Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

"Sau thảm họa Formosa gây ra: Nhiều vấn đề lớn phải giải quyết"

(Dân trí) - Sau khi Chính phủ công bố kết quả điều tra và hướng khắc phục thảm họa khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra, vẫn còn một số vấn đề mà một bộ phận nhân dân và một số chuyên gia còn băn khoăn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trực tiếp trả lời phỏng vấn của Báo Dân trí về những vấn đề này.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta có rất nhiều căn cứ để cho rằng, FHS sẽ thực hiện điều họ cam kết. Ảnh: Quý Đoàn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Chúng ta có rất nhiều căn cứ để cho rằng, FHS sẽ thực hiện điều họ cam kết". Ảnh: Quý Đoàn

Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã có kết luận thảm họa hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung là do FHS gây ra. Chính phủ cũng đã đưa ra các định hướng khắc phục thảm họa. Tuy nhiên, có một bộ phận Nhân dân và một số chuyên gia còn băn khoăn là: căn cứ nào để cho rằng FHS sẽ thực hiện được điều họ cam kết để khắc phục hậu quả đã xảy ra ?

​-Tôi nghĩ rằng, chúng ta có rất nhiều căn cứ để cho rằng FHS sẽ phải thực hiện điều họ cam kết. Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ thái độ kiên quyết phát triển bền vững đất nước, không chấp nhận vì lợi ích kinh tế mà hi sinh môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: FHS đã cam kết không để xảy ra trường hợp như vừa qua và nếu tái diễn sẽ phải đóng cửa.

​Thứ hai, Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau đã thể hiện thái độ phản đối các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của họ. Như chúng ta đã biết, sức mạnh của Nhân dân Việt Nam thật là lớn lao trong việc giữ gìn sự bình yên của đất nước và của mỗi gia đình.

​Ba là, chúng ta đã có một hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường khá chặt chẽ, đủ để răn đe và trừng phạt đối với mọi tổ chức, cá nhân xâm hại đến môi trường. Tôi cũng thừa nhận rằng, trong hệ thống luật pháp này còn một số lỗ hổng, nhưng điều đó sẽ được khắc phục nhanh chóng trong thời gian tới.

​Thứ 4, ngày nay cộng đồng văn minh trên toàn thế giới ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động phát triển bền vững, sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường, vì hạnh phúc của con người. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường sẽ bị lên án mạnh mẽ, bị tẩy chay, và như vậy, chính họ đã làm giảm sức cạnh tranh của chính mình trên phạm vi toàn cầu. Và điều quan trọng nữa là, bản thân FHS đã có những cam kết rõ ràng, bằng văn bản gồm 5 điểm mà Nhân dân cả nước đã biết. Chúng ta cũng nhận thấy, khi các cam kết này được thực hiện đầy đủ thì khả năng đảm bảo về môi trường cho vùng sản xuất sẽ tốt hơn rất nhiều. Bộ TN&MT sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các cam kết của FHS cũng như trong toàn bộ quá trình sản xuất sau này với tinh thần không nhân nhượng.

Buộc FHS phải thay đổi lớn trong hệ thống xử lý nước thải, chất thải

Lò luyện cốc của nhà máy đã được xác định là công đoạn phát thải chất gây ô nhiễm chính. Chính phủ sẽ buộc họ làm gì ?

​-Công đoạn luyện cốc trong tổ hợp sản xuất của FHS là nơi phát thải các chất độc gây thảm họa hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Do đó, công nghệ luyện cốc của tổ hợp này cần được thay đổi. FHS đã cam kết sẽ thực hiện thay đổi công nghệ hiện tại sang công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát thải trong thời gian 3 năm. Việc thay đổi công nghệ này là một khoản đầu tư lớn, cần có đủ thời gian. Phía Việt Nam cũng đã chấp nhận khung thời gian thay đổi công nghệ này. Trong 3 năm sắp tới, khi vẫn vận hành với công nghệ đã có, phía Việt Nam sẽ giám sát chặt chẽ quá trình xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn của công đoạn luyện cốc với các thiết bị giám sát tự động, có độ chính xác cao.

Chúng ta cũng sẽ buộc FHS có những thay đổi lớn trong hệ thống xử lý nước thải với yêu cầu: Tất cả nước thải từ tổ hợp sản xuất của FHS phải được xử lý triệt để, đảm bảo tiêu chuẩn theo qui định của Việt Nam bằng những công nghệ thích hợp với từng loại nước thải. Thứ hai là phải xây dựng mới các hồ chỉ thị sinh học để lưu trữ nước thải sau khi đã xử lý trong một khoảng thời gian đủ để quan trắc, đánh giá tính an toàn. Khi và chỉ khi các thông số quan trắc cho thấy nguồn nước này đã thực sự đảm bảo an toàn thì lúc đó mới được phép xả thải ra biển.

Các số liệu quan trắc này sẽ được kết nối tự động với các cơ sở quản lý môi trường của Việt Nam để có thể giám sát thường xuyên, chủ động. Hồ chỉ thị sinh học này cũng sẽ là nơi tạm trữ nước thải trong trường hợp xảy ra sự cố bất khả kháng. Khi đó, nước thải chưa đạt chuẩn vẫn không xâm nhập được vào nước biển. Vẫn còn cơ hội để chúng ta có thể thu gom và xử lý nước thải này sau sự cố bất khả kháng.

Bản thân chúng ta cũng sẽ đầu tư hệ thống quan trắc môi trường biển hiện đại để thường xuyên đánh giá chất lượng môi trường biển. FHS cũng đã cam kết sẽ tham gia vào việc xây dựng hệ thống này ở 4 tỉnh miền Trung. Hệ thống quan trắc môi trường biển hiện đại sẽ cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường nhận biết kịp thời các biến đổi môi trường biển, sớm nhận rõ nguy cơ bị ô nhiễm, từ đó tạo ra khả năng cảnh báo, ngăn chặn thảm họa ngay từ lúc nó chưa diễn ra trên thực tế.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sau vụ việc trên, phải kiên quyết nói “không” với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường. Ảnh: Quý Đoàn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Sau vụ việc trên, phải kiên quyết nói “không” với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường". Ảnh: Quý Đoàn

Riêng về các đường ống làm ngầm để xả thải ra đáy biển, có phải đây là một sự cố ý vi phạm, hướng xử lý với các đường ống đó như thế nào ?

-Các đường ống được làm ngầm để xả thải ra đáy biển không phải là trường hợp ngoại lệ ở Việt Nam. Việc dùng các ống ngầm để xả thải xa bờ được sử dụng khá phổ biến trên thế giới nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giao thông và tránh làm xáo trộn môi trường nước vùng ven bờ. Vấn đề không phải là đường ống ngầm mà là nước thải trước khi thải ra môi trường trong ống ngầm này đã được xử lý đạt tiêu chuẩn hay chưa, việc kiểm soát để đảm bảo chắc chắn nước thải đảm bảo an toàn có minh bạch không, khi có sự cố thì phương án dự phòng là gì? Nếu nước thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn, thì vẫn có thể thải qua các ống ngầm đã xây dựng.

Để chắc chắn hơn, như trên tôi đã nói, chúng ta đã yêu cầu FHS xây dựng hồ chỉ thị sinh học để lưu trữ nước thải sau khi đã xử lý trong một khoảng thời gian đủ để quan trắc, đánh giá tính an toàn của nó. Hồ này cũng sẽ là nơi tạm trữ nước thải trong trường hợp xảy ra sự cố bất khả kháng. Khi đó, nước thải chưa đạt chuẩn vẫn không xâm nhập được vào nước biển.

Lập Hội đồng giám sát FHS thực hiện cam kết

Thưa Bộ trưởng, liệu các cơ quan ở Việt Nam có đủ năng lực giám sát việc khắc phục vi phạm của FHS không thưa Bộ trưởng? Người dân lo lắng các cơ quan ở Việt Nam không có đủ năng lực đánh giá và xử lý triệt để ô nhiễm, trả lại môi trường như trước đây?

-Tôi nghĩ là các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam sẽ làm được việc này.​ Những vấn đề được Chính phủ giao, Bộ TN&MT sẽ thực hiện đầy đủ với quyết tâm cao nhất. Bộ TN&MT sẽ làm bài bản. Tôi sẽ thành lập Hội đồng giám sát việc thực hiện cam kết của FHS ngay từ bây giờ cho đến lúc họ thực hiện xong cam kết.

Tất nhiên, tôi cũng đồng ý với anh rằng đây là một việc không đơn giản. Khi thảm họa đã xảy ra, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể khắc phục được hoàn toàn mọi hậu quả.

Với nhận thức như vậy, trong những vấn đề khắc phục thảm họa mà chúng ta chưa có kinh nghiệm, Bộ TN&MT sẽ hợp tác , nhận sự hỗ trợ của các nước tiên tiến trên thế giới. Nhiều nước (Nhật, Đức, Mỹ, Pháp, Isarel,…) cũng đã thể hiện sự sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc đánh giá, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong thảm họa hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần sự hỗ trợ về: công nghệ khử độc môi trường biển ở vùng thảm họa, công nghệ ứng phó thảm họa một cách hiệu quả, nguồn lực tài chính,…

Các Bộ, Ngành có liên quan khác cũng sẽ thực hiện chức năng của mình theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam ở các cấp sẽ là yếu tố đảm bảo hoạt động giám sát diễn ra một cách chặt chẽ, hiệu quả.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, để chắc chắn trong tương lai FHS tuân thủ nghiêm túc luật pháp về bảo vệ môi trường, không tái phạm việc xả thải gây ô nhiễm. Việc giám sát của chúng ta là một quá trình thường xuyên, liên tục, theo suốt quá trình sản xuất của họ.

Đã xác định 460 ha san hô bị ảnh hưởng nặng

Thưa Bộ trưởng, riêng về vấn đề bồi thường, thực tế là đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế có thắc mắc là việc tính tiền bồi thường 500 triệu USD đó là dựa trên căn cứ nào, có vội vã không khi chưa xác định được đầy đủ thiệt hại?

-Chúng ta đã có gần 3 tháng để điều tra về thảm họa. Song song với việc xác định nguyên nhân, truy tìm thủ phạm, nhiều hoạt động nhằm đánh giá các thiệt hại do thảm họa gây ra, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã phối hợp với chính quyền các địa phương đã tiến hành các thống kê, đánh giá về thiệt hại cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản, dich vụ nghề cá.. tại 4 tỉnh miền Trung.

Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh chịu thảm họa đã thống kê, đánh giá những thiệt hại cho hoạt động du lịch.

Bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam, các tổ chức khoa học công nghệ chuyên ngành khác cũng đã nghiên cứu, đánh giá về các thiệt hại do thảm họa đối với môi trường biển. Hiện đã xác định được: có khoảng 460 ha san hô bị ảnh hưởng nặng, khó có thể tự phục hồi. Hệ sinh thái rừng ngập mặn, tảo biển không có biểu hiện bị ảnh hưởng lớn. Phạm vi thảm họa diễn ra khá rộng, đối tượng bị ảnh hưởng bởi thảm họa cũng rất đa dạng, do đó, đến thời điểm này việc tính toán đầy đủ tổng thiệt hại do thảm họa gây ra cho hiện tại và tương lai, chắc chắn, chưa thể đạt đến một con số chính xác, tròn trịa.

Tuy nhiên, từ tất cả những dữ liệu, thống kê, đánh giá mà chúng ta đã có, ở chừng mực nhất định có thể chấp nhận con số tổng thiệt hại do thảm họa ở mức 500 triệu USD. Tôi biết, có nhiều ý kiến khác nhau về con số này, người cho là ít, người cho là nhiều. Tôi rất tôn trọng các ý kiến phản biện trong một xã hội dân chủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ thống nhất với nhau rằng, trong thực tế, để đưa ra 1 con số về tổng thiệt hại do thảm họa được mọi người đồng thuận, là việc làm rất khó khăn.

Còn việc phục hồi hệ sinh thái biển? Có nhiều người cảm thấy bức xúc vì nếu phải mất 60-70 năm, thậm chí 100 năm để khôi phục những rặng san hô thì hậu quả môi trường này thật khủng khiếp?

​-Tôi đồng ý việc phục hồi hoàn toàn hệ sinh thái biển là một việc khó khăn, tốn thời gian. Tuy nhiên, nếu chúng ta có giải pháp tích cực thì điều đó là khả thi. Các mô hình trồng mới san hô đã được thực hiện ở Việt Nam với kinh phí không quá đắt đỏ. Có thể tạo ra một sinh kế mới cho người dân ven biển thông qua việc tổ chức, thực hiện các công việc có liên quan đến phục hồi hệ sinh thái biển vùng thảm họa.

Trước mắt, người dân sau khi được đào tạo ngắn hạn sẽ trở thành những người trồng, chăm sóc để phục hồi hệ sinh thái san hô đã mất. Về lâu dài, họ có thể hưởng lợi từ hệ sinh thái san hô này do các hoạt động du lịch biển. Khoảng thời gian từ lúc trồng mới đến lúc có một hệ thống rạn san hô trưởng thành, hấp dẫn khách du lịch có thể mất vài chục năm, đó cũng chính là khoảng thời gian mà người dân ven biển sống bằng một nghề mới.

Tuy nhiên, đảm bảo sinh kế lâu dài cho hàng vạn người dân cũng thực sự là một thách thức lớn chứ, thưa Bộ trưởng? Vì người dân không dễ gì chuyển đổi sang nghề nghiệp khác?

-Đúng như vậy. Chúng ta sẽ phải đầu tư tạo công ăn việc làm dài hạn cho người dân chứ không chỉ trước mắt. Có nhiều hướng giải quyết vấn đề này đã được nêu ra. Những giải pháp cấp bách đã và sẽ được thực hiện nhanh chóng (đảm bảo lương thực 6 tháng, chưa thu học phí của học sinh vùng thảm họa, …). Chúng ta cũng rất coi trọng các giải pháp có tính lâu dài để khắc phục triệt để thảm họa như cần phải khuyến khích hoạt động đánh bắt xa bờ. Phải nói rõ rằng, đây là một chủ trương lớn đã được kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua trong chiến lược kinh tế biển của Việt Nam.

Vùng biển gần bờ của Việt Nam với hoạt động đánh bắt hải sản từ hàng trăm năm qua đã bị quá tải, công nghệ đánh bắt lạc hậu, do đó, nguồn hải sản dần bị cạn kiệt. Không phải chỉ khi thảm họa xảy ra chúng ta mới khuyến khích đánh bắt xa bờ mà đánh bắt xa bờ thì mới có thể tạo ra một nền kinh tế biển qui mô lớn, hiệu quả cao. Và chỉ khi vươn xa bờ, chúng ta mới có khả năng làm chủ vùng biển và hải đảo của đất nước.

Chũng ta cũng cần khuyến khích các hoạt động đầu tư du lịch ven biển. Không phải chỉ khi thảm họa xảy ra chúng ta mới nhận thấy lợi thế phát triển du lịch tại các tỉnh miền Trung. Tuy vậy, đây cũng là một hướng rất khả quan để tạo công ăn việc làm mới cho người dân ở đây phải chuyển đổi nghề nghiệp do thảm họa.


Cần xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Ảnh: Quý Đoàn

"Cần xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường". Ảnh: Quý Đoàn

Theo Bộ trưởng, sau vụ việc này, thời gian tới, Chính phủ cần phải rút ra những bài học gì và thay đổi như thế nào trong chính sách đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực môi trường?

-Ngay từ bây giờ, Chính phủ đã có những đúc rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với các thảm họa môi trường, để có thể hành động mau lẹ, chủ động và chính xác hơn khi sự cố xảy ra. Những vấn đề then chốt cần được nhấn mạnh là: Thiết lập hệ thống phòng ngừa và ứng phó thảm họa, trong đó có thảm họa môi trường đủ mạnh, có khả năng hoạt động một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần tạo ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khi sự cố xảy ra. Ngoài ra sẽ phải nâng cao hệ thống các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, phòng tránh thảm họa.

Theo quan điểm của tôi, ngay cả trong lĩnh vực đặc biệt này chúng ta cũng cần học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là kinh nghiệm của những nước phải hứng chịu nhiều thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra. Để có thể tiến bộ nhanh trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể nghiên cứu, ứng dụng các qui trình ứng phó thảm họa tiên tiến trên thế giới khi thấy nó phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Nói cách khác, đứng trước thảm họa, nhiều nước trên thế giới đã tìm thấy con đường phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nó một cách rất hiệu quả. Chúng ta có thể làm theo cách của họ - nghĩa là làm theo thông lệ của các nước tiên tiến. Chúng ta học tập họ ở tính chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, theo đúng pháp luật.

Nói thêm về thông lệ. Tôi biết, cũng có nhiều ý kiến phản hồi với chúng tôi về vấn đề này. Như về khắc phục hậu quả ô nhiễm, tính tiền bồi thường thì mình phải tính theo cách tính mà ở một số nước như cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ họ đã làm. Mình học họ ở cách tính, định mức kinh phí để khắc phục. Thông lệ chính là cái họ đã làm trước đây, làm rất chuẩn mực mà ở Việt Nam mình chưa bao giờ làm. Hoặc thông lệ là có những việc ở Việt Nam đã từng làm ở một số dự án và đã làm rất tốt. Việt Nam chưa có định mức thì ta lấy theo định mức của Mỹ. Ví dụ một m2 cỏ biển là 11 USD để khắc phục ô nhiễm thì tôi lấy theo đó, nhân lên số diện tích bị thiệt hại để tính ra tiền.

Về đầu tư, tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần xác lập quan điểm: Đầu tư theo hướng bền vững. Nghĩa là, phải xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải kiên quyết nói “không” với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường.Trên thực tế, có những sự cố môi trường khi đã xảy ra, thì không thể khắc phục được. Cho nên Nhà nước cũng phải thay đổi quan điểm trong vấn đề đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường. Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động bảo vệ môi trường cần phải được xem trọng và đầu tư ngay từ đầu, vì chính nó là công cụ để dự báo, phòng ngừa, ứng phó với thảm họa.

Với việc Formosa gây ra vụ việc nghiêm trọng như vừa rồi, chính quyền Đài Loan họ có ý kiến gì không, thưa Bộ trưởng?

-FHS có 3 cổ đông chính: Một cổ đông là tập đoàn thép của Nhật Bản, một cổ đông là Tập đoàn Gang thép Đài Loan và Formosa. Formosa đã có trong danh sách đen về sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền Đài Bắc hiện nay cũng rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Họ muốn xây dựng một hình ảnh Đài Bắc tôn trọng môi trường, cam kết phát triển bền vững cùng với thế giới văn minh. Nếu doanh nghiệp Đài Bắc nào đầu tư ra nước ngoài gây ô nhiễm môi trường được xem là hành động làm xấu đi hình ảnh của Đài Bắc.

Cho nên, với vụ việc xảy ra ở Việt Nam vừa rồi, chính quyền Đài Bắc đã không bao che cho FHS. Họ công khai ủng hộ chúng ta xử lý tổ chức gây thảm họa theo đúng luật pháp của Việt Nam. Truyền thông Đài Bắc đã cung cấp thông tin một cách rộng rãi, góp phần tạo áp lực dư luận buộc doanh nghiệp có thái độ hành xử văn minh, nhận lỗi và cam kết khắc phục thảm họa.

Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng về bài trả lời phỏng vấn này.

Tuấn Anh - Mạnh Quân

Thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm