Nước mắm nhiễm asen hữu cơ: Cơ quan chức năng từ chối bình luận kết quả

(Dân trí) - Việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường với 67% mẫu nhiễm asen (thạch tín) vượt ngưỡng, nước mắm độ đạm càng cao tỷ lệ nhiễm càng cao đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh kết quả công bố này.

Nước mắm càng nhiều đạm càng nhiều asen tự nhiên

Theo như kết quả do ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký VINASTAS công bố chiều 17/10, có 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định về hàm lượng asen tổng (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/L với hàm lượng asen tổng của các mẫu không đạt theo quy định dao động từ trên 1 mg/L đến 5 mg/L. Đặc biệt đáng lưu ý, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (lên tới 95,65% mẫu khảo sát).

Mắm đều chứa asen hữu cơ do tự có trong cá và hải sản.
Mắm đều chứa asen hữu cơ do tự có trong cá và hải sản.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ hoặc chỉ phát hiện 0,01mg/L. “Như vậy, nước mắm trên thị trường vẫn an toàn. Chỉ có điều người tiêu dùng đang phải trả tiền thật nhưng mua phải nước mắm có độ đạm ảo”, ông Tuấn nói.

Ông Phạm Tiến Dũng, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, asen hữu cơ trong nước mắm là tự sinh ra trong quá trình ủ lên men. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá với hàm lượng nào thì có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Về lâu dài cần nghiên cứu vì là món ăn không thể thiếu của người Việt.

Một chuyên gia khác của Đại học Bách Khoa khẳng định: “Hàm lượng đạm càng cao thì hàm lượng asen càng cao là hiển nhiên bởi trong quá trình làm nước mắm thì đầu tiên hàm lượng đạm loãng. Muốn nâng cao hàm lượng đạm thì phải cô đặc lại. Giảm bớt hàm lượng nước để hàm lượng đạm nâng lên thì hiển nhiên hàm lượng asen cũng phải tăng lên”.

Trong khi đó, thử nghiệm của VINASTAS với 20 mẫu mắm có hàm lượng asen vượt ngưỡng thì đều không phát hiện Asen vô cơ – mà là asen hữu cơ.

Bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản cho biết, bản chất trong nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, khác với asen vô cơ (sử dụng liều cao gây ung thư, tử vong), asen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí có ở châu Âu còn cho phép hàm lượng asen trong nước chấm lên tới 30 mg/lít.

Cơ quan chức năng từ chối bình luận kết quả

Có mặt tại cuộc họp công bố kết quả của VINASTAS, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) từ chối không đưa ra bình luận về kết quả này.

“Đây mới là kết quả khảo sát, chưa phải giám định, kiểm định làm cơ sở cho xử lý. Rất mong báo chí tuyên truyền bà con hiểu đúng chất lượng nước mắm. Chỉ khi cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế thực sự lấy mẫu mắm kiểu tra về hàm lượng đạm có các chất gây hại cho sức khỏe là kim loại nặng và vi sinh, khi đó Bộ Y tế sẽ công bố”, ông Quang nói.

Chia sẻ về dư luận cho rằng mục đích của việc công bố mẫu nước mắm nhiễm thạch tín hữu cơ (tự sinh ra trong quá trình ủ, lên men) liên quan với 1 “cuộc chiến” giữa mắm truyền thống - công nghiệp, ông Vũ Huy Quang, Vụ Pháp chế cho rằng không nên có cuộc chiến nào về nước mắm truyền thống, công nghiệp mà việc cạnh tranh phải lành mạnh, công khai để mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

“Độ đạm của mắm, đầu tiên phải từ con cá và muối, sản xuất theo lên men bằng phương pháp thủ công truyền thống, như mắn Phan Thiết, Phú Quốc… đều có truyền thống từ lâu. Với nước mắm này, độ đạm càng lớn, có nghĩa nước mắm càng ngon, đảm bảo chất lượng tốt hơn”, ông Quang nói.

Trước ý kiến cho rằng sản xuất thủ công có nguy cơ nhiều độc tố hơn công nghiệp? Ông Quang cho rằng, với kinh nghiệm truyền thống ngàn năm của người dân vùng biển, các sản phẩm nước mắm truyền thống của Việt Nam đã có tiếng vang lớn trên thị trường trong nước, quốc tế. Còn nước mắm có độ đạm khác bằng phương pháp khác (có thể công nghiệp), nhưng dù bằng phương pháp thủ công truyền thống hay công nghiệp đều phải đảm bảo an toàn, đạt các giới hạn cho phép của kim loại nặng, của vi sinh vật. Thời gian tới cũng sẽ đề nghị lãnh đạo bộ sớm xây dựng quy chuẩn nước mắm, công khai các chỉ số nước mắm, đảm bảo an toàn.

Bộ Y tế đang rà soát chất lượng nước mắm

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang kiểm tra nước mắm trên thị trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới.

Trước đó, từ 12/10 đến nay, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP.HCM, sắp tới ra cả Phú Quốc (Kiên Giang)... Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.

Theo ông Phong, ở Việt Nam không tồn tại khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố.

“Cần phải phân biệt hóa chất và phụ gia. Nói một cách chính xác, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm để làm mắm, là những phụ gia trong danh mục, đúng hàm lượng, đảm bảo độ tinh khiết thì không ảnh hưởng sức khoẻ”, ông Phong nói.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Tuy nhiên tất cả nguyên liệu đầu vào hiện đang do Bộ NN&PTNT kiểm soát, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết thêm, đã giao lực lượng thanh tra các địa phương rà soát và lấy mẫu nước mắm làm cơ sở cho việc

Hồng Hải