Nợ công dự kiến lên 62,3% GDP vào cuối năm 2015

(Dân trí) - Theo đại diện Bộ Tài chính, nợ công cuối năm 2014 ở mức 2.347 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP. Mức nợ công này vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP.

Nợ công dự kiến đến cuối năm 2015 vào khoảng 62,3% GDP.
Nợ công dự kiến đến cuối năm 2015 vào khoảng 62,3% GDP.

Báo cáo tại Hội thảo đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, tổng vốn vay Chính phủ đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng, trung bình đạt 7% GDP, tăng 14%/năm.

"Đặc biệt, thực hiện trả nợ đúng nghĩa vụ nợ đến hạn hàng năm, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Ước tính năm 2014 trả nợ của Chính phủ là 141.520 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu ngân sách Nhà nước là 13,8%”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, quan trọng là, chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn quy định. Cụ thể, nợ công cuối năm 2014 ở mức 2.347 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP. Mức nợ công này vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP.

Ngoài ra, theo báo cáo của ông Long, quy mô của thị trường trái phiếu tăng từ mức 2,8% GDP năm 2001 lên mức 19% GDP năm 2011 và 21,2% GDP năm 2014. Riêng thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 19% GDP năm 2014.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Long cũng chỉ ra một số vấn đề đang và sẽ đặt ra: phạm vi nợ công chưa hài hòa với thông lệ quốc tế; chồng chéo giữa các khoản nợ; về phạm vi nợ công; mục tiêu, trần nợ công; nghiệp vụ quản lý nợ chủ động; quan hệ giữa quản lý nợ công và chính sách tài khóa…

Do đó, để giải quyết các vấn đề này, ông Long cho rằng, cần hoàn thiện chính sách quản lý nợ công nhằm tăng cường huy động vốn cho cân đối NSNN và đàu tư phát triển kinh tế - xã hội; Làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, DN và đơn vị sử dụng nợ công; Giảm thiểu tối đa các nội dung cần hướng dẫn để thực hiện sau khi ban hành luật mới.

Theo ông Thomas Magunusson, Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới, khi Việt Nam đang hướng tới môi trường theo cơ chế thị trường thì việc phải vay nợ nhiều hơn theo các điều khoản thương mại mở ra nhiều phương án vay nợ và nhiều công cụ tài chính.

"Trong môi trường như thế, điều kiện chính là phải có chiến lược được lập trên cơ sở các phương án đánh đổi chi phí/rủi ro hợp lý nhằm định hướng cho các quyết định vay nợ và các giao dịch thị trường khác”, Thomas nói.

Theo ông Thomas, nếu thiếu chiến lược chính thức có thể dễ dàng dẫn tới những lựa chọn không tốt và làm tăng rủi ro. Vì vậy, Việt Nam cần hướng tới quy trình quản trị tốt nhằm định hướng cho việc vay nợ của Chính phủ. Theo đó, cần có tầm nhìn dài hạn, xác định các mục tiêu quản lý nợ rõ ràng; có tính chiến lược trung hạn; có tính chiến thuật ngắn hạn; có phương thức triển khai quản lý nợ chủ động thực hiện các giao dịch thị trường khác trong phạm vi các tham số đó.

Trước đó, tại báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hồi tháng 7 đánh giá, cân đối ngân sách của Việt Nam vẫn là mối quan ngại. Nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây, và chi phí trả nợ có thể là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách.

Theo World Bank, tổng nợ công (nợ của chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 54,5% GDP 2013 lên mức 59,6% năm 2014. Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam (nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) ước tính 2.347 nghìn tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD).

Ngoài ra, sau quyết định phá giá tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước thêm 1% và nâng biên độ giao dịch lên +/-3% hồi tháng 8, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng có thể ảnh hưởng tới gánh nặng nợ công của Việt Nam.

Dẫn số liệu thống kê gần nhất được công bố bởi Ngân hàng thế giới, Chứng khoán Bảo Việt cho hay, nếu tính cả thay đổi thực tế trong cặp tỷ giá JPY/VND và EUR/VND trong 8 tháng đầu năm thì quy mô tuyệt đối nợ công của Việt Nam tăng lên khoảng 3,3%. BVSC cho rằng, việc gia tăng quy mô nợ công do phá giá tiền tệ có thể làm tăng nguy cơ Việt Nam rơi vào khủng hoảng nợ trong dài hạn, đặc biệt là trong giai đoạn 2017-2018 khi nợ công có khả năng chạm ngưỡng an toàn là 65% GDP.

Phương Dung

 

Nợ công dự kiến lên 62,3% GDP vào cuối năm 2015 - 2