Bao nhiêu người đã ăn cao su từ nạn mực khô giả?

Mực khô cao su có từ nhiều năm nay với đầy đủ tiêu chí thơm, như thật và rẻ. Tuy nhiên người tiêu dùng đang giật mình “không biết mình đã ăn bao nhiêu cao su vào người?” khi nhiều vụ bắt giữ mực khô giả đã diễn ra.

Mực khô từ cá xay

Tình trạng mực khô giả bán với giá rẻ rộ lên tại thị trường Hải Phòng từ cuối năm 2010.

Ngày 30/10/2010, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng tiêu hủy hơn một tấn mực khô là hàng Trung Quốc nhập lậu. Trước khi tiêu hủy, chi cục gửi mẫu sản phẩm lên Trung ương giám định. Kết quả giám định mẫu mực khô xé do Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng thu cho thấy, đây không phải là mực khô tự nhiên, hàm lượng xenlulo vượt quá chỉ tiêu cho phép. Lô hàng không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng của mực khô theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng.

Theo đó, loại mực khô mà Chi cục bắt được khi đưa đi tiêu hủy qua 5 tháng mà không bị mốc, trong khi loại mực khô bình thường chỉ để nửa tháng trong điều kiện tự nhiên là bị mốc.

Trước đó, khi có thông tin tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận có mực khô và mực khô xé sẵn kém chất lượng, Viên Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa) và Viện Hóa học (Viện Khoa học Việt Nam) kiểm tra bước đầu, sơ bộ nhận định các loại mực khô này được chế biến từ thịt cá xay, có thể là cá vụn hoặc xenlulo là một nguyên liệu được tổng hợp từ tinh bột hoặc từ nhiều nguồn bã nguyên liệu khác nhau như củ sắn dây, bột sắn.

Tiêu hủy cả tấn mực giả ở Thừa Thiên Huế

Nhiều tấn mực giả đã bị tiêu hủy
Nhiều tấn mực giả đã bị tiêu hủy

Không chỉ ở Hải Phòng, nơi cửa cảng thông thương dễ bề cho mực giả xâm nhập mà tại Huế cũng rộ lên phong trào bán mực giả trong một thời gian dài.

Chỉ trong tháng 8/2011, Chi cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện, bắt ba vụ vận chuyển mực khô xé không rõ nguồn gốc trên các xe khách chở hàng thực phẩm từ Bắc vào Nam tiêu thụ.

Tổng cộng số mực khô thu giữ lên tới 840kg và lực lượng QLTT đã tiến hành tiêu hủy. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thừa Thiên - Huế sau khi tiến hành thử nghiệm thông thường bằng cách lấy lửa đốt, thì thấy không có mùi thơm đặc trưng của mực nướng mà thay vào đó là mùi khét lẹt của polymer và cháy đen. Phía Chi cục đã lấy mẫu gửi lên Viện Kiểm nghiệm thực phẩm Trung ương để kiểm định; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng loại thực phẩm này.

Quảng Trị: Mực khô xé sợi cháy như... cao su 

Ngay sau khi lượng lớn mức giả bị bắt tại Huế, cũng cuối tháng 8/2013, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã giữ lô hàng chưa xác định được chủ sở hữu gồm mực khô xé sợi với số lượng 30 bao, tương đương 1,5 tấn. Số hàng này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu.

Ông Nguyễn Viết Thế - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cho biết qua đấu tranh với chủ phương tiện vận chuyển, có thể loại mực khô giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo ông Thế, cụ thể mực khô  làm từ nguyên liệu gì, cơ quan kiểm nghiệm không xác định được chính xác. Bằng mắt thường cũng rất khó nhận biết bởi mực khô giả đã được xé nhỏ. Kinh nghiệm cho thấy, rất có thể được làm bằng các loại xác động vật khác.

Điều nguy hiểm là sau khi đưa mẫu đi kiểm tra thì cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ lô hàng 1,5 tấn trên đều là mực giả, thành phần không đúng với nguồn gốc tự nhiên của con mực.

Cụ thể, kết quả phân tích của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ rõ: Mẫu mực khô xé nhỏ giả có hàm lượng protein đạt 30,9%, thấp hơn so với quy định 60,1%. Đặc biệt, mẫu mực khô xé nhỏ giả có xuất hiện 5,6% chất xơ, là chất không có trong thành phần con mực.

Ngày 12/12/2013, khi tiêu hủy 1,5 tấn mực khô giả này, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cho biết “cháy như cao su”.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Mực khô nhập từ châu Phi

Bao nhiêu người đã ăn cao su từ nạn mực khô giả?
Bao nhiêu người đã ăn cao su từ nạn mực khô giả?

Vũng Tàu được biết đến là “vựa” hải sản khô của cả nước, tuy nhiên không vì thế mà mặt hàng nào cũng thật 100% mà điển hình là mực khô. Cuối tháng 7/2013, một người dân phản ánh có ghé trung tâm thương mại ở TP.Bà Rịa – tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để mua 2kg mực xé sẵn.

Tuy nhiên, khi về nhà lấy ra dùng thử thấy khác lạ, người này cho vào nước thì thấy sợi mực dẻo và giãn ra như sợi cao su. Khi đem đốt thử thì thấy bốc mùi khét lẹt giống mùi nylon. Mẫu mực này ngay lập tức được gửi cho các cơ quan chức năng kiểm nghiệm.

Ngay sau đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa mẫu mực khô này đi kiểm nghiệm.

Kết quản cho thấy, số mực khô sợi lấy mẫu này là mực khô thật nhưng tỉ lệ đạm thấp. Đây là loại mực kém chất lượng , lượng protein thấp. Theo các tiểu thương bán loại mực này, đây loại mực được nhập từ châu Phi, để nguyên con không bán được nên họ đem xé sợi để bán.

Hà Nội bắt 1,7 tấn mực giả nghi làm từ cao su non  

Mực khô giả tạm lắng nhiều tháng, song đến ngày 17/7/2014, Đội phòng chống hàng giả phối hợp với công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) khi kiểm tra kho hàng B6 ga đường sắt Giáp Bát được công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Đức Thắng thấy lô hàng gồm 38 bao tải dứa màu xanh chứa mực khô đóng túi dạng xé nhỏ với tổng khối lượng là 1,7 tấn. Phát hiện mực khô có nhiều dấu hiệu nghi vấn, đơn vị đã liên hệ gửi mẫu về Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để giám định.

Các trinh sát thuộc đội cảnh sát phòng chống hàng giả cho hay, khi dùng tay sờ sẽ có nhiều bột bám dính, các miếng mực có mùi thơm hệt mực thật. Nhiều miếng có chiều dài bất thường lên tới hàng chục cm. Dùng tay kéo căng các miếng mực giả này có sự đàn hồi giống dây chun cao su. Hơn nữa, các miếng mực xé sẵn phẳng, nhẵn hơn và không có gân giữa sống lưng giống mực khô thật.

Các trinh sát cũng cho biết, dùng lửa đốt sẽ phát hiện rất rõ mực thật hay giả. Khi gặp lửa, mực giả không có mùi thơm nữa mà bốc mùi khét khó chịu giống cao su cháy. Mực giả không cháy thành ngọn lửa chỉ bị sun, chuyển sang màu đen và biến thành than.

Sau khi đem đi kiểm nghiệm lô hàng này, ngày 14/8/2014, Trung tá Kiều Hữu Việt, Đội phó Đội chống hàng giả (PC 46 - Công an thành phố Hà Nội) công bố kết quả giám định.

Theo kết quả giám định từ Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), lô hàng 1,7 tấn mực khô giả chứa 30,6% protein, 69,4% chưa xác định được là chất gì, nghi là cao su non.

Theo Phương Phương

Chất lượng Việt Nam