1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Công bố thanh tra dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội

(Dân trí) - Sau những lùm xùm thời gian qua, Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra các nội dung tố cáo của công dân liên quan đến việc thực hiện dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3).

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại UBND TP Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại UBND TP Hà Nội.

Căn cứ Luật Thanh tra, Luật Tố cáo và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định thanh tra số 1103/QĐ-TTCP thanh tra các nội dung tố cáo của công dân, liên quan đến việc thực hiện các dự án: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 3, Nhổn - Ga Hà Nội); Dự án đầu tư xây dựng điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đoàn thanh tra do ông Trần Hữu Lợi - Thanh tra viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục I (Thanh tra Chính phủ) làm trưởng đoàn. Đoàn Thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt trong thời gian 40 ngày làm việc.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh yêu cầu đoàn thanh tra làm đúng thời hạn, thời gian theo kế hoạch với tinh thần công tâm, khách quan để có kết luận chính xác. Đồng thời làm việc với người tố cáo trước khi thực hiện thanh tra để làm rõ nội dung và giải quyết nội dung tố cáo đúng quy định pháp luật, hồ sơ quản lý chặt chẽ, duy trì chế độ thông tin báo cáo...

Như Dân trí đã liên tục phản ánh trong thời gian qua, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng vốn vay ưu đãi của Pháp có tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 783 triệu euro, nhưng đến năm 2013 tổng mức đầu tư phê duyệt đã tăng lên 1,176 tỷ euro (tương đương 32.910 tỷ đồng), tăng 393 triệu euro.

Thời gian qua người dân sinh sống dọc đường Kim Mã liên tục gửi đơn thư phản ánh thiết kế ga ngầm S9 có hệ thống thông gió (phía nam nhà ga) xây dựng vào giữa khu dân cư, phải thu hồi nhà ở của nhiều hộ dân.

Điều này khiến khoảng cách từ hệ thống thông gió đến nhà dân chỉ từ 0m đến không quá 2m. Tuy nhiên, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình ngầm đô thị, phần về tàu điện ngầm (QCVN 08:2009/BXD) quy định: “Khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ô tô kín hoặc hở, các khu vực thương mại, và các cửa sổ của nhà dân và công trình không được nhỏ hơn 25 m; đến các trạm tiếp nhiên liệu cho ô tô, các kho chứa dầu và các sản phẩm dầu và các sản phẩm dầu, khí đốt, vật liệu gỗ, đường dẫn khí và dầu, các hạng mục công trình chế biến dầu và công nghiệp hóa chất - không nhỏ hơn 100 m”.

Theo ý kiến của các chuyên gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2009/BXD quy định khoảng cách tối thiểu từ giếng thông gió đến nhà dân 25 m để đảm bảo môi trường vì đây là vị trí thoát khí của ga, của đường hầm; không ảnh hưởng của tiếng ồn do hệ thống quạt thông gió gây ra. Đặc biệt khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra trong ga, trong đường hầm thì đây chính là chỗ để lửa, khói thoát ra, sẽ làm nguy hiểm đến tính mạng hàng nghìn người dân trong khu vực.

Người dân cho rằng mặc dù tại khu vực ga S9 còn nhiều khu đất trống đủ điều kiện xây dựng hệ thống thông gió đảm bảo đúng quy chuẩn như phía đối diện với nhà của các hộ dân là khu vườn hoa, đài phun nước công cộng (hiện đang làm bãi trông giữ xe tạm Ngọc Khánh), nhưng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội vẫn thiết kế hệ thống thông gió của ga ngầm S9 vào vị trí đất của các hộ gia đình, là vi phạm quy chuẩn hiện hành. Chính vì thế, suốt thời gian qua, người dân ở đây liên tục có đơn thư phản đối kịch liệt, không chấp thuận các quyết định của chính quyền địa phương.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm