Dân trúng trăm tỷ nhờ trú mưa; Tổng giám đốc Vietlott đột ngột từ chức
(Dân trí) - Trong tuần, những diễn biến của đời sống kinh tế đáng chú ý xoay quanh câu chuyện đại gia Nhật Bản đặt chân vào Việt Nam bán lẻ xăng dầu. Thông tin gây háo hức cho người dân bởi lẽ ngành xăng dầu được kỳ vọng sẽ loại bỏ thế độc quyền, giảm giá cho dân. Một sự kiện được nhiều người bàn tán là ít lâu sau khi công bố người trúng thưởng trăm tỷ đồng nhờ đi đường trú mua mua xổ số Vietlott, Tổng giám đốc của Vietlott đột ngột từ chức vì...lý do cá nhân.
Đang ăn nên làm ra, Tổng giám đốc Vietlott xin từ chức
Ngay đầu tháng 10/2017, ông Tống Quốc Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) có đơn xin từ chức gửi Bộ Tài chính vì lý do cá nhân. Đơn từ chức của ông Trường đã được Bộ Tài chính chấp thuận và ông chính thức nghỉ từ đầu tháng 10.
Ông Trường được xem là người có nhiều kinh nghiệm quản lý kinh doanh, trước khi nắm giữ chức vụ ở Vietlott, ông này từng đảm nhiệm chức Trưởng Ban, Tổng Giám đốc tại Ban chuyên môn và Doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Xa hơn, ông này có thời gian làm Tổng Giám đốc tại Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) từ tháng 06/2007 đến tháng 3/2010 sau khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn từ nhiệm.
Việc từ chức đột ngột của Tổng giám đốc Vietlott diễn ra chỉ 2 ngày sau khi một người dân tại Đồng Nai đi đường trú mưa tình cờ mua xổ số của Vietlott đã trúng giải độc đắc trị giá hơn 122 tỷ đồng.
Đại gia Nhật bán xăng, dân chờ tin giá rẻ
Một tin vui đối với người dân và thị trường xăng dầu Việt là đại gia xăng dầu Nhật Bản chính thức chen chân vào phân phối bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Đây là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đầu tiên cung cấp và bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.
Sự gia nhập thị trường và sự cạnh tranh của hãng bán lẻ xăng dầu Nhật được người dân và giới chuyên gia kỳ vọng sẽ đem lại luồng gió mới, giúp ngành này có sự cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch hơn, từ đó giúp giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt, giảm giá cho người tiêu dùng.
Cũng liên quan đến xăng dầu, sau nhiều kỳ vọng của thị trường, người dân về sự giảm nhanh giá xăng dầu những ngày đầu tháng 10 nhưng quyết định được liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra, giá xăng dầu chỉ giảm hơn 100 đồng/lít. Mức giảm nhỏ giọt này khiến người dân "mất hứng" sau nhiều ngày chờ đợi và trước diễn biến giá xăng dầu thế giới đang chững và giảm đi trông thấy.
Ghế nóng của PVC có chủ, 3/10 lao động không có bảo hiểm
Sau nhiều ngày bỏ trống vì hàng loạt lãnh đạo bị khởi tố, ngày 4/10 Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã tổ chức lễ công bố quyết định điều động ông Nguyễn Đình Thế - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS) giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Ông Thế lên thay ông Nguyễn Anh Minh, Tổng Giám đốc của PVC - người vừa bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cuối tháng 9 vừa qua. Cùng với quyết định bổ nhiệm tân Tổng giám đốc, PVC đã tạm đình chỉ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc PVC đối với ông Nguyễn Anh Minh vì đang có lệnh khởi tố cùng một loạt lãnh đạo cao cấp của PVC.
Trong tuần, số liệu công bố đáng chú ý của Tổng cục Thống kê là cứ 10 lao động đang làm việc, tạo ra của cải vật chất, có đến 3 người không được ký hợp đồng lao động, làm nghề tự do, không được hưởng các quyền lợi bảo hiểm và sẽ không có lương hưu khi về già.
Con số 33% lao động Việt làm việc không hợp đồng, không bảo hiểm là kết quả khá thấp so với con số của các tổ chức độc lập khác. Tuy nhiên, đây cũng là con số gây lo ngại, khiến những chính sách về lương tối thiểu vùng, tăng lương cơ bản mà Nhà nước đang thực hiện có thể không có tác dụng đối với bộ phận người lao động nghèo, không được thụ hưởng chính sách.
"Vết nứt" sẽ ngốn trăm tỷ đồng và chuyện đấu tranh loại bỏ Uber, Grab
Trong tuần, thông tin về một sự cố công trình di dân có tổng vốn hơn 300 tỷ đồng sắp hoàn thành xong, nhưng ngay lập tức nó đã gây ra hậu quả làm lún, nứt và sạt lở các công trình lân cận. Ngay lập tức tỉnh Điện Biên, nơi có dự án nêu trên đã đề xuất gói giải cứu sự cố với số vốn 252 tỷ đồng (84% tổng vốn đầu tư công trình).
Ngay lập tức Bộ KH&ĐT yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vụ việc; Văn phòng Chính phủ thảo công văn lấy ý kiến các bộ, ngành về đề xuất giải cứu của địa phương có hợp tình, hợp lý trước khi quyết định cho phép thực hiện hay không.
Nhân chuyện bàn về chính sách đối với Uber, Grab hai doanh nghiệp đang được thí điểm áp dụng xe hợp đồng diện tử (loại hình kinh tế sẻ chia) tại Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải dừng khẩn cấp hoạt động thí điểm với Uber và Grab tại Việt Nam.
Lý do được tổ chức này đưa ra là: Uber và Grab phát triển nóng, gây tắc đường, phá vỡ quy hoạch taxi. Bên cạnh đó, dù hoạt động tương tự như taxi nhưng Uber và Grab không những không chịu giám sát như các hãng taxi hiện nay mà còn nộp thuế quá thấp, nghi vấn trốn thuế và nghĩa vụ với Nhà nước.
Sau những kiến nghị có phần ồn ào, nhiều chuyên gia, người dân đã đặt lại câu hỏi tại sao không phải cơ quan chức năng đưa ra kiến nghị dừng Uber, Grab mà là Hiệp hội Taxi - liên minh của hàng chục doanh nghiệp taxi Hà Nội, đối tượng đang bị Uber và Grab cạnh tranh quyết liệt. Bên cạnh đó, nhiều nghi vấn cạnh tranh xấu, nghi vấn loại bỏ đối thủ cạnh tranh, độc quyền của các hãng taxi núp sau chính sách, vận động chính sách.
Nợ công tăng nhanh và tư duy đầu tư bằng "quan hệ, phong bì"
Báo cáo về nợ công Việt Nam vừa được Bộ Tài chính đưa ra, Bộ này cho hay hiện nợ công của Việt Nam đang thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua). Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá.
Theo báo cáo, đi cùng với nợ tăng cao, cơ cấu nợ công cũng đã có sự thay đổi, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Bộ Tài chính cho biết, nợ công tính đến hết năm 2015 là hơn 2 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi người dân gánh 22,5 triệu đồng nợ công.
Ngoài nợ công, nhiều đánh giá và nghiên cứu không mấy khả quan về năng lực cạnh tranh, môi trường cạnh tranh của Việt Nam ngày càng bộc lộ hạn chế do không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Bộ máy quản lý hiện vẫn "sợ" cạnh tranh, "nghiện" quản lý. Ông Cung nói: Trong tư duy quản lý của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay vẫn sợ cạnh tranh, lo cạnh tranh nhiều quá.
Ở góc nhìn tổng thể, nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Tư duy "đầu tư bằng quan hệ, công nghệ là phong bì" cứ dẫn dắt người ta như vậy thì lấy đâu ra sức để nghĩ ra cạnh tranh.
Cắt nghĩa việc cơ quan Nhà nước đang "thích" quản lý, "nghiện" quản lý, bà Lan cho rằng: Cái nghiện quản lý hiện nay đằng sau nó, đi liền nó là quyền, là tiền, là lợi ích", bà Lan nói. Bà Lan cho rằng, nền kinh tế đang tồn dư hơn 5.000 điều kiện kinh doanh, đây là "di chứng" của tư duy quản kiểm. Nhưng không bao giờ và không ai xác định được hiệu quả của nó.
Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)