Thích thú với robot bồi bàn ở quán cà phê Hà Nội

(Dân trí) - Mới đây, quán cà phê robot phục vụ đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là trẻ em. Nhiều người tò mò cũng đến quán chỉ để tận hưởng cảm giác được robot phục vụ xem có gì khác biệt so với nhân viên bình thường.

Robot thay thế con người, nghề bồi bàn liệu đang dần biến mất?

Tìm đến quán cà phê robot của Đỗ Trung Thanh, phóng viên cũng khá bất ngờ khi chủ quán và cũng là người người tạo ra robot phục vụ này lại là một chàng trai trẻ 9x. Chia sẻ với Dân Trí, Thanh cho biết: “Tốt nghiệp điện tử viễn thông của ĐH Bách Khoa ra trường, cộng với niềm đam mê kinh doanh nên tôi đã quyết định tạo ra một thứ gì đó mới mẻ, khác biệt.”

“Sau khi tham khảo nhiều mô hình robot phục vụ ở nước ngoài, tôi cùng với 4 người bạn nữa đã cùng nhau góp sức để cho ra đời một chú robot “handmade”. Vì tự thiết kế nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí, từ thiết kế, thi công cho đến những việc nhỏ nhất. Nên so với những chú robot phục vụ có giá 2 – 3 trăm nghìn nhân dân tệ ở Hắc Long Giang, Trung Quốc thì rẻ hơn rất nhiều”, Thanh cho biết thêm.

Robot phục vụ nước lên bàn
Robot phục vụ nước lên bàn

Chia sẻ về chi phí thực tế để tạo ra chú robot, 9x cho biết: “Với các linh kiện tốt và có thể hoạt động trong vòng 3 năm mà không cần sửa chữa gì nhiều thì chú robot này sẽ tốn khoảng 110 triệu đồng. Sau thời gian đó, pin và ắc quy nếu bị chai thì sẽ phải thay thế.”

“Tuy nhiên, quán và robot cũng đang trong quá trình thử nghiệm và thu nhận ý kiến của khách hàng để hoàn thiện. Và một điều quan trọng, đó là hiện giờ, chú robot này mục đích chính vẫn là để hút khách, chưa thể hoàn toàn thay thế con người để phục vụ”, Thanh nói.

Khách hàng khá thích thú với chú robot này
Khách hàng khá thích thú với chú robot này

Tuy nhiên, việc phát triển nó để thay thế trong tương lai đã nằm trong dự tính của Thanh, 9x này chia sẻ: “Tính bài toán kinh tế, nếu để nó thay thế được người phục vụ thì phải chạy trong vòng 2 năm mới có thể hoàn được vốn. So với người phục vụ, nó có ưu điểm so với người là có thể chạy được trong vòng 15 tiếng, còn người chỉ làm 8 tiếng là nghỉ. Lương thì không phải trả mà chỉ mất tiền điện.”

“Còn muốn nó hoạt động công suất tốt thì phải đầu tư chi phí cho mặt bằng và cải thiện lại mặt sàn phẳng như sân trượt. Trước đây, địa điểm này cũng là quán cà phê, họ lát sàn gạch nhưng bị nghiêng, khi đưa robot vào chạy mới thấy bị rung lắc. Tôi đã phải bỏ thêm vài triệu đồng nữa để thay thảm chống cháy và cho sàn cân bằng hơn”, 9x nói.

Sau khi đưa hàng xong trở về vị trí
Sau khi đưa hàng xong trở về vị trí

Những con robot này được lấy nền tảng và ý tưởng từ robot vận chuyển hàng hóa trong các khu công nghiệp. Trong các nhà máy đó thì robot sẽ được đi đường riêng, còn ở đây phải đi chung với người nên rất khó đi nhanh. Vì thế, chủ quán cũng đang rất muôn tìm một không gian rộng hơn để có thế tối ưu công suất hoạt động của chú robot.

Bên cạnh đó, hiện mới đang trong quá trình hoàn thiện nên chú robot của Thanh mới chỉ có một số tính năng như tự động đưa lên bàn, nói được một số câu hay có thể tự dừng lại khi bị cản đường, mời khách tới bàn,... Chú robot này vẫn cần phải cải tiến khá nhiều về tốc độ, độ cân bằng, thêm các tính năng như điều khiện bằng giọng nói, điện thoại,...

Khi nào cải tiến đạt được sự hoàn thiện nhất định, Thanh dự tính: “Khi thay thế được người thì phải sản xuất liền 6 con mới có thể phục vụ được cả quán, chi phí lúc đó sẽ mất khoảng 180 triệu đồng/robot. Tuy nhiên, khi đó phải có hệ thống giám sát bằng camera vì hiện giờ mới chỉ quan sát bằng mắt thường.”

Khay hàng cần cải tiến cho lòng sâu hơn để tránh đổ nước
Khay hàng cần cải tiến cho lòng sâu hơn để tránh đổ nước

“Ngoài ra, phải thiết kế thêm hệ thống đưa nước từ quầy bar ra băng chuyền, ròng rọc đi các nơi. Những cái đó cũng đã đi vào chi tiết rồi, nhưng là quán đầu tiên nên tôi chưa muốn đầu tư nhiều chi phí mà mới muốn thử nghiệm để biết khách hàng thích cái gì, dần dần mình sẽ làm theo cái đó. Ngay từ những ngày đầu khai trương, tôi đã rất tích cực nhận phản hồi từ khách hàng xem họ chưa hài lòng ở điểm gì và họ thích điểm gì để biết hướng phát triển”, Thanh chia sẻ thêm.

Chàng trai trẻ tự tin chia sẻ: “Để biến không gian nhà hàng này thành tự động hóa hoàn toàn thì tôi có thể làm được. Nếu có hỗ trợ về chi phí thì trong khoảng thời gian 1 năm là có thể làm được không quá khó.”

Khi nào khách có yêu cầu mới phục vụ bằng robot vì hiện giờ vẫn chỉ để hút khách là chính
Khi nào khách có yêu cầu mới phục vụ bằng robot vì hiện giờ vẫn chỉ để hút khách là chính

“Để thu hút vốn đầu tư, tôi đang muốn phát triển theo hình thức nhượng quyền. Khi mô hình của mình có thành công nhất định thì sẽ có thể kêu gọi, thu hút các đối tác mua lại thương hiệu”, Thanh khẳng định.

Cuối cùng, 9x trẻ dự định trong thời gian tới, sẽ phát triển con robot này dưới hình thức thương mại. Bởi nó không chỉ bó hẹp trong không gian quán cà phê mà nó có thể phục vụ tốt trong các nhà hàng, hàng ăn, hiệu sách. Chỉ cần cải tiến dạng ngăn kéo, tay nâng là có thể làm tốt việc xếp sách.

Thế Hưng

Thích thú với robot bồi bàn ở quán cà phê Hà Nội - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm