1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại biểu "đối" nhau về quy định buộc ghi âm, ghi hình lúc hỏi cung

(Dân trí) - Thảo luận tại tổ, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không có lý do gì phải tránh quy định “bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”. Quan điểm số đại biểu ở chiều ngược lại cho rằng, áp dung tất cả đối tượng gây tốn kém, khó khả thi.

Chiều ngày 27/5, Quốc hội thảo luật ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, các đại biểu đưa ra ý kiến trái chiều với việc quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”. Ngoài ra, đại biểu còn đề cập đến quyền im lặng, không khai ra những gì bất lợi cho người bị bắt để chờ đến khi có luật sư.

Khó hiểu với diễn biến "kỳ án vườn mít"

Cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị quy định rõ hơn về điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt tạm giam, tạm giữ để tránh hiện tượng lạm dụng, tuỳ tiện bắt tạm giam vừa qua. Tâm lý của người điều tra, của kiểm sát viên thì thường thích đưa đối tượng vào quản chế trong trại để dễ dàng, thuận lợi hơn cho hoạt động của mình nhưng điều đó lại dễ “phạm” vào quyền của người bị can, bị cáo.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đặt vấn đề, trong hoạt động tố tụng hiện nay, cùng một hệ thống pháp luật, cũng cơ quan xét xử mà lại có thể dẫn tới các quyết định, kết luận rất khác nhau. Ông Hùng dẫn chứng vụ “kỳ án vườn mít” xảy ra với Lê Bá Mai: “Cùng một sự việc mà có lần xử kết tội tử hình, có phiên xử lại tuyên vô tội. Lần trước xử mới phán quyết có tội, lần sau lại trắng án. Bản thân tôi cũng thấy việc này khó hiểu”.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị tập trung sửa quy định về khâu điều tra vì oan sai
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị tập trung sửa quy định về khâu điều tra vì oan sai

Ông Hùng đề nghị tập trung sửa quy định về khâu điều tra vì án oan sai, nếu có, vẫn cơ bản nằm ở khâu này. Theo đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị, cần quy định bắt buộc sự tham gia của người bào chữa trong quá trình bắt giam, điều tra bị can để tránh việc tiếp tục có những “con thỏ bị biến thành gấu”, những Nguyễn Thanh Chấn khác.

Nhiều vụ án, ông Hùng băn khoăn, chỉ đến khi ra toà mới rục rịch có luật sư thì không đảm bảo quyền con người. Đại biểu cũng bác bỏ lý lẽ không thể quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung vì khó khăn. Ông Hùng phân tích, việc quay phim, ghi hình hiện nay, thậm chí chỉ cần một chiếc điện thoại cũng có thể thực hiện được, không phức tạp, tốn kém gì nhiều. Vậy nên, đại biểu cương quyết: “Đừng lấy lý do đó để trì hoãn việc này”.

Tán thành ý kiến này, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, nói khó ghi hình hoạt động hỏi cung thì đơn giản nhất là ghi âm. Đưa quy định này vào luật là tiến bộ, văn minh, đảm bảo hạn chế rất lớn việc làm sai lệch hồ sơ, mớm cung, bức cung, nhục hình. Theo ông Hùng, chỉ có như vậy quyền của người dân mới được đảm bảo. Đại biểu Cao Bằng cũng thống nhất quan điểm, không có gì khó khăn đến mức không làm được việc này.

Ghi âm, ghi hình lúc hỏi cung quá tốn kém?

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, pháp luật không bắt buộc, nhưng trong một số vụ án cơ quan điều tra thấy bị cáo hay thay đổi lời khai hoặc cần phải đảm bảo ghi hình, ghi âm toàn bộ, lực lượng chức năng vẫn thực hiện. Thủ tục ghi âm, ghi hình rất chặt chẽ, phải lập biên bản ghi rõ cuộc hỏi cung được ghi lại bằng thiết bị gì. Sau đó phải bật lại cho bị can bị, cáo hoặc người bị tạm giam, tạm giữ nghe để xác nhận ký vào, rồi lập biên bản, niêm phong lại. Đảm bảo thủ tục đó, tài liệu ghi âm, ghi hình đó mới có giá trị về mặt pháp lý.

Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, luật chỉ quy định ở vụ án phức tạp
Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, luật chỉ quy định ở vụ án phức tạp (Ảnh Việt Hưng).

Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, cả nước hiện nay bắt giữ gần 100.000 bị can, bị cáo và ít nhất trong hồ sơ 1 vụ án, từ lúc bị bắt cho đến lúc hoàn thành quá trình điều tra để khởi tố phải có 8 bản cung, 8 bản ghi lời khai, còn có trường hợp lên đến vài chục bản. Từ dẫn chứng đó, Đại biểu Nguyễn Đức Chung quan ngại trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình bao nhiêu cho đủ, kho nào để chứa khối lượng hồ sơ khổng lồ đó, toàn bộ kinh phí cho việc này ở đâu ra.

“Tôi thấy quy định này là không thực tiễn, tốn kém và khó khả thi. Luật chỉ nên quy định ở góc độ những vụ án phức tạp, trong quá trình điều tra, bản thân cơ quan điều tra cũng phải thực hiện ghi âm, ghi hình theo đúng quy định pháp luật. Sau này nếu bị can, bị cáo có vấn đề gì thì mới mở niêm phong ghi âm ghi hình ra”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cùng chung lo ngại với Giám đốc Công an Hà Nội, nếu ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can được tiến hành đồng bộ thì chi phí rất lớn. Theo đại biểu nên thực hiện từng bước, trước tiên áp dụng cho án nghiêm trọng, phức tạp ghi âm, ghi hình để phục vụ cho quá trình xét xử.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, chỉ nên ghi âm hoặc ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can một số trường hợp. Còn nếu áp dụng tất cả thì vượt quá khả năng và lấy đâu ra kho chứa đủ lượng hồ sơ đó. Cuối cùng, đại biểu Hoàng đề nghị, Ban soạn thảo luật cần phải tính mức chi phí, lực lượng khi đưa ra vấn đề này để đại biểu thấy rõ có khả thi hay không.

Người bị bắt có quyền "giấu" chứng cứ bất lợi

Ở khía cạnh khác của dự luật, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề cập đến vấn đề bị can khi bị bắt có quyền im lặng, không khai ra những gì bất lợi cho mình để chờ đến khi có luật sư. Tất cả cơ quan điều tra khi tiếp cận người bị bắt cần thông báo cho họ quyền được im lặng. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam có quyền được từ chối trình bày ý kiến hoặc đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo đề cập đến vấn đề bị can khi bị bắt có quyền im lặng

Đại biểu Đinh Xuân Thảo đề cập đến vấn đề bị can khi bị bắt có quyền im lặng

Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) đánh giá, quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc không phải nhận mình là người có tội thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với công ước về dân sự mà Việt Nam đã tham gia.

Liên quan đến vấn đề trên, Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đồng ý với với phương án trong bản thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, quy định theo hướng người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình và không bị ép buộc nhận mình có tội. “Như thế phù hợp hơn, còn quy định quyền im lặng không đúng, không phù hợp với thực tiễn hiện nay”, đại biểu Nguyễn Đức Chung đưa ra quan điểm.

Báo cáo thẩm tra về Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi, Ủy ban Tư pháp không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”. Theo Ủy ban Tư pháp thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì.

Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can (khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ) hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau.

Vì vậy, để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.

 Q. Phong - P. Thảo