Bài 5:
Cấp hàng loạt giấy phép xây dựng cho các dự án trốn ĐTM, Sở Xây dựng Bắc Giang nói gì?
(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí thông tin việc hàng loạt dự án trốn đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được cấp giấy phép xây dựng tại Bắc Giang, trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này lập tức có văn bản chỉ rõ sự vi phạm pháp luật thì Sở Xây dựng Bắc Giang lại cho rằng trong thành phần hồ sơ xin cấp GPXD không bắt buộc phải nộp báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
Tình trạng cấp giấy phép xây dựng (GPXD) cho các dự án trốn ĐTM tại Bắc Giang được Báo Dân trí vào cuộc điều tra và thông tin trong nhiều kỳ báo. Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã lập tức có văn bản quyết liệt chỉ đạo xử lý sự việc. Tuy nhiên, một diễn tiến bất ngờ là Sở Xây dựng Bắc Giang khẳng định cấp GPXD như vậy là không sai.
Cấp giấy phép xây dựng cho các dự án trốn đánh giá tác động môi trường là không sai?
Sáng ngày 4/12, tại hội nghị thông tin báo chí về tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bắc Giang năm 2017, về tình trạng Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép xây dựng cho các dự án trốn ĐTM, trả lời trước hội nghị, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang chính thức cho rằng: “Công tác cấp phép xây dựng của Sở là thực hiện theo quy trình của Luật Xây dựng và theo trình tự làm thủ tục và các thành phần hồ sơ theo bộ thủ tục hành chính do Bộ Xây dựng chuẩn hóa và trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Xây dựng.
Tại hội nghị thông tin báo chí về tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bắc Giang năm 2017, Sở Xây dựng Bắc Giang lại cho rằng trong thành phần hồ sơ xin cấp GPXD không bắt buộc phải nộp báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
Trong thành phần hồ sơ không có thành phần bắt buộc phải nộp cái báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng đã theo quy trình và thẩm định hồ sơ cấp phép thì chúng tôi cũng đã xem xét các nội dung đến các yếu tố môi trường trong quá trình xây dựng cũng như việc tuân thủ các giải pháp thiết kế của xây dựng trong môi trường. Quá trình thực hiện do thủ tục hành chính là như vậy chúng tôi cũng chưa thể nắm được các dự án có ĐTM hay chưa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã xem xét và có các văn bản của một số dự án người ta trao đổi với Sở TN&MT…Trong giai đoạn vừa rồi, qua phản ánh của báo chí, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các cơ quan đơn vị phối hợp xem xét các vấn đề hồ sơ phải tuân thủ theo các quy trình, chúng tôi đã tiếp thu các ý kiến của các cơ quan báo chí”, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết.
Như vậy, một thực tế đặt ra là khi các dự án này đã xây dựng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy các hạng mục như hệ thống xử lý nước thải, bể chứa nước thải, khu vực và quy mô xử lý chất thải…nằm kiên cố dưới cả lòng đất thì các cơ chức năng lấy căn cứ vào đâu để đặt bút ký phê duyệt? Và trong trường hợp các cơ quan không đồng ý ký phê duyệt khi các doanh nghiệp thực hiện xây dựng các công trình xử lý môi trường kiểu lấy lệ, bát nháo thì liệu chủ đầu tư có đập công trình đi xây lại những hệ thống này hay không?...
Sở TN&MT Bắc Giang chỉ rõ sự vi phạm pháp luật
Trong khi đó, ngay sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí thông tin sự việc, ngày 27/10/2017, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có Công văn do ông Vũ Văn Tưởng - Phó giám đốc sở ký gửi các doanh nghiệp triển khi thi công dự án trốn ĐTM.
Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã viện dẫn Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ để khẳng định hành vi thi công xây dựng trốn ĐTM là vi phạm pháp luật.
Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã viện dẫn Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ để khẳng định hành vi thi công xây dựng trốn ĐTM là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang khẳng định: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tại khoản 2 Điều 19 quy định việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án; Khoản 2 Điều 25 quy định: quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các dự án thuộc đối tượng phải quyết định chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng; Điều 31 quy định chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Tại Điều 91, Điều 92 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị, công trình không theo tuyến ngoài đô thị: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ…
Tại Điểm a, khoản 1, Điều 11 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng quy định: Chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án đến người quyết định đầu tư; hồ sơ trình thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm: Tờ trình thẩm định dự án theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục II (trong mẫu số 01 có nội dung: Văn bản thẩm duyệt hoặc ý kiến về giải pháp phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền (nếu có)).
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã căn cứ Luật Xây dựng 2014 để phân tích thêm về quy định bắt buộc tuân thủ các yêu cầu về vấn đề môi trường với dự án.
Cùng quan điểm với Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã căn cứ Luật Xây dựng 2014 để phân tích thêm về quy định bắt buộc tuân thủ các yêu cầu về vấn đề môi trường với dự án.
Theo luật sư Lực, Luật Xây dựng quy định rõ tại Điều 91, Điều 92 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị, công trình không theo tuyến ngoài đô thị: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ…
Khoản 3 điều 91 Luật Xây dựng nêu rõ: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này.
Khoản 5 điều 82 Luật Xây dựng quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.
Khoản 6 điều 82 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.
“Như vậy, việc tuân thủ các quy định về môi trường mà cụ thể ở đây là việc được phê duyệt ĐTM là yêu cầu bắt buộc để Sở Xây dựng cấp phép xây dựng cho dự án”, luật sư Lực bày tỏ quan điểm.
Bài học nhãn tiền từ “quả đắng” dự án hơn 6000 tỷ trốn ĐTM
Trong khi Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang vẫn khẳng định việc cấp giấy phép xây dựng không cần quan tâm đến việc dự án đã có ĐTM hay chưa thì ngay tại Bắc Giang, dự án hơn 6000 tỷ trốn ĐTM bị đình chỉ thi công vẫn là một bài học nhãn tiền.
Dự án đầu tư của nhà đầu tư JA Solar Investment (Hong Kong) Limited tại Khu Công nghiệp (KCN) Quang Châu (Bắc Giang) với tổng vốn đầu tư 6.235,6 tỷ đồng tương đương 280 triệu USD được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 30/12/2016.
Theo Quyết định phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đặt vấn đề đảm bảo môi trường lên hàng đầu. Cùng đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án trước khi triển khai; giao Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bắc Giang phải phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết của Nhà đầu tư về công nghệ, thiết bị, máy móc và các quy định đảm bảo môi trường theo pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, dự án này đã được Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam khởi công từ ngày 27/11/2016 và được cấp giấy phép xây dựng khi chưa hề được phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Ông Nguyễn Anh Quyền - Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang thừa nhận đây là sai phạm, yêu cầu tạm dừng dự án chờ đợi các thủ tục đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng xin nhận một phần trách nhiệm trong công tác quản lý. Ông Linh cho biết đây là một bài học để tỉnh Bắc Giang rút kinh nghiệm sẽ không để trường hợp tương tự xảy ra.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế