Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần giải pháp tạo nghề cho ngư dân Thừa Thiên Huế

(Dân trí) - “Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu và trình Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân vùng đầm phá, ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp do hải sản chết bất thường, thông qua việc dạy nghề chuyển đổi, dạy nghề đánh bắt xa bờ hoặc tham gia xuất khẩu lao động”.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (giữa) tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (giữa) tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trao đổi tại buổi làm việc về công tác lao động việc làm, dạy nghề và chính sách người có công với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sáng 27/6 tại thành phố Huế.

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, cho biết, UBND tỉnh đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân vùng ven biển, đầm phá nhằm giúp khoảng 10% lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do hải sản chết bất thường (khoảng 2.500 lao động/27.000 lao động).

“Việc hỗ trợ này để bà con ngư dân có thêm nghề phụ nhằm tăng thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi khi không thể ra khơi hoặc khi không thể nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản với tổng kinh phí 10 tỉ đồng (2.500 người x 4 triệu đồng/người) trong 2 năm 2016 và 2017” - ông Nguyễn Thanh Kiếm cho biết.

Chia sẻ những khó khăn của ngư dân ven biển Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của đợt cá chết bất thường vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần sớm có những giải pháp lâu dài nhằm tạo việc làm bền vững, hỗ trợ ngư dân vượt khó.

Liên quan tới chính sách người có công, tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét hướng dẫn và công nhận, xác nhận 31 trường hợp thương binh, liệt sỹ và 1 trường hợp hưởng chính sách như thương binh. Trả lời vấn đề này, ông Đào Ngọc Lợi - Cục Phó Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Cục đang gấp rút hoàn hành các thủ tục và sẽ có trả lời chính thức từng trường hợp trước ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Bên cạnh những giải pháp có tính đồng bộ của nhiều ngành nhiều cấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Với tư cách là cơ quan thực hiện chính sách dạy nghề và tạo việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu giải pháp hỗ trợ ngư dân để trình Chính phủ, như: Dạy nghề trên đất liền thay cho nghề đánh bắt gần bờ, dạy nghề đánh cá xa bờ. Thậm chí, giải pháp đào tạo nghề và ngoại ngữ để hỗ trợ người dân tham gia xuất khẩu lao động cũng được tính tới”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan chuyên môn gấp rút tính toán, lập kế hoạch để có phương án khả thi giúp đỡ ngư dân trong thời gian sớm nhất. "Trong đó, các thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc và Nhật Bản với thu nhập cao, yêu cầu kỷ luật lao động tốt có thể được xem xét để nhằm giúp ngư dân khi tham gia nhanh chóng giảm nghèo".

Trong buổi làm việc, Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2016, có 1.285 lao động nông thôn học nghề theo Đề án 1956 vế dạy nghề cho lao động nông thôn (đối với các ngành nghề phi nông nghiệp tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt trên 75%).

Nhiều ngành nghề được học mới đã hỗ trợ bà con nông dân trong việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, ổn định cuộc sống. Qua công tác Đào tạo nghề, lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương từng bước có hiệu quả.

“UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thống nhất chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế với Khoa Du lịch (Đại học Huế) thành Học viện Du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Ngành Du lịch trên địa bàn và các tỉnh lân cận” – ôn Nguyễn Văn Cao nói.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Áp dụng mức thu BHTN theo lương cơ sở 1.210.000 đồng

Bảo hiểm xã hội VN vừa ban hành Công văn 2026/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân triển khai việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần giải pháp tạo nghề cho ngư dân Thừa Thiên Huế - 2

Việc thu BHXH, BHYT, BHTN sẽ được căn cứ mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 60.000 đồng, từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng từ ngày 1/5/2016. Căn cứ như trên, Bảo hiểm xã hội VN ban hành Công văn số 2026/BHXH-BT hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016. Cụ thể:

Người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Trường hợp người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014. Trường hợp viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật BHYT năm 2008, Luật Việc làm năm 2013, hưởng lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

N.Q