Phong cách sống ở quốc gia làm việc ít nhất thế giới
Con người nơi đây làm việc chăm chỉ nhưng cũng vui chơi hết mình. Họ cũng khá cầu toàn và rất tôn trọng sự riêng tư.
Đức là quốc gia làm việc ít nhất thế giới, theo số liệu năm 2015 của tổ chức OECD. Điều đặc biệt là, người Đức đồng thời rất nổi tiếng với năng suất làm việc hiệu quả và chất lượng. Chúng ta có thể học hỏi được gì từ văn hoá công sở và phong cách sống của người Đức? Loạt bài này sẽ giải đáp phần nào câu hỏi trên.
Đức là quốc gia làm việc ít nhất thế giới với 1.371 tiếng/năm, tương đương khoảng 26 tiếng/tuần, theo số liệu năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tổ chức này cũng cho biết chỉ 5% người lao động ở Đức làm việc nhiều giờ.
Công việc bán thời gian (part-time) ngày càng phổ biến ở Đức và đây một trong những lý do khiến số giờ làm việc của người dân Đức thấp hơn hẳn các nước khác. Tính đến năm 2012, cứ 4 người thì có khoảng 1 người Đức làm việc bán thời gian, theo CNN.
Thời gian làm việc ít cũng có nghĩa là thời gian dành cho các hoạt động khác nhiều hơn. Những người làm việc toàn thời gian ở Đức dành trung bình 15,9 tiếng/ngày (nghĩa là 66% thời gian trong ngày) cho các hoạt động cá nhân (ăn, ngủ…) hoặc giải trí (gặp gỡ bạn bè gia đình, xem tivi, chơi trò chơi…), theo OECD.
Cuộc sống tách rời công việc
Theo báo Huffington Post, người Đức làm việc chăm chỉ và chơi “hết mình”. Vì trong ngày họ tập trung tuyệt đối vào công việc nên những giờ nghỉ ngơi sẽ thực sự là nghỉ ngơi.
Nhờ có văn hóa công sở nghiêm túc, nhân viên Đức không nhất thiết phải đi chơi, tụ tập cùng nhau sau giờ làm việc. Họ thường có một sự tách biệt rất rõ giữa công việc và cuộc sống.
Nhiều công ty Đức thậm chí còn áp dụng chính sách cấm gửi tin nhắn, email cho nhân viên sau giờ làm việc, trong đó có các hãng sản xuất ô tô lớn như Volkswagen, BMW hay nhà sản xuất đồ thể thao Puma. Volkswagen đã áp dụng chính sách này từ năm 2011, trong đó, hệ thống email của công ty được lập trình để ngừng gửi tin nhắn đến điện thoại của nhân viên sau giờ làm việc. Hệ thống này sẽ hoạt động bình thường trước ngày làm việc 30 phút, theo DW.
Để tận dụng thời gian giải trí dồi dào, người Đức tham gia vào rất nhiều hoạt động. Họ đăng ký vào các câu lạc bộ, thường xuyên gặp gỡ những người có chung sở thích. Những CLB phổ biết ở Đức là thể thao, ca hát, ca nhạc, đi bộ, vật nuôi (hầu hết là nuôi thỏ và chim bồ câu).
Ngay cả những ngôi làng nhỏ nhất ở Đức cũng có rất nhiều CLB để phục vụ sở thích của người dân. Thay vì ngồi xem TV sau một ngày làm việc, hầu hết người Đức đều trò chuyện, giao tiếp với những người khác trong cộng đồng của họ.
Người Đức cũng có một số lượng lớn ngày nghỉ quốc gia được trả lương, trung bình là 24 ngày, với nhiều nhân viên thậm chí còn được nghỉ từ 25-30 ngày, theo Huffington Post. Nhiều ngày nghỉ nghĩa là gia đình có thêm thời gian bên nhau, có thể là cùng nấu nướng hoặc du lịch đến thành phố mới.
Giá trị con người Đức
Người Đức rất coi trọng sự riêng tư, đúng giờ và cấu trúc chặt chẽ. Họ tôn thờ các giá trị tiết kiệm, siêng năng và rất nghiêm túc trong việc quản lý thời gian. Theo báo Live Science, "người Đức cảm thấy thoải mái nhất khi họ có thể sắp xếp và chia thế giới của họ thành các mục nhỏ có thể kiểm soát được. Do đó, thời gian được quản lý một cách cẩn thận, lịch trình luôn được tuân thủ".
Ngoài ra, tờ Live Science cũng nhận định người Đức là những người cầu toàn và mong muốn đạt được sự chính xác trong tất cả khía cạnh cuộc sống. Họ ít khi đùa cợt hay thậm chí đưa ra lời khen. Do đó, ấn tượng đầu tiên khi gặp người Đức thường sẽ là “không mấy thân thiện”. Nhưng thực chất, bên trong, họ lại có một mong muốn hòa nhập xã hội và được quan tâm mạnh mẽ, theo bài báo.
Về ẩm thực, người Đức yêu những món ăn làm từ thịt bò. Đặc biệt, bia là đồ uống có cồn phổ biến nhất ở đây. Đức là nơi sản xuất nhiều loại bia nổi tiếng như Pilsner, Weizenbier và Alt. Các loại bia này được sản xuất theo "Luật tinh khiết", trong đó quy định bia chỉ có thể được ủ từ lúa mạch, hoa bia và nước, theo NPR.
Cuộc sống gia đình nhiều quyền lợi
Không chỉ phân định rõ giữa công việc và cuộc sống cá nhân, các bậc cha mẹ ở Đức còn được tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc gia đình. Mỗi gia đình ở Đức thường khá nhỏ với 1-2 con.
Quy định về “thời gian làm cha mẹ” (tiếng Đức là hệ thống “Elternzeit”) là một quy định rất tuyệt vời dành cho người lao động. Để so sánh, báo Mỹ Huffington Post viết: “Mỹ hiện không có luật yêu cầu nghỉ thai sản, trong khi Đức có một trong những chính sách bảo vệ cha mẹ sâu rộng nhất trong số các nước phát triển”.
Quyền lợi tài chính của hệ thống này thường là “quá nhiều” với các bà mẹ Đức, thậm chí nhiều bà mẹ còn trì hoãn hoặc nghỉ hẳn làm sau khi sinh vì đã có nhiều quyền lợi.
Nhân viên chỉ cần làm việc trong vòng 12 tháng là có thể hưởng quyền lợi Elternzeit, trong đó bao gồm 3 năm nghỉ không lương với một hợp đồng làm việc “tạm ngủ”. Theo loại hợp đồng này, người lao động có thể làm việc bán thời gian nhiều nhất 30 giờ/tuần khi đang nghỉ thai sản, và phải được cung cấp việc làm toàn thời gian khi kết thúc đợt nghỉ.
Bên cạnh các điều khoản này, nhà nước cũng sẽ chi trả 67% tiền lương của người lao động trong vòng 14 tháng nghỉ thai sản. Và những quyền lợi này cũng được áp dụng cho các cặp vợ chồng đồng tính.
Theo Dân Việt