1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ LĐ-TB&XH công bố giải pháp giúp ngư dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng từ Formosa

(Dân trí) - “Ước tính có 263.000 lao động bị ảnh hưởng của sự kiện cá chết do công ty Formosa gây ra, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp. Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nhanh chóng triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp hỗ trợ XKLĐ, học nghề và tạo việc làm”.


Nguồn: Ảnh Internet

Nguồn: Ảnh Internet

Chiều 5/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao đổi với báo giới về kế hoạch hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do tác động môi trường từ công ty Formosa.

Bày tỏ quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định: “Bộ LĐ-TB&XH không kỳ vọng đào tạo chuyển đổi sang nghề khác cho tất cả đối tượng trên. Lẽ đơn giản, họ là người dân vùng biển. Họ phải sống được bằng sinh kế nghề biển”.

Chủ động nắm tình hình

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trước khi có thông tin Formosa đền bù số tiền 500 triệu USD vì sự kiện này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có chuyến thị sát và làm việc với UBND Thừa Thiên Huế, Quảng Trị để nắm tình hình khó khăn của ngư dân bị ảnh hưởng của sự kiện cá chết bất thường.

Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục làm việc để nắm thêm tình hình thiệt hại và nguyện vọng của ngư dân 2 tỉnh tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, điều quan trọng nhất mà Bộ trưởng quan tâm là sinh kế của người dân vùng biển sẽ ra sao và các giải pháp hỗ trợ trong tình hình khó khăn.

“Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thống nhất với các tỉnh về việc cần phải có 1 Đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Trên nguyên tắc, những vấn đề thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ triển khai ngay. Còn vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết định, Bộ sẽ xin khẩn trương xin ý kiến.

Có thể trong thời gian ngắn, họ sẽ sang làm việc ở các doanh nghiệp tại những ngư trường Hàn Quốc, Đài Loan để tìm kiếm việc làm. Sau một thời gian, họ sẽ quay trở về vùng biển quê nhà để làm việc và sinh sống" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Đồng bộ hỗ trợ 4 chương trình XKLĐ

Về nhóm giải pháp xuất khẩu lao động, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng 4 chương trình do Bộ và các doanh nghiệp đang thực hiện. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, những chương trình do Bộ LĐ-TB&XH triển khai với chi phí thấp sẽ được ưu tiên hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng.

Kêu gọi doanh nghiệp XKLĐ vào cuộc. “Bộ sẽ thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp có uy tín đang triển khai có hiệu quả tới đề cũng bàn. Một số doanh nghiệp đang có chương trình tàu cá gần bờ. Năm 2016, phía Hàn Quốc phân bổ 600 chỉ tiêu cho 8 doanh nghiệp VN, Bộ LĐ-TB&XH sẽ yêu cầu 8 doanh nghiệp tập trung ưu tiên, hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

“Trước hết là Chương trình EPS (vừa được ký lại đầu tháng 5/2016). Dù không nhiều lắm, nhưng với 3.500 chỉ tiêu sẽ ưu tiên cho các huyện ven biển của 4 tỉnh trên. Ngay cả với những huyện trong diện hạn chế do lao động bỏ trốn nhiều cũng sẽ được ưu tiên tham gia” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Bên cạnh đó, lao động vùng bị ảnh hưởng có thể tham gia chương trình IM Japan đang được xúc tiến. “Nếu lao động có đủ sức khỏe và đáp ứng ngoại ngữ sẽ được phía Nhật Bản tạo điều kiện học miễn phí. Lương khởi điểm từ 800-1.000 USD/tháng”.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai 2 chương trình điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức. Người lao động là con em của ngư dân của khu vực này nếu đủ điều kiện sẽ được Bộ tạo điều kiện tham gia ngay.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, buổi làm việc giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ NN&PTNT) hôm 4/7, có 2 nhóm giải pháp đã được thống nhất để hỗ trợ người dân. "Đối với số lao động đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ thì Bộ NN&PTNT trình Chính phủ về đào tạo nghề, cho vay vốn. Đối với người dân làm việc trong các lĩnh vực khác, Bộ LĐTB&XH sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ như dạy nghề, tạo cơ hội xuất khẩu lao động, việc làm…".

Đề xuất cơ chế cho nhóm đối tượng đặc thù

Về chính sách, thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết: Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động thuộc hộ nghèo ở các huyện bị ảnh hưởng sẽ được hưởng cơ chế như đối tượng trong Quyết định 71 về hỗ trợ các huyện nghèo trong cả nước.

Cụ thể, khi tham gia XKLĐ, họ sẽ được miễn phí đào tạo ngoại ngữ, tiền ăn ở trong thời gian học định hướng và các chính sách khác có thể áp dụng được

Trường hợp người lao động không thuộc hộ nghèo, Bộ sẽ trình Chính phủ áp dụng theo diện Nghị quyết 61/2015 về hỗ trợ đối tượng thu hồi đất. "Ở đây cũng tương tự như người dân mất đất, ngư dân mất ngư trường thì cũng sẽ được hưởng các chính sách tương tự" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Thị trường XKLĐ Thái Lan, tại sao không?

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Thỏa thuận hợp tác lao động VN - Thái lan về tiếp nhận lao động đánh cá gần bờ và xây dựng sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016. Các số liệu khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, lao động ở 4 tỉnh trên chiếm phần lớn nhân lực đang làm việc tại Thái Lan.

“Nếu lao động ở vùng này có nguyện vọng, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tạo điều kiện tối đa cho họ. Ưu điểm ở thị trường lao động Thái Lan là chi phí thấp, khoảng cách gần, không có phí môi giới. Bộ LĐ-TB&XH đang chỉ đạo 6 doanh nghiệp và 4 trung tâm dịch vụ việc làm đang thí điểm làm dịch vụ này giảm thiểu tối đa phí” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Hoàng Mạnh