1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhiều vụ án sẽ "tịt" nếu Facebook, Google không đặt máy chủ tại Việt Nam

(Dân trí) - Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, hiện nay có nhiều vụ án tấn công, lừa đảo bị “tịt” vì nhà cung cấp dịch vụ mạng tại nước ngoài không hợp tác. Do vậy, ông Cầu ủng hộ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng đặt máy chủ tại Việt Nam.

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường làm rõ những vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng. Phát biểu tại đây, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Thảo luận luật An ninh mạng sáng nay tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, quy định “nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam” là trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Bà Thuý đề nghị luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo đại biểu Thuý, mạng internet chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Vì vậy, nếu có riêng một luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường… cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng.

Đại biệt đoàn TP Đà Nẵng ví Luật An toàn thông tin mạng và luật An ninh quốc gia như hai cái khóa chắc chắn bảo vệ an ninh quốc gia. “Nay thêm luật An ninh mạng không khác gì cái khóa thứ ba. Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một “người” khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?”, đại biểu Thúy nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam

Cũng liên quan đến việc đặt cơ quan máy đại diện, máy chủ quản lý tại Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - đặt câu hỏi quy định này liệu có tạo ra rào cản thương mại cản trở hoạt động kinh doanh, cũng như cản trở người dùng hay không?

Theo ông, khi các doanh nghiệp nước ngoài thu lợi nhuận ở Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Hiện nay 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này.

“Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ chứa dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không chỉ cho một nước cụ thể. Vì sao các nước đó làm được, chúng ta không làm được?”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhấn mạnh, với việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện.

Theo ông Hiếu, để ngăn chặn các tin tức giả, nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Chẳng hạn như ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả.

Tranh luận lại ý kiến đại biểu Hiếu, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ thực trạng đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lửa đảo trên lãnh thổ Việt Nam thì không thể biết họ là ai.

“Trong khi đó, yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài (nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam) thì họ không cung cấp. Như vậy, chúng ta tịt toàn bộ vụ án!”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.

Giải trình làm rõ thêm các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật An ninh mạng được ban hành sẽ đảm bảo pháp lý vững chắc, có các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện đấu tranh, loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm