Tài sản nhà Thứ trưởng hàng trăm tỷ đồng: Do đâu mà có?

(Dân trí) - Thử tưởng tượng, trong khi khu dinh thự và khối tài sản kê khai của vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái khoảng vài ba chục tỷ đồng đã khiến dư luận trầm trồ, kinh ngạc, bàn ra tán vào trong suốt nhiều ngày qua thì tài sản cổ phiếu quy ra được của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa còn gấp nhiều lần con số đó.

Sau khi bà Thoa rời Bóng đèn Điện Quang để về Bộ Công Thương thì các vị trí chủ chốt lại thuộc về các thành viên khác trong gia đình (ảnh: Thứ trưởng Thoa và con gái con gái Nguyễn Thái Nga - Phó Tổng giám đốc DQC).
Sau khi bà Thoa rời Bóng đèn Điện Quang để về Bộ Công Thương thì các vị trí chủ chốt lại thuộc về các thành viên khác trong gia đình (ảnh: Thứ trưởng Thoa và con gái con gái Nguyễn Thái Nga - Phó Tổng giám đốc DQC).

Lương Thứ trưởng cả năm không bằng một góc tiền cổ tức

“Những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa được xác định là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật” – đây là một trong những nội dung quan trọng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đưa ra sau khi hoàn thành chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 15.

Một trong những điểm vi phạm của bà Thoa mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định đó là: Trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 - 5/2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của công ty.

Không chỉ vậy, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương còn nhận định, trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Trên thực tế, tài sản quan chức Nhà nước mà người dân có thể quan sát biến động qua giá cổ phiếu thì trường hợp như Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa không nhiều, rất hiếm. Và cũng rất hiếm có vị quan chức Nhà nước nào mà khối tài sản “trông thấy được” của gia đình lên tới hàng trăm tỷ đồng (chứ chưa đề cập đến những khoản thu nhập khác, những tài sản nhà và đất)!

Thử tưởng tượng, trong khi khu dinh thự và khối tài sản kê khai của vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái khoảng vài ba chục tỷ đồng đã khiến dư luận trầm trồ, kinh ngạc, bàn ra tán vào trong suốt nhiều ngày qua thì tài sản cổ phiếu quy ra được của gia đình Thứ trưởng Thoa còn gấp nhiều lần con số đó.

Theo báo cáo quản trị năm 2016 của Bóng đèn Điện Quang, gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Hiện, thị giá DQC ở mức 49.600 đồng/cổ phiếu sau khi sụt giảm 1,8% vào hôm qua (3/7). Như vậy, tính ra, khối tài sản cổ phiếu của gia đình vị Thứ trưởng đang vào khoảng trên 585 tỷ đồng (riêng tài sản của bà Thoa xấp xỉ 84 tỷ đồng) - một con số không hề nhỏ.

Việc sở hữu cổ phiếu không đơn thuần chỉ là để nhìn vào những con số tài sản biến động trên thị trường cho “đẹp mắt” mà còn gắn với quyền lợi “tiền tươi thóc thật” của cổ đông – đó chính là cổ tức.

Tổng mức chi trả cổ tức năm 2016 của Bóng đèn Điện Quang là 30% bằng tiền mặt (sau 3 đợt chi trả), tức là cứ sở hữu 1 cổ phiếu thì nhận 3.000 đồng. Với tổng sở hữu 11,8 triệu cổ phiếu nói trên, riêng cổ tức năm 2016 mà gia đình Thứ trưởng nhận được là 35,4 tỷ đồng (riêng cá nhân Thứ trưởng với sở hữu 1,7 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp, nhận được 5,1 tỷ đồng).

Với mức lương của Thứ trưởng hiện chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng (chưa phụ cấp, ăn trưa…) thì khoản cổ tức tiền tỷ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có thể coi là mơ ước của nhiều đồng cấp khác, nhất là khi hiện tại, bà Thoa đã hoàn toàn chỉ đóng vai trò cổ đông của doanh nghiệp này, không phải tham gia bất cứ công việc điều hành nào và không phải chịu trách nhiệm về hoạt động làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp.

Nói cách khác, chỉ tính về mặt kinh tế mà nói thì đối với nữ Thứ trưởng, làm cổ đông của Điện Quang “sướng” hơn nhiều so với “ngồi ghế” Thứ trưởng phải lao tâm khổ tứ nhiều bề, “quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”!

Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trở lại Bóng đèn Điện Quang trên cương vị Thứ trưởng.
Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trở lại Bóng đèn Điện Quang trên cương vị Thứ trưởng.

Doanh nghiệp của Nhà nước, hậu cổ phần hóa thành “công ty gia đình”?!

Thế nhưng, giàu thì đâu có tội! Một quan chức giàu có bằng chính tài năng, sự nỗ lực của cá nhân và gia đình thì rất đáng khuyến khích và cổ vũ chứ không nên chỉ trích, soi mói!

Vấn đề tài sản của gia đình Thứ trưởng Thoa sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như Bóng đèn Điện Quang không từng là một doanh nghiệp Nhà nước và sau cổ phần hóa thì những cổ đông lớn, những vị trí chủ chốt trong dàn lãnh đạo lại thuộc về những người trong cùng một gia đình quan chức.

Bản thân bà Thoa sau khi rời ghế Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang để bước vào con đường chính trị thì lại phụ trách những công việc liên quan đến doanh nghiệp cũ. Một chuyên gia tài chính từng phân tích: Đơn giản như việc, chỉ cần các doanh nghiệp ngành công thương được yêu cầu ưu tiên mua hàng của Điện Quang là cũng có thể tạo sự không bình đẳng trong cạnh tranh! Thành ra, từ một doanh nghiệp Nhà nước, hậu cổ phần hóa, nhìn vào Bóng đèn Điện Quang, người ta có cảm giác doanh nghiệp này mang hơi hướng của một “công ty gia đình”.

Thế rồi, những câu hỏi khác cũng được đặt ra: Tiền đâu mà Thứ trưởng và gia đình bà ngày xưa gom được nhiều cổ phần DQC đến vậy? Việc bổ nhiệm người nhà vào những vị trí quan trọng của doanh nghiệp này có khuất tất gì không?v.v.

Trong một lần trả lời về vấn đề này, một đại diện của Bộ Tài chính có lý giải: “Thời điểm bà Thoa mua cổ phần của Công ty Điện Quang là thời kỳ khuyến khích mọi người mua cổ phần, những Đảng viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải gương mẫu đi đầu trong việc này. Còn sau thời kỳ đó, mọi việc diễn biến ra sao chúng ta cần kiểm tra từng bước một” (báo Dân Việt, ngày 16/03/2017).

Song, e rằng, lý giải của vị này chưa thật sự thuyết phục được dư luận. Bởi sở hữu cổ phần doanh nghiệp cổ phần hóa là một quyền lợi, đúng hơn là đặc quyền đặc lợi chứ không phải trách nhiệm, nghĩa vụ. Doanh nghiệp nào cũng khuyến khích kiểu đó thì có tránh khỏi việc các nhóm lợi ích tìm cách dìm giá cổ phiếu, cố tình định giá thấp để thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ hay không?!

Cho nên, người viết thiết nghĩ rằng, thay vì trông cậy hoàn toàn vào sự trung thực của quan chức trong kê khai tài sản, hệ thống quản lý Nhà nước cũng cần phải có những chế tài nhất định và kiểm soát chặt chẽ công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Nếu thực sự có những lỗ hổng trong công tác cổ phần hóa thì cần nhìn thẳng vào thực tế và rút kinh nghiệm. Dân giàu thì nước mạnh, nhưng sự giàu mạnh đó chỉ thực sự mang đến lợi ích chung trên cơ sở minh bạch, rõ ràng và bình đẳng!

Bích Diệp