Nợ công Việt Nam đã vượt 93 tỷ USD?
(Dân trí) - Theo Đồng hồ nợ công thế giới, nợ công Việt Nam tại thời điểm 30/10 là 93 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ Tài chính công bố tỷ lệ nợ công cuối năm nay vào khoảng 61,3% GDP. Các con số này đều thấp hơn số liệu gây “sốc” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm 2014 là hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tương đương 66,4% GDP.
Theo cập nhật tại Đồng hồ nợ công thế giới, tính tại thời điểm ngày hôm nay 30/10, nợ công Việt Nam đã ở mức hơn 93 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Con số này chiếm tỉ lệ 45,9% GDP.
Theo đó, tính bình quân, mỗi người dân Việt Nam đang “cõng” khoảng 1.021 USD nợ công.
Hiện tại, đang có nhiều con số khác nhau về nợ công Việt Nam. Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10 diễn ra ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dự kiến đến hết 31/12/2015, nợ công sẽ là 61,3% GDP, vẫn là nằm dưới ngưỡng 65% (an toàn) theo quy định Luật Quản lý nợ công. Tuy nhiên, bà Mai không thông tin thêm về con số cụ thể.
Trước đó, cũng theo thông tin của Bộ Tài chính, nợ công ở mức 59,6% GDP vào cuối 2014. Dữ liệu sử dụng đã được kiểm tra chéo với dữ liệu do các chủ nợ cung cấp. Như vậy, ngay cả khi nợ công được khẳng định nằm trong ngưỡng an toàn thì so với năm trước, tỉ lệ nợ công trên GDP vẫn tăng cao.
Trong báo cáo gần đây của Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) về nợ công lại đưa ra con số nợ công 2,6 triệu tỷ đồng; tương đương 66,4% GDP tại thời điểm cuối năm ngoái.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) nhận định, đây là mức đáng báo động vì đã vượt trần 65% và cũng cao hơn mức 59,6% được công bố trước đó.
Trên thực tế, kết quả tính nợ công phụ thuộc vào định nghĩa nợ công. Thường kết quả sẽ có sự khác biệt khi thêm hoặc bớt một số thành phần.
Theo đó, số liệu nợ công nói trên tính cả dự phòng rủi ro (bằng 5% nợ công trong nước, là 49,5 nghìn tỷ đồng; tương đương 1,38% GDP).
Cơ quan này cho rằng, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn nợ công là chưa đầy đủ và cần phải bao gồm cả dự phòng cho các khoản nợ bất khả kháng/không thể tránh khỏi. Tuy nhiên họ không đưa ra thông tin chi tiết về nợ thuộc diện bất khả kháng.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã bác bỏ ước tính của Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà Mai cho biết cách tính và kết quả trên không phù hợp với Luật Quản lý Nợ công. Theo Luật Quản lý Nợ công 2009, nợ công bằng tổng nợ Chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng tiết lộ tỷ lệ nợ công thực tế có thể giảm một chút nếu được tính lại do nợ do chính phủ bảo lãnh giảm.
Tại thời điểm cuối 2014, nợ của trung ương tương đương 47,4% GDP; nợ do Chính phủ bảo lãnh là 11,3% trong khi nợ của địa phương là 0,8% (theo số liệu do Thứ trưởng Vũ Thị Mai cung cấp). Trong khi đó GDP của Việt Nam năm 2014 là 184 tỷ USD (theo Tổng cụ thống kê).
Không giống phương pháp tính của IMF và World Bank, nợ của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội không được tính vào nợ công. Cho dù vậy do phương pháp tính của Bộ Tài chính bao gồm một số khoản mục tính 2 lần nên theo cách tính của IMF, tỷ lệ nợ công năm 2014 thậm chí còn thấp hơn, là 57,2% GDP - theo HSC.
Bích Diệp
*Trong bài báo sử dụng số liệu nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Tuy nhiên trước đó, do sơ suất khi biên tập đã dẫn đến sai sót khi dẫn nguồn là số liệu của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Xin chân thành cáo lỗi Viện Chiến lược phát triển và bạn đọc