160 ngày ông Vũ Huy Hoàng “xuất ngoại”; nghìn tỷ đồng để cán bộ “công du”

(Dân trí) - “Gần 42.000 lượt cán bộ của Bộ Tài chính, Công Thương...đã xuất ngoại trong 4 năm qua với khoản ngân sách lên đến 1.004 tỷ đồng”, trong đó, tiền “rót” cho Bộ Công Thương tới một nửa. Đây là thông tin gây chú ý nhất được công bố trong tuần qua.

Một năm, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài hơn 160 ngày

Con số này được Thanh tra Chính phủ tiết lộ mới đây trong kết luận về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2012-2016.

Ông Vũ Huy Hoàng tranh thủ ra sân chơi golf nhân một chuyến đi công tác nước ngoài
Ông Vũ Huy Hoàng "tranh thủ" ra sân chơi golf nhân một chuyến đi công tác nước ngoài

Theo Thanh tra Chính phủ, việc lập, phê duyệt các đoàn công tác nước ngoài của bộ ngành cũng như địa phương nằm trong danh sách kể trên vẫn còn bất hợp lý về thời gian, không sát với tình hình thực tế. Trong đó, Bộ Công Thương được xác định là bộ có số lãnh đạo bộ đi công tác nước ngoài rất nhiều.

Cụ thể, năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn. Năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.

Chưa hết, tháng 1/2016, ông Vũ Huy Hoàng còn ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với khoản kinh phí lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng.

Việc ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài công tác nhiều hơn một số bộ trưởng khác cũng có lý do khách quan là ngành Công Thương thời gian đó đàm phán, ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do nên ông cũng phải đi để dẫn đầu đoàn. Tuy nhiên, cũng không phải không có chuyến đi ông cũng tranh thủ việc riêng, như ra sân chơi golf (ảnh).

Nghìn tỷ đồng ngân sách ‘rót’ cho cán bộ công du: Bộ Công Thương chiếm một nửa

Cũng theo báo cáo trên, gần 42.000 lượt cán bộ của Bộ Tài chính, Công Thương...đã xuất ngoại trong 4 năm qua với khoản ngân sách lên đến 1.004 tỷ đồng.

Theo số liệu rà soát, giai đoạn 2012-2016, Bộ Công Thương tổ chức hơn 7.500 đoàn, với hơn 24.800 lượt cán bộ đi nước ngoài. Bộ Tài chính tổ chức gần 3.400 đoàn, với hơn 8.200 lượt cán bộ đi nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức gần 2.200 đoàn, với gần 4.500 lượt cán bộ...

Ba lần rao vẫn ế, xin giảm giá bán rẻ nhà máy ngàn tỷ đắp chiếu

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam tiến hành đấu giá dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Nhà máy Bột giấy Phương Nam bước sang tuổi thứ 14 kể từ khi được duyệt dự án
Nhà máy Bột giấy Phương Nam bước sang tuổi thứ 14 kể từ khi được duyệt dự án

Lần 1 là từ ngày 12/6/2017 đến ngày 14/7 năm 2017.

Lần 2 là từ ngày 20/7 đến ngày 9/8/2017 (gia hạn thêm 15 ngày).

Lần 3 từ ngày 23/8 đến ngày 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày).

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay các lần tổ chức bán đấu giá trên đã không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá. Do vậy, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên.

Tính đến nay dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đã bước sang năm thứ 14 kể từ khi được duyệt dự án nhưng vẫn chưa hoàn thành. Và, tính từ khi dự án được duyệt lần đầu vào năm 2003 (1.487 tỷ đồng), tổng mức đầu tư của dự án đã tăng gấp 2,3 lần lên 3.409 tỷ đồng.

VCCI: 10 doanh nghiệp hoạt động, có đến 6 doanh nghiệp phải "lót tay"

Trong 10 doanh nghiệp hoạt động hiện nay, có đến 6 doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức và Việt Nam vẫn chưa đạt chất lượng trong cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong khởi sự kinh doanh, còn có nhiều thủ tục rườm rà liên quan đến con dấu, mở tài khoản, mua hóa đơn... Để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp, cải cách của Chính phủ cần tiếp cận theo hướng đa ngành, bãi bỏ mạnh mẽ các thủ tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

“Tôi tham gia hội nghị ở Luông Pha Băng (Lào), đại biểu Singapore trình bày ấn tượng về khởi sự kinh doanh của nước này, tại đó doanh nghiệp không cần biết đến cơ quan nào cấp phép cả, tất cả đều thực hiện qua mạng theo luật lệ chung. Còn tại Việt Nam hiện nay ngay cả đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào cấp phép, khai thuế... cũng đang nửa vời. Một số thủ tục thì phải gặp gỡ công chức nhà nước, tòa án, thẩm phán mới thu nhập được thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt làm ăn có lãi còn thấp, tỷ trọng doanh nghiệp trong nước đóng góp vào xuất khẩu đang giảm...”, ông Tuấn nói.

Tổng kiểm tra, xử lý hoạt động bán thuốc, mỹ phẩm giả qua mạng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về chống nạn sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả gây nhức nhối dư luận thời gian qua.

Một quảng cáo thực phẩm chức năng vô tội vạ trên Facebook
Một quảng cáo thực phẩm chức năng vô tội vạ trên Facebook

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, nhà xưởng, cơ sở dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng... trên toàn quốc, trong đó có kiểm soát kinh doanh hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm trên mạng.

Theo đó, Chính phủ nhận định thời gian vừa qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp.

Thực tế đáng báo động này đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.

Bỏ việc văn phòng, lái Grab, tài xế “té ngửa” mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng

Grab quảng cáo: “Thu nhập cực hấp dẫn, trung bình từ 26 - 33 triệu đồng khi hoạt động toàn thời gian mỗi tháng. Không những vậy còn tăng đến 35 triệu đồng vào mùa cao điểm như mùa mưa, lễ. Với đối xe chạy từ 4 - 5 tiếng/ngày, thu nhập thêm mỗi tháng có thể lên đến 15 triệu đồng”.

Anh Trung, một lái xe Grab nói: “Tổng thu nhập lên đến 30-35 triệu đồng là có nhưng phải chạy thật chăm chỉ. Và đó cũng là chưa trừ tiền chiết khấu cho Grab, chưa trừ khấu hao xe, nếu xe đi vay thì còn phải trả lãi vay nữa nên nói chung cuối cùng tiền bỏ túi cũng chẳng nhiều”.

Anh Trung trước đây là dân văn phòng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau nghe nói chạy Grab “kiếm nhiều tiền lại thoải mái thời gian, thích đi hay thích nghỉ lúc nào cũng được”, anh Trung bỏ tiền tiết kiệm cùng với vay mượn thêm người thân tậu ô tô chạy.

Lúc đầu nghĩ làm lái xe Grab sẽ rất thoải mái, nhưng thực tế theo lời kể của anh Trung, thì không phải vậy. Grab có chính sách phân loại tài xế chạy chuyên nghiệp và những người chỉ chạy khi rảnh rỗi. Nếu rảnh rỗi thì mức ưu tiên nhận chuyến và thưởng ít hơn. Và chạy chuyên nghiệp rồi thì vẫn tiếp tục được Grab phân loại thông qua tỷ lệ “sao”, tỷ lệ huỷ chuyến, nhận chuyến…

“Nói chung cực lắm, nếu mới lái chưa có nhiều kinh nghiệm thì thấy chẳng ăn thua gì, chỉ mong đút túi 15 triệu là tốt rồi”, vị tài xế chia sẻ.

Bích Diệp (tổng hợp)

160 ngày ông Vũ Huy Hoàng “xuất ngoại”; nghìn tỷ đồng để cán bộ “công du” - 4