một phụ nữ cho rằng gặp biến chứng, xuất hiện nhiều điểm tụ máu ở ngày thứ 10 sau nâng ngực, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra BV chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ Kim Cương – nơi thực hiện ca nâng ngực này.

Thông tin được lan truyền trên facebook chụp hình ảnh ngực của một phụ nữ bị nhiều vết thâm tím, chảy dịch sau nâng ngực. Người phụ nữ được nâng ngực là chị N.N.L (36 tuổi, Hoàn Kiếm Hà Nội).

Trước đó, ngày 5/5, chị đến L đến cơ sở thẩm mỹ được quảng cáo là uy tín để nâng mũi và ngực, với số tiền nâng ngực là 7.000 đô. Ngày 13/5/2017, N.N.L được thực hiện phẫu thuật nâng ngực và mũi do Bác sĩ Ha Jae Sung (Hàn Quốc) thực hiện.


Hình ảnh ngực với nhiều chỗ bầm tím sau 10 ngày phẫu thuật nâng ngực.

Hình ảnh ngực với nhiều chỗ bầm tím sau 10 ngày phẫu thuật nâng ngực.

Trên facebook nhiều người phản ánh cho rằng ngực chị L xuất hiện một số biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cho rằng bệnh viện không có người điều trị cho bệnh nhân, khất lần điều trị, trong khi vết mổ ở ngực bị tụ máu, vết mổ dài rất nguy hiểm…

Ngay sau khi thông tin xuất hiện trên mạng, chiều chiều ngày 23/5/2017, Đoàn Thanh tra của Sở Y tế TP.Hà Nội do Phó chánh thanh tra sở Nguyễn Dương Trung đã đến làm việc tại bệnh viện.

Sau khi kiểm tra các giấy tờ pháp lý của Bệnh Viện, tiếp nhận hồ sơ bệnh án của bà N.N.L, đoàn thanh tra kết luận BV hoạt động có đủ giấy tờ pháp lý.

Với sự phản ánh của khách hàng, đoàn thanh tra đề nghị bệnh viện tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bà L. theo đúng quy chế chuyên môn. Tiếp nhận và giải quyết những ý kiến thắc mắc của bà L. về chuyên môn và các vấn đề khác có liên quan. Trong trường hợp bà L. có những biến chứng liên quan đến phẫu thuật, đề nghị Bệnh viện tổ chức hội chẩn, chuyển tuyến nếu cần.

Trước đề nghị của đoàn thanh tra, đại diện BV Thẩm mỹ cho biết, khi chị N.N.L đến đã được tư vấn về 2 phương pháp nâng ngực gồm: đưa túi độn trực tiếp vào ngực cơ qua đường rạch ở nách và phẫu thuật từ đầu nhũ hoa (hay còn gọi là quầng núm vú), chị L. đã lựa chọn phương pháp phẫu thuật từ đầu nhũ hoa để hạn chế vết sẹo để lại trên nách. Phương pháp này thực hiện bằng cách bóc tách mô và mao mạch trực tiếp dưới quầng ngực.

Chiều 23/5/2017 chị N.N.L vẫn tới bệnh viện thăm khám. Theo đánh giá của bác sĩ, diễn biến điều trị khá tốt, các tổn thương dần hồi phục đúng như tiên lượng, không có biến chứng hay nhiễm trùng.

Theo bác sĩ điều trị, hiện tượng tụ máu vết mổ do tổn thương mao mạch trong quá trình phẫu thuật là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa thường làm tổn thương mao mạch hơn so với thao tác đưa túi độn trực tiếp vào dưới cơ qua đường rạch ở nách, nên việc xuất hiện các vết bầm tím có thể xảy ra. Thông thường, sau một thời gian mao mạch hồi phục, vết bầm tím này sẽ mất đi sau 20 ngày đến 1 tháng tùy cơ địa mỗi người.

Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, nếu chị N.N.L có yêu cầu, bệnh viện sẵn sàng mời bác sĩ chuyên khoa độc lập để xem xét, đánh giá chính xác tình trạng của khách hàng và chịu các chi phí về việc này. Bệnh viện cam kết với đoàn thanh tra sẽ tiếp tục điều trị cho khách hàng theo đúng lộ trình, đảm bảo vấn đề sức khoẻ, thẩm mỹ của chị N.N.L đối với ca phẫu thuật.

Tú Anh