Khánh Hòa: Giảm ngoạn mục số ca nhiễm HIV/AIDS

(Dân trí) - Từ địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) về số ca mắc HIV/AIDS; thuộc 10 tỉnh trọng điểm dịch HIV/AIDS, thì nay Khánh Hòa đã trở thành địa phương có số mắc HIV/AIDS trung bình.

Ông Trần Văn Tin, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 3.474 trường hợp. Trong đó có 2.038 trường hợp đã được quản lý tại các địa phương trong tỉnh, 890 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống.

Tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: H.Hải
Tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: H.Hải

Địa phương có số người nhiễm cao nhất vẫn là thành phố Nha Trang: 1.284 người (chiếm 64,5%), tiếp đến là huyện Diên Khánh: 195 người (chiếm 9,8%), thành phố Cam Ranh: 181 người (chiếm 9,1%), thị xã Ninh Hòa: 134 người (chiếm 6,8%), huyện Vạn Ninh: 114 người (chiếm 5,7%)…

Theo BS Tin trong những năm qua số nhiễm mới HIV giảm, số tử vong mới giảm, số điều trị cũng khá tốt (76% bệnh nhân HIV được điều trị), tuy nhiên công tác phòng chống còn nhiều thách thức.

Bởi tại Khánh Hòa tình trạng mua bán dâm khó thống kê. Báo cáo của nhân viên tiếp cận cộng đồng tổng hợp hàng năm cho thấy địa phương này có từ 3500 – 4000 người có xu hướng mại dâm. Trước đây lây truyền HIV chủ yếu qua ma tuý, nay 70% là qua đường tình dục.

Hay trong nhóm đồng giới nam Khánh Hoà có lúc lên 4000, nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS ở nhóm đồng giới là rất cao.

Sở Y tế Khánh Hòa dự báo số trường hợp nhiễm mới HIV hiện vẫn còn có xu hướng tăng ở nhóm MSM, người có quan hệ tình dục với nhiều người, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV nếu biện pháp can thiệp kém hiệu quả.

5 năm không tuyển được bác sĩ

BS Tin cho biết khó khăn lớn nữa là về kinh phía. Trước đây Khánh Hòa có khoảng 11 tỷ phòng chống AIDS, trong đó có nguồn từ các dự án tài trợ. Năm 2016 là năm phần lớn nguồn kinh phí dự án tài trợ kết thúc, trong khi đó kinh phí Trung ương cấp chậm, ngân sách tỉnh hạn hẹp, ngân sách từ ủy ban nhân dân cấp huyện và xã/phường rất hạn chế... Chính vì vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS rất khó khăn, chật vật để triển khai các hoạt động, tác động đến tính bền vững của chương trình...

Người nghiện đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Khánh Hòa uống methadone mỗi sáng. Ảnh: H.Hải
Người nghiện đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Khánh Hòa uống methadone mỗi sáng. Ảnh: H.Hải

Vì thế, để duy trì thành quả của công tác phòng chống HIV/AIDS áp lực rất lớn. Một số cán bộ viên chức không nhiệt tình như trước, xin chuyển công tác nhiều.

Tại Trung tâm hiện đang điều trị cho 350 người dùng methadone, gần 100 bệnh nhân AIDS bằng thuốc ARV nhưng chỉ có 2 người làm chuyên môn gồm một bác sĩ điều trị và giám đốc. “Tôi vừa là giám đốc vừa là bác sĩ điều trị”, BS Tin nói.

“5 năm trở lại đây, chúng tôi đề nghị tuyển bác sĩ cho trung tâm nhưng không ai nộp hồ sơ xin về”, BS Tin cho biết.

Hiện tại Nha Trang có 3 Trung tâm điều trị Methadone là Nha Trang, Cam Ranh và Khánh Hòa, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người nghiện có điều kiện tiếp cận thuốc điều trị.

Trước tình hình trên, trong thời gian tới, ngành y tế Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, quản lý, hỗ trợ can thiệp các nhóm đối tượng: sử dụng ma túy, mua bán dâm, dân di biến động, người nhiễm HIV/AIDS; Củng cố, duy trì hiệu quả mô hình phối hợp hỗ trợ, can thiệp giữa y tế với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị chức năng tại địa phương...

Đặc biệt, công tác huy động nguồn lực sẽ được ngành y tế của tỉnh đẩy mạnh thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (tỉnh/huyện/xã). Bên cạnh đó là việc triển khai chi trả dịch vụ từ bảo hiểm y tế và tự chi trả một phần của người sử dụng dịch vụ, tiếp tục mời gọi hỗ trợ của dự án trong nước và quốc tế...

Trước thực trạng người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm còn thấp, chỉ khoảng 36% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, lãnh đạo Sở Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh, sắp tới hội đồng sẽ trình kế hoạch mua thẻ BHYT cho người nhiễm trên địa bàn tỉnh.

Hồng Hải