1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gần 2.000 trường hợp ẩu đả, 10 ca tử vong trong 3 ngày Tết

(Dân trí) - Báo cáo nhanh của Bộ Y tế trong 3 ngày Tết (từ 7/2 đến 9/2), cả nước có 1.971 trường hợp cấp cứu được đưa đến cơ sở y tế vì ẩu đả đánh nhau, trong đó 10 trường hợp tử vong. Số ca TNGT nhập viện cũng tăng 113% so với Tết năm ngoái.

Theo đó, từ ngày 29 đến ngày mùng 2 Tết, con số bệnh nhân phải đưa đi cấp cứu vì ẩu đả có giảm so với Tết nguyên đán 2015. Tuy nhiên, con số tử vong vì đánh nhau tăng vọt. Cùng kỳ năm trước có 4 trường hợp không qua khỏi vì đánh nhau, năm nay con số này là 10 bệnh nhân.


Tai nạn giao thông luôn là vấn đề nổi cộm trong những ngày nghỉ lễ kéo dài. Trong ảnh bệnh nhân cấp cứu tại BV Việt Đức vì TNGT. Ảnh: H.Hải

Tai nạn giao thông luôn là vấn đề nổi cộm trong những ngày nghỉ lễ kéo dài. Trong ảnh bệnh nhân cấp cứu tại BV Việt Đức vì TNGT. Ảnh: H.Hải

Tai nạn giao thông (TNGT) cũng là một vấn đề nổi cộm trong 3 ngày nghỉ Tết vừa qua. Bởi con số khám cấp cứu do TNGT tăng đột biến, với 17.278 trường hợp (tăng 113% so với Tết Ất Mùi), trong đó 1.928 trường hợp chấn thương sọ não, 182 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não. Số ca tử vong do TNGT kể cả trước viện và tiên lượng tử vong xin về là 88 trường hợp.

Liên quan đến tai nạn do pháo nổ, trong 3 ngày Tết cả nước cũng cấp cứu 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ. Con số bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân này cũng tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi, may mắn không có bệnh nhân tử vong. Trong đó bệnh nhân tập trung cao nhất là Quảng Ngãi, với 17 trường hợp nhập viện, trong đó 15 trường hợp nhập viện do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố. Có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, song không có ca tử vong.

Tổng số ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn chủ yếu là rối loạn tiêu hoá, ngộ độc (say) rượu là 1.971 trường hợp. Số nhập viện giảm nhẹ so với Tết Ất Mùi, chưa có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Bộ Y tế cho biết thêm, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tính đến sáng ngày 29 Tết số bệnh nhân còn phải nằm viện điều trị là 109.425. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám cấp cứu cho 84.523 trường hợp (bao gồm số khám tại một số Trạm Y tế xã), nhập viện điều trị nội trú 52.026 trường hợp (61,6%), chuyển viện 4.518 trường hợp (5,3%), thực hiện 6.423 ca phẫu thuật, đỡ đẻ/mổ đẻ thành công đón thêm 8.485 trẻ chào đời. Bên cạnh đó, cũng có 56.705 người bệnh được điều trị khỏi, xuất viện về gia đình ăn Tết, số người bệnh còn nằm điều trị tại các bệnh viện đến sáng ngày mồng 2 Tết là 70.574 trường hợp.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, tình hình dịch bệnh cũng ổn định không bất thường. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A trên người; chưa phát hiện người nào nhiễm vi- rút Zika. Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.

Cả nước cũng bước đầu ghi nhận một số ca sốt phát ban nghi sởi; thêm bốn ca mắc mới tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai; thêm 51 ca sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre.

Hồng Hải