Nghệ có thật sự an toàn?

(Dân trí) - Là ngôi sao mới nổi trong “làng” gia vị, nghệ ngày càng được các thầy thuốc và những người quan tâm đến sức khỏe ưa chuộng. Nhưng sự an toàn của việc sử dụng nghệ đang bị đặt câu hỏi sau cái chết của một phụ nữ San Diego do sử dụng nghệ theo đường tiêm tĩnh mạch.

Những lo ngại về độ an toàn của nghệ sau trường hợp tử vong
Những lo ngại về độ an toàn của nghệ sau trường hợp tử vong

Jade Erick qua đời ngày 16 tháng 3 sau khi tìm đến loại gia vị có nguồn gốc Ấn Độ này để điều trị bệnh eczema. Phòng Pháp y San Diego đã kết luận cái chết của cô là một tai nạn.

Trung tâm Y tế bổ sung và tích hợp Quốc gia (NIH) giải thích rằng nghệ từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ để điều trị những vấn đề về hô hấp, đau, mệt mỏi và thấp khớp. Ngày nay, nhiều người sử dụng gia vị này để điều trị viêm, viêm khớp, các vấn đề về dạ dày, da và gan cũng như ung thư.

Một chất có tên curcuminoid có trong nghệ là lý do của những lợi ích sức khoẻ của nó, đặc biệt là với các bệnh liên quan đến viêm. Tuy nhiên, NIH cho biết tuyên bố này chưa được sự ủng hộ của các nghiên cứu mạnh.

Cơ quan này nói rằng các nghiên cứu cho thấy curcuminoid có thể làm giảm cơn đau tim ở bệnh nhân mổ bắc cầu mạch vành sau phẫu thuật, giúp giảm đau do thoái hóa khớp (tương tự ibuprofen) và giảm kích ứng da.

Trên WebMD, chỉ có ba tình trạng bệnh (thoái hóa khớp, cholesterol cao và ngứa) là có thể hiệu quả khi dùng nghệ. Hơn 30 bệnh được “đồn đại” là có thể chữa được bằng nghệ thực ra không có hiệu quả.

Tuy nói chung được xem là an toàn nhưng quá nhiều nghệ (như với mọi thứ khác) có thể gây ra những nguy hiểm.

WebMD trích dẫn ví dụ của một người bị nhịp tim bất thường sau khi uống hơn 1.500 mg nghệ 2 lần/ngày.

Một số tình trạng bệnh, như bệnh túi mật hoặc tiểu đường, có thể nặng lên bởi gia vị này, và các chuyên gia khuyên không nên pha trộn nó với các thuốc khác. Độ an toàn của việc sử dụng tinh chất nghệ qua đường tiêm tĩnh mạch chưa được biết rõ vì đây là cách làm ít phổ biến.

Cẩm Tú

Theo MSN