1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 3

Vào những năm 1960, trong khi vẫn tiếp tục đàm phán về việc dừng thử nghiệm hạt nhân và cắt giảm quân bị, cả Liên Xô và Mỹ lại tăng cường thử nghiệm hạt nhân.

Cuộc đấu vẫn tiếp tục
 
Năm 1959, một tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự đoán: cuối năm 1962, số lượng tên lửa tầm xa của Mátxcơva sẽ gấp 3 lần Mỹ. Kennedy rất quan tâm tới điều này. Chính vì vậy, trong ba năm cầm quyền (1961-1963), Kennedy liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng.

Tháng 3/1961, Kennedy ra lệnh đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất tên lửa Polaris bắn từ tàu ngầm và tên lửa Minuteman phóng từ lòng đất. Ngoài ra, Mỹ còn tìm cách tăng cường sự có mặt của mình ở Tây Đức, Áo, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để hình thành thế bao vây đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trong hai năm: 1959 và 1960, quân đội NATO và quân đội Tây Đức nhiều lần tổ chức diễn tập liên hợp lấy Liên Xô và Đông Âu làm kẻ địch giả tưởng. Những quả tên lửa của Mỹ bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mất 5-6 phút là có thể vươn tới Mátxcơva. Trong khi đó, nếu phóng từ lãnh thổ của mình và muốn đến được nước Mỹ, tên lửa của Liên Xô phải mất từ 20-30 phút bay.

Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 3

Il-28, loại máy bay từng được bố trí bí mật ở Cuba trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân


Cục diện bất lợi này khiến Khrushchev cảm thấy bất an. Trước chuyến thăm Mátxcơva của Raul Castro, tháng 5/1962, Khrushchev đi thăm Bungari. Một hôm, Khrushchev đi dạo trên bờ Biển Đen với Nguyên soái Rodion Malinovsky - Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Malinovsky chỉ tay sang phía bờ đối diện nói: “Chỉ cần vài phút là những quả tên lửa hạt nhân bố trí ở các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có thể huỷ diệt Kiép, Minxcơ và Mátxcơva”. Khrushchev hỏi: “Vậy tại sao chúng ta không thể thiết lập căn cứ quân sự ở gần nước Mỹ?” Và Khrushchev quyết tâm biến ý tưởng đó thành hiện thực. Đúng lúc này, quan hệ giữa Mỹ và Cuba leo thang căng thẳng. Trong một thời gian ngắn, Cuba đã cử hai đoàn đại biểu sang thăm Liên Xô, đề nghị Mátxcơva giúp La Habana chống lại sự xâm lược của Oasinhtơn.

Nhằm tạo thế cân bằng với Mỹ, Khrushchev đương nhiêu đã vui vẻ nhận lời giúp đỡ Cuba. Nhưng giúp bằng cách gì? Cung cấp những loại vũ khí thông thường như xe tăng, đại pháo …cũng chỉ giúp Cuba nâng cao khả năng phòng ngự thông thường, không thể tạo ra sức mạnh răn đe đối với Mỹ.

 

Tên lửa Polaris của Mỹ tại bãi phóng ở mũi Canaveral.

Tên lửa Polaris của Mỹ tại bãi phóng ở mũi Canaveral.


Khrushchev cho rằng: “Chúng ta nhất định phải nghĩ ra biện pháp thực tế để đối phó với Mỹ và sự can thiệp của Mỹ ở biển Caribê”. Cuối cùng, Khrushchev quyết định phải xây dựng căn cứ quân sự và bố trí tên lửa hạt nhân, máy bay Il-28 ở Cuba.

Khrushchev dự tính nếu hoàn thành việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba trước khi bị người Mỹ phát hiện thì chỉ cần 1/10 số tên lửa của Liên Xô thoát khỏi đòn trả đũa của Lầu Năm góc cũng đủ giáng đòn sấm sét vào New York. Kết quả của việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba không chỉ có thể khống chế hành động quân sự tuỳ tiện của Mỹ nhằm vào Cuba, mà còn giúp tạo thế cân bằng hạt nhân giữa Mátxcơva và Oasinhtơn. Theo Khrushchev, người Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự bao vây Liên Xô, sử dụng vũ khí hạt nhân đe doạ Liên Xô, nên họ đáng được nếm vị đắng khi thấy tên lửa của Liên Xô chĩa vào. 

Chính phủ Liên Xô phê chuẩn kế hoạch của Khrushchev, căn cứ vào hiệp định bí mật kí với Cuba, quyết định bố trí tên lửa tầm trung ở Cuba và cung cấp máy bay ném bom phản lực Il-28 cho Cuba. Hàng chục quả tên lửa (mỗi quả có thể mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá lớn gấp hàng chục lần so với quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki - Nhật Bản) và hàng chục chiếc máy bay đã được tháo rời, đóng vào kiện, bí mật chuyển lên những chiếc tàu chở hàng đưa đến Cuba. Khoảng 3.500 nhân viên kĩ thuật Liên Xô cũng xuống tàu sang Cuba. Tới ngày 2/9, khi hai đoàn đại biểu Liên Xô và Cuba ra tuyên bố chung, kế hoạch vận chuyển vũ khí và nhân viên kĩ thuật của Liên Xô cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, Khrushchev không thể ngờ rằng kế hoạch chuyển thế trận từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu của mình lại gây ra một cơn sóng gió lớn đến vậy trong quan hệ giữa Mátxcơva và Oasinhtơn cũng như trên trường quốc tế. Nguy cơ chiến tranh cũng không đặt Liên Xô vào vòng ngoại lệ.

Theo Minh Thành

Đón đọc kỳ sau: Phát hiện kinh hoàng của những chiếc máy bay do thám tầm cao U-2