Xe hơi giáp Tết: Kẻ quay lưng, người sầu thảm, thị trường xe chao đảo

(Dân trí) - Giữa lúc cao điểm mua sắm xe hơi chơi Tết Mậu Tuất thị trường xe hơi Việt có quá nhiều biến động bất lợi: Xe nhập vốn được kỳ vọng giảm giá, nhưng lại đắt hơn, trong tháng chỉ nhập vài chục chiếc, trong khi đó, doanh số hàng loạt đại gia xe hơi trong nước và liên doanh bị tụt giảm thê thảm.

Nhiều đại lý, trưởng showroom buôn bán xe hơi tại Hà Nội cho biết, chưa bao giờ họ kinh doanh xe nhập lại buồn như năm nay, trong khi đó tại một số đại lý chính hãng buôn bán xe hơi không có hiện tượng khan hiếm xe như nhiều năm về trước.

Mỗi ngày không nhập được một chiếc xe

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 1/2018 cả nước chỉ nhập khoảng 18 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi, mỗi ngày không nhập được nổi một chiếc xe, lượng xe nhập tụt giảm 300% so với cùng kỳ năm trước và giảm 97% so với tháng liền kề (12/2017).

Xe hơi giáp Tết: Kẻ quay lưng, người sầu thảm, thị trường xe chao đảo - 1

Việc suy giảm lượng xe ô tô về Việt Nam cực lớn cho thấy thị trường đang chịu tác động và ảnh hưởng rất lớn từ Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe hơi tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam và các liên doanh có bộ phận nhập khẩu xe hơi lên tiếng "kêu than" về quy định yêu cầu Giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra xe ô tô theo lô nhập về gây mất thời gian, phát sinh chi phí và làm tăng giá xe nhập.

Bên cạnh đó, nguyên nhân xe nhập "đứt mạch" về Việt Nam không thể không nhắc đến chính là các hãng xe nhập, liên doanh "cơ cấu lại" nguồn hàng, xin lại giấy phép nhập khẩu xe để nhập lô xe mới từ các nước ASEAN khi mà thuế nhập khẩu các loại xe hơi từ các nước như Thái Lan, Indonesia về Việt Nam bắt đầu về 0% từ 1/1/2018 thay vì 30% như năm 2017 trở về trước.

Việc suy giảm nguồn xe nhập đã khiến nhiều nơi người dân có nhu cầu mua xe trong năm dù đặt cọc tiền song vẫn không nhận được xe ưng ý. Các loại xe mà người dân phải chờ hoặc không có xe để giao cho khách tiêu biểu là Honda CRV mới loại 7 chỗ bản nhập Thái Lan, Toyota Fortuner nhập Indonesia...

Vios Thái Lan giá 440 triệu đồng sẽ về Việt Nam?

Sau khi ra mắt tại Thái Lan và Singapore, phiên bản nâng cấp đời 2018 của mẫu xe hạng B Vios tiếp tục được đưa đến các thị trường Lào và Campuchia.

Xe hơi giáp Tết: Kẻ quay lưng, người sầu thảm, thị trường xe chao đảo - 2

Theo mức giá công bố tại Thái Lan, dòng xe này quy ra giá trị tiền Việt khoảng 440 triệu đồng. Đây là phiên bản mới nhất và đang được xuất khẩu nhiều nước ngoài Thái Lan, nhiều thông tin cho biết từ năm nay có thể dòng xe ăn khách này có thể sẽ được nhập khẩu về Việt Nam.

Trong khi đó, mẫu xe Vios được sản xuất, lắp ráp bởi Toyota Việt Nam có mức giá cao hơn là khoảng 513 triệu đồng (chưa lăn bánh).

Với mức giá chênh hơn 70 triệu đồng, nếu được nhập về Việt Nam diện xe không thuế nhập khẩu, chắc chắn dòng xe này sẽ đánh bật xe Vios ngay tại sân nhà và bất lợi sẽ thuộc về hãng xe liên doanh Việt.

Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra thì thị trường, người tiêu dùng sẽ không thiệt hại bởi người tiêu dùng sẽ được lựa chọn xe với giá rẻ hơn. Còn đối với doanh nghiệp, Toyota Việt Nam cũng là công ty con nằm trong tập đoàn mẹ tại Nhật Bản, họ sẽ có bước tính toán để lợi nhuận doanh nghiệp là lớn nhất, an toàn nhất.

Trong quá khứ, nhiều dòng xe vốn được Honda, Toyota lắp ráp đại trà tại Việt Nam nhưng sau đó lại được chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Đơn cử như Toyota Fortuner từng được lắp ráp số lượng lớn ở Vĩnh Phúc, nhưng sau này lại được chuyển sang nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia. Honda Civic cũng có số phận tương tự như vậy.

Thái Lan vốn là đại bản doanh của các công ty ô tô lớn của Nhật, Mỹ, ở đây có đủ các đại diện xe Nhật như Toyota, Honda, Mitsubishi, Nissan, Suzuki hay Ford. Nhiều năm gần đây, các hãng xe đóng đô tại Thái đã chuyển hoạt động sản xuất chủ yếu xe tay lái nghịch (phải) sang xe tay lái trái (thuận) để đổ bộ sang các thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines.

Tụt doanh số, hàng loạt đại gia ô tô "sầu cuối năm"

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 1/2018 nhiều đại gia xe hơi nhập khẩu lẫn xe lắp ráp trong nước đều tụt giảm doanh số cho dù đây là cao điểm mua sắm cuối năm.

Xe hơi giáp Tết: Kẻ quay lưng, người sầu thảm, thị trường xe chao đảo - 3

Về doanh số bán xe của các DN lớn Việt Nam, trong tháng 1, nhiều đại gia xe hơi đã giảm doanh số so với tháng liền kề tháng 12/2017 và so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, Mekong, thương hiệu phân phối xe Fiat và Ssangyong trong tháng 1/2018 không bán được chiếc xe nào tại Việt Nam, sau khi tháng 12/2017 chỉ bán được 28 chiếc xe.

Xe sang của Nhật là Lexus ghi nhận sự giảm doanh số mạnh nhất với 41%, chỉ bán được khoảng 80 chiếc, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2017 và tháng cận kề. Các hãng ghi nhận doanh số giảm là Kia Trường Hải với 16% doanh số,nhiều nhất là TCIEV (phân phối các dòng xe Sunny) cũng ghi nhận sự giảm doanh số đến 71% so với cùng kỳ năm trước và so với tháng12/2017 doanh số bán xe của liên doanh này ghi nhận sự giảm hơn 94%.

Việc hàng loạt hãng xe tại Việt Nam chịu chung trào lưu sụt giảm doanh số bán xe trong tháng cao điểm nhất năm cho thấy tâm lý người tiêu dùng đang ảnh hưởng lớn từ diễn biến giảm giá liên tiếp. Có thể nói chưa bao giờ người mua xe hơi tại Việt Nam bị đặt vào cảnh cầm tiền mua xe mà sợ mất giá như hiện nay.

Nếu chọn nhầm model có thể ngay sau khi mua xe đã biết ngày hôm sau mẫu xe đó được giảm giá, người mua xe có thể mất tiền triệu, thậm chí chục triệu nếu chọn phải mẫu xe nhanh xuống giá. Trong khi đó, tâm lý chung của người tiêu dùng chờ đợi và chờ đợi giá xe năm 2018 sẽ giảm xuống sâu hơn do tác động của giảm thuế nhập khẩu xe hơi từ ASEAN từ 30% xuống 0% bắt đầu từ năm 2018.

Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)

Xe hơi giáp Tết: Kẻ quay lưng, người sầu thảm, thị trường xe chao đảo - 4