Lần đầu tiên người Hà Nội đi khám bệnh không cần sổ

(Dân trí) - Lần đầu tiên, người dân Hà Nội đi khám định kỳ với đầy đủ các bước khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm mà chỉ cần mang chứng minh thư (thẻ căn cước) và số điện thoại liên lạc để nhận tin nhắn trả kết quả khám tại nhà.

Đây chính là điểm khác biệt của chương trình triển khai khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân – một chủ trương lớn rất nhân văn mà Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Hà Nội quyết tâm thực hiện.


Khám nội tại Trạm Y tế xã Phúc Đồng

Khám nội tại Trạm Y tế xã Phúc Đồng

Ngạc nhiên vì khám không cần sổ, trả kết quả qua điện thoại

Có mặt từ sáng sớm, cô Lưu Kim Hoạt (64 tuổi, ở tổ 9 phường Phúc Đồng) cho biết đã được khám lâm sàng (khám mắt, khám răng hàm mặt, tai mũi họng, khớp, siêu âm…).

“Chương trình này rất tốt, phù hợp với lòng dân”, cô nhận xét trong lúc chờ khám nội.

Tuy nhiên, cô Hoạt cũng thắc mắc là kết quả khám bệnh sẽ được gửi qua số điện thoại đăng ký. Vì ít sử dụng điện thoại nên cô thấy việc trả kết quả như vậy sẽ rất bất tiện, không phù hợp với tuổi của cô.

Sau khi nghe giải thích, hiểu rằng việc nhắn tin kết quả khám bệnh qua điện thoại là một phần của chương trình y bạ điện tử và giúp tiết kiệm công sức, thời gian đi lại, cô Hoạt rất phấn khởi và tin tưởng.

Tại Trạm Y tế xã Cổ Bi, cháu trai cụ Bùi Văn Kiên (sinh năm 1932) rất vui vẻ đọc số điện thoại của mình để nhận kết quả khám bệnh giúp ông nội. Trong khi đó, cụ Kiên vẫn nhanh nhẹn đi tới các phòng khám theo sự hướng dẫn và giải thích cặn kẽ của cán bộ y tế.


Từ chứng minh thư và tờ mẫu Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân được đồng bộ hóa với phần mềm trên máy tính, cán bộ y tế dễ dàng nhập số liệu và tạo mã định danh (ID) cho từng cá nhân

Từ chứng minh thư và tờ mẫu Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân được đồng bộ hóa với phần mềm trên máy tính, cán bộ y tế dễ dàng nhập số liệu và tạo mã định danh (ID) cho từng cá nhân

Còn cô Hoàng Thị Hiếu (sinh năm 1961) rất ngạc nhiên khi cán bộ y tế hỏi chứng minh thư nhân dân. Được giải thích đầy đủ về quá trình ghi nhận thông tin cá nhân để lập mã số y tế, giúp cô đi khám thuận tiện ở bất kỳ đâu trong Hà Nội mà không cần sổ khám chữa bệnh, cô vui vẻ nói: “Vậy là từ nay tôi sẽ không còn phải lo đi tìm sổ khám bệnh và lo lắng vì không trả lời được câu hỏi của bác sĩ là đã từng dùng loại thuốc nào ở lần khám trước”.

Chính phủ quyết liệt, thành phố quyết tâm

Trạm Y tế phường Phúc Đồng và trạm y tế phường Cổ Bi là 2 đơn vị đầu tiên của Hà Nội thực hiện thí điểm chương trình “Thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Đến dự lễ triển khai chương trình tại phường Phúc Đồng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cho biết: “Hồ sơ sức khoẻ cá nhân sẽ giúp mỗi người dân được quản lý, theo dõi, tư vấn sức khoẻ trọn đời - từ khi lọt lòng mẹ cho tới khi trưởng thành và tới khi trút hơi thở cuối cùng”.

Trong khi đó, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe sẽ giúp giảm được phiền hà cho người bệnh và thuận lợi cho y bác sĩ. Các y, bác sĩ sẽ nắm được tiền sử bệnh tật từ đó hướng dẫn, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt, phù hợp nhất.

Nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: “Đây là chủ trương rất lớn, rất nhân văn mà Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, thành phố quyết tâm làm”.

Trong đó, riêng phường Cổ Bi bước đầu sẽ khám cho 5.000 người dân thuộc nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi chưa đến trường và người từ 60 tuổi trở lên (đã về hưu, nội trợ, người lao động tự do...) trong đợt thí điểm từ 1-9/3 này. Tiếp theo đó sẽ triển khai cho hơn 10.000 người dân còn lại.

Lần đầu tiên người Hà Nội đi khám bệnh không cần sổ - 3

Trao đổi với chúng tôi, BS CKI Vũ Thị Hoàng Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cổ Bi (ảnh trên), cho biết: "Trạm đã huy động 4 bàn máy tính để nhập dữ liệu và nhờ sự phối hợp của các cấp chính quyền và ngành y tế, Trạm sẽ được tăng cường nhân lực để đảm bảo khám 600 trường hợp/ngày. Về việc trả kết quả siêu âm, công thức máu, sinh hóa... sẽ được thực hiện vào buổi chiều và theo hình thức gửi qua số điện thoại đã đăng ký".

Trong những ngày tới, chương trình sẽ tiếp tục triển khai tại một số phường của quận Ba Đình, Nam Từ Liêm; huyện Gia Lâm và huyện Sóc Sơn. Sau đó Hà Nội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng ra toàn thành phố. Mục tiêu đặt ra là đến trước tháng 9 năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thành việc khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tất cả người dân

Bài và ảnh: Trần Phương

(Email: tranthuphuong@dantri.com.vn)