Không xử lý vụ chết 7 - 8 người do rượu: Luật “có vấn đề”!

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, xảy ra tình trạng uống rượu 7 - 8 người chết mà không xử lý được người gây ra là luật “có vấn đề”.

Tiền phạt vi phạm tăng hơn 200%

Sáng 10/3, tại Hội nghị tổng kết kết thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã, phường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP cho biết, sau 1 năm thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường tại 10 quận huyện và 20 xã phường của Hà Nội, TP HCM (từ 15/11/2015-15/11/2016), Hà Nội đã kiểm tra được 3.536 cơ sở, xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1, 2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số cơ sở bị xử phạt tiền và tổng số tiền phạt đều tăng xấp xỉ 240%.

TP HCM kiểm tra được 3.968 cơ sở, xử lý vi phạm 2.163 cơ sở, phạt tiền 923 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 4,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2015, số cơ sở bị phạt tiền tăng mạnh tới 270%, số tiền phạt tăng hơn 212%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng phải mở rộng nội dung thanh tra. Ảnh: H.Hải
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng phải mở rộng nội dung thanh tra. Ảnh: H.Hải

Trong thời gian thí điểm, Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, trong khi tại TP HCM chỉ xảy ra 1 vụ với 26 người mắc, không có tử vong… đây là “những con số biết nói” cho thấy hiệu quả từ việc thí điểm mô hình này thời gian qua mang kết quả rất tích cực.

Tuy nhiên, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại cho rằng, nếu chỉ dựa vào số cuộc thanh tra tăng, xử phạt tăng thì chưa thể hiện hết được hiệu quả thí điểm.

“Số tiền xử phạt tuy lớn nhưng chia bình quân mỗi cơ sở cũng chỉ bị phạt tối đa 3-5 triệu đồng cho thấy vi phạm đơn giản, chủ yếu là giấy tờ, điều kiện sản xuất kinh doanh, còn những vi phạm về chất phụ gia, chất cấm thì chắc chắn mức xử phạt tăng hơn nhiều”, ông Anh nói.

Ông Trương Quốc Cường cũng đánh giá, việc kiểm tra theo mô hình thanh tra tại xã phường chưa thực sự mang lại hiệu quả. Bởi như TP Hồ Chí Minh báo cáo, tại đây còn tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động này cho Phòng y tế quận huyện, Trạm y tế xã phường nên hiệu quả không cao, do Phòng y tế không có thẩm quyền, chức năng xử phạt.

“Việc phát hiện sai phạm cũng mới chỉ dừng lại ở chỗ giấy phép kinh doanh, giấy phép hết hạn… thì có bõ không khi mà đi từng đoàn, đến chợ đầu mối, quán ăn “ngó nghiêng” rồi về. Chúng ta phải đặt ra là kiểm tra về cái gì, vi phạm cái gì, tìm nguy cơ từ những thực phẩm gây ngộ độc, ung thư”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, muốn hiệu quả cao hơn thì phải tính tới việc thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ tập trung vào thanh kiểm tra các vấn đề nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm, thậm chí truy lùng thực phẩm bẩn để xử lý tận gốc. Lấy ví dụ từ vụ hàng chục bệnh nhân ngộ độc rượu nhiễm methanol ở Hà Nội gần đây, ông Cường cho biết, đã tìm ra được một số địa điểm bán rượu chứa methanol vượt ngưỡng hàng trăm lần mà nếu không truy ra được nơi sản xuất để xử lý nghiêm khắc, truy tố hình sự thì… có vấn đề.

Tập trung vào nhóm hành vi rủi ro

Trước đề xuất tiếp tục mở rộng thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm đến tận xã phường, ông Lê Bá Anh cho rằng, nếu thí điểm mở rộng nên tập trung vào nhóm hành vi gây rủi ro đến an toàn sức khỏe con người. Tuy nhiên để làm được những việc này là rất khó, vì thế cần phải nghiên cứu đề xuất cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để có thêm cơ sở thực tiễn đánh giá mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận huyện, xã phường, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục mở rộng và kéo dài thời gian thí điểm mô hình này. Theo đó, tại Hà Nội và TP HCM, sẽ mở rộng thí điểm ra tất cả các quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn trong thời gian 1 năm tới.

Ngoài ra có Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cùng 3 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai có văn bản đề nghị được thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ở một số quận huyện, xã phường trong thời gian1 năm.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, lần này mở rộng thí điểm sẽ mở rộng đối tượng thanh kiểm tra, không phải chỉ dịch vụ ăn uống mà có thể làm cả thực phẩm chức năng, thuốc thú y…. Nội dung thanh kiểm tra cũng mở rộng hơn rất nhiều, chẳng hạn thức ăn đường phố không phải chỉ kiểm tra giấy phép mà cả nguồn gốc thực phẩm, thậm chí cả giấy tờ thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật.

Hồng Hải