1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh tra Chính phủ lên tiếng vụ ông Huỳnh Phong Tranh ký bổ nhiệm 35 cán bộ

(Dân trí) - Trước việc Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mong muốn Chính phủ phối hợp Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương kiểm tra ngay việc bổ nhiệm 35 cán bộ ở Thanh tra Chính phủ trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ vừa qua gây ồn ào dư luận, hôm nay (22/7) Thanh tra Chính phủ chính thức phản hồi.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh: T.K)
Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh: T.K)

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 22/7, trước câu hỏi về việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ký quyết định bổ nhiệm 35 cán bộ trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ có đúng quy định hay không khi mới đây tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã nêu ra như một ví dụ cho thấy công tác bổ nhiệm cán bộ vào cuối nhiệm kỳ ở nhiều nơi “có vấn đề”, ông Hoàng Thái Dương - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ) - khẳng định thông tin xung quanh việc bổ nhiệm này đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại cuộc họp báo ngày 14/4 vừa qua.

Ông Dương nhấn mạnh, việc bổ nhiệm cán bộ, không chỉ ở Thanh tra Chính phủ mà đối với các bộ ngành khác cũng vậy, được thực hiện theo nguyên tắc tập thể, Ban cán sự Đảng quyết định thông qua quy trình của Nhà nước.

“Chính vì thế trong dư luận nói Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm là chưa chính xác, bởi Tổng Thanh tra chỉ ký bổ nhiệm dựa trên nghị quyết của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ”- ông Dương phân tích.

Theo ông Dương, nếu bổ nhiệm 1-2 trường hợp không đúng thì cũng không thể chấp nhận được.

“6 tháng bổ nhiệm 35 cán bộ là đúng, theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, lấy ý kiến của Ban Thường vụ, nơi cư trú... Thanh tra Chính phủ có 100 đầu mối, đến thời điểm bổ nhiệm hết nhiệm kỳ vừa rồi còn 42 vị trí chưa được xem xét bổ nhiệm.

Công tác cán bộ là công tác thường xuyên như cơ thể sống, dựa trên yêu cầu nhiệm vụ, quy định của đảng và nhà nước để tạo điều kiện cho bộ máy hoạt động tốt hơn. Chúng tôi đang phải tiếp tục kiện toàn bộ máy nhà ước, đảm bảo cán bộ liêm chính, hoàn thành các nhiệm vụ được giao”- ông Dương thẳng thắn.

Như Dân trí phản ánh, tại cuộc họp ngày 11/7 vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga muốn Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan liên quan kiểm tra cụ thể những thông tin phản ánh liên tiếp rộ lên. Bà Nga cũng một lần nữa nhắc lại một lần nữa thời điểm được cho là “nhạy cảm” lúc này - cuối nhiệm kỳ, trước khi chuyển giao nhiệm vụ thì các cơ quan lại để xảy ra hiện tượng này.

“Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra như ở Thanh tra Chính phủ dư luận phản ánh nhiều, Bộ Công Thương cũng có ý kiến phản ánh về việc bổ nhiệm. Việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được. Nên làm một cách rõ ràng để xác định có việc như vậy không? Dư luận phản ánh có đúng không?” - bà Nga nói.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm