1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ án oan của ông Chấn tiêu biểu cho kiểu “suy đoán buộc tội”

(Dân trí) - “Có thông tin ông Chấn có mặt ở nhà bà Hoan lúc 9h tối, nếu là suy đoán vô tội, đáng ra phải nghĩ người này đến đấy vì có việc chính đáng chứ đừng nghĩ ông ấy đến với ý định hiếp, giết nạn nhân rồi sau đó cứ củng cố hồ sơ theo hướng suy đoán có sẵn đó”…

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích như vậy trong phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 13/8. Sau lần đầu cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội giữa năm nay, dự thảo bộ luật đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa.

Không buộc được tội thì phải tuyên vô tội

phan-trung-ly-2-24b94
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý dẫn chứng vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn để nói về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nói về nội dung nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong dự thảo bộ luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khái quát, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định các quy định còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, để làm rõ hơn nội dung các nguyên tắc này, đáp ứng yêu cầu bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, UB Tư pháp đã bổ sung thêm nội dung vào Điều 13.

Cụ thể, quy định hiện hành “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” được nhắc lại.

Bên cạnh đó, luật cũng nhấn mạnh: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.

Góp ý thêm nội dung này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề, thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội phải xuất phát từ việc mọi người tham gia tố tụng, từ điều tra viên tới công tố viên, thẩm phán… phải có tinh thần tìm hướng gỡ tội cho bị can, bị cáo, chú ý khai thác các tình tiết ngoại phạm, các chứng cứ theo hướng để khẳng định người đó không phạm tội chứ không phải là đi theo hướng tìm cách buộc tội người đó.

“Vụ án oan của ông Chấn là ví dụ tiêu biểu. Có thông tin ông Chấn có mặt ở nhà bà Hoan lúc 9h tối thì nếu là suy đoán vô tội, đáng ra phải nghĩ người này đến đấy vì có việc chính đáng chứ đừng nghĩ ông ấy đến với ý định hiếp rồi giết bà Hoan rồi sau đó cứ đi củng cố hồ sơ theo hướng suy đoán có sẵn đó” – ông Lý phân tích.

Đồng ý quan điểm này, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba nhận định, suy đoán vô tội không chỉ ở chỗ quy định người bị tình nghi được suy đoán là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa mà ý nghĩa của nguyên tắc này còn ở chỗ, trong khi tiến hành tố tụng, phải định hướng đi theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.

Thực tế hiện nay, theo bà Thu Ba, thậm chí là những trường hợp không chứng minh được tội của một người nhưng vì lỡ bắt tạm giam rồi nên các cơ quan tố tụng phải cố buộc 1 tội nào đó (có thể là nhẹ hơn tội điều tra ban đầu) hoặc áp dụng quy định để hợp lý hóa thời gian đã bắt giam. Phổ biến là khi không chứng minh được tội phạm, VKS, tòa án hay áp dụng khoản 1 Điều 25 trong bộ luật để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo với lý do chung chung “hành vi phạm tội đến giờ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Bà Thu Ba khuyến cáo cần chấm dứt tình trạng này.

Về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 188), phân xử các hướng tranh luận, Thường trực UB Tư pháp nhận định, việc này là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo. Trong điều kiện hiện nay, việc trang bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra là khả thi.

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, thường trực UB Tư pháp đã chỉnh lý quy định này: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”.

Ông Phan Trung Lý thì tiếp tục gợi ý, nên chăng mở rộng quy định này, không chỉ ở cơ sở giam giữ, trụ sở cơ quan điểu tra mới tổ chức ghi âm, ghi hình mà nơi nào tiến hành điều tra, nơi nào có hoạt động hỏi cung đều phải ghi âm, ghi hình.

Chỉ “duyệt” 3 biện pháp điều tra đặc biệt

nguyen-hoa-binh-8bfd4

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị giữ biện pháp điều tra đặc biệt có tên "cơ sở bí mật". 

Vấn đề khác nhận nhiều tranh luận là quy định về biện pháp điều tra đặc biệt, đa số đại biểu Quốc hội tán thành quy định nhưng đề nghị phân biệt những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân với biện pháp nghiệp vụ trinh sát. Ý kiến khác vẫn đề nghị không quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt vì nhạy cảm, phức tạp.

Chủ nhiệm UB Tư pháp tán thành quy định về việc này để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ làm căn cứ khởi tố, điều tra đối với các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng, không nên quy định cả biện pháp nghiệp vụ trinh sát thông thường là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Theo hướng này, UB Tư pháp chỉ đồng ý đưa vào bộ luật 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Về thời điểm áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, cơ quan chỉnh lý vẫn giữ 2 phương án trong dự thảo bộ luật là thời điểm kể từ khi khởi tố vụ án và thời điểm kể tử khi xác minh nguồn tin về tội phạm.

Chủ nhiệm UB Pháp luật nhận xét, vì các hoạt động nghe lén điện thoại, bí mật theo dõi, ghi âm, ghi hình… liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, chỉ nên sử dụng trong phạm vi hạn chế, không thể để các biện pháp này được áp dụng một cách phổ biến mà nguyên tắc là chỉ áp dụng sau khi đã tiến hành các biện pháp khác không hiệu quả.

Giải trình thêm, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tế ghi nhận có 11 biện pháp điều tra khách nhau nhưng vì yêu cầu đảm bảo quyền con người, quyền công dân, khi soạn thảo luật, VKS chỉ trình 5 biện pháp, cơ quan thẩm tra tiếp tục gạt đi 2, chỉ cho giữ 3 biện pháp như trên, dù khi lấy ý kiến, Bộ Công an cũng ủng hộ với danh mục 5 biện pháp. Trong khi đó “cơ sở bí mật” là biện pháp điều tra áp dụng thường xuyên của công an, cần cân nhắc việc bỏ đi.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng thuyết phục, nếu khởi tố vụ án mới được áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt thì không phù hợp vì phải bằng biện pháp đó mới phát hiện được tội phạm, đợi sau khi khởi tố mới được dùng thì không còn nhiều ý nghĩa. Ông Bình lấy ví dụ, một người báo với công an là con họ bị bắt cóc, vụ án rõ ràng chưa khởi tố nhưng nếu không cho ghi âm điện thoại của người ấy lúc đó, không cho theo dõi bí mật bố mẹ, người thân cháu bé khi đi giao tiền thì làm sao “đón lõng”, bắt được kẻ tống tiền.

P.Thảo