1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xử vụ chạy thận tử vong: “Cựu Giám đốc Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm”

(Dân trí) - Theo luật sư, trong sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chết, cần xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác, trong đó BVĐK tỉnh phải có trách nhiệm lớn nhất vì đã không ban hành quy trình bảo dưỡng, vận hành máy lọc nước RO, mà ông Trương Quý Dương thời điểm đó là người đứng đầu.

Sáng 24/5, Toà án nhân dân TP. Hoà Bình tiếp tục bước sang ngày thứ 8 xét xử bị cáo Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo liên quan đến vụ chạy thận khiến 9 nạn nhân tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình ngày 29/05/2017.

Cựu Giám đốc Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm

Trong phiên làm việc sáng ngày hôm qua 23/5, sau khi đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản luận tội và đưa ra các mức án đề nghị đối với các bị cáo, phiên toà bước sang phần tranh luận với rất nhiều tình tiết đáng chú ý.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình - Trương Quý Dương (Ảnh: PC)
Nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình - Trương Quý Dương (Ảnh: PC)

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng - bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) cho rằng VKS và cơ quan điều tra chưa làm rõ được trách nhiệm của đơn vị, cá nhân quản lý vận hành sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lọc nước RO.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Ảnh: Trần Thanh)
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Ảnh: Trần Thanh)

Theo luật sư Dũng, thời điểm xảy ra sự cố, chưa có hợp đồng số 05 giữa công ty Thiên Sơn và Trâm Anh. Thời điểm đó Quốc vẫn đang làm việc tại TP Vinh, chiều tối cùng ngày mới về đến nhà ở Bắc Ninh.

Đến chiều 29/5, đại diện công ty Thiên Sơn mới cầm hợp đồng lên BV đa khoa Hoà Bình để Quốc ký, việc này có sự chứng kiến của PGĐ công ty Thiên Sơn, nhân viên tên Tiên và em vợ Quốc. Đến sáng 30/5, việc đóng dấu vào hợp đồng mới được hoàn hoàn tất.

Ngoài ra, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an nói rõ, đồng hồ đo độ dẫn điện có sai số quá lớn, không đảm bảo để sử dụng. Trong khi Quốc khai đã làm hơn 20 lần, tất cả đều chỉ dựa vào chỉ số đo độ dẫn điện của đồng hồ để xác định việc bảo dưỡng để hoàn thành hay chưa.

Trình bày trước HĐXX, luật sư Dũng cho rằng, trong sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chết, cần xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác, trong đó BVĐK tỉnh phải có trách nhệm lớn nhất vì đã không ban hành quy trình bảo dưỡng, vận hành máy lọc nước RO.

"Đây là trách nhiệm rất lớn mà bệnh viện phải nhận. Cần điều tra xác định trách nhiệm của những cá nhân về quản lý bảo dưỡng sửa chữa, mà vào thời điểm đó, ông Trương Quý Dương là người đứng đầu tại bệnh viện”, luật sư Dũng lập luận.

Trước đó, ngay từ những phiên xét xử đầu tiên của toà, ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc BVĐK Hoà Bình, được các luật sư liên tục đề nghị HĐXX triệu tập đến toà để làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của BVĐK tỉnh Hoà Bình đến cái chết của 9 bệnh nhân chạy thận tại đơn nguyên thận nhân tạo, nhưng đến nay ông này vẫn “bặt vô âm tín” và chỉ xuất hiện người đại diện được uỷ quyền tại toà.

Luật sư Dũng cũng cho rằng thân chủ của mình không phải là người có trách nhiệm bàn giao thiết bị cho bệnh viện, mà đó là trách nhiệm của công ty Thiên Sơn.

Đối đáp lại các luận điểm của luật sư, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng bị cáo Quốc thực hiện hợp đồng với tư cách là người của công ty Thiên Sơn, không có trách nhiệm bàn giao, thì khi luận tội VKS đã xác định công ty này có trách nhiệm dân sự.

VKS nhấn mạnh nguyên nhân xảy ra sự cố không phải là các vấn đề nêu trên mà là do bị cáo Quốc đã sử dụng 2 hóa chất không được phép sử dụng, chứng kiến thiết bị đưa vào chạy thận mà không ngăn cản. "Đây là sự chủ quan của Quốc", đại diện VKS nhận định.

Đại diện VKS.
Đại diện VKS.

VKS cũng cho biết trong quá trình điều tra và truy tố chưa thấy có đủ căn cứ xem xét xử lý hình sự đối với ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn (giám đốc công ty Thiên Sơn). Nếu tại phiên tòa HĐXX thấy có căn cứ thì xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan.

Luật sư: Đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại vụ án

Để xem xét kĩ hơn vụ án và tránh oan sai, vào phiên tranh luận của toà chiều ngày hôm qua 23/5, luật sư Phạm Quang Hoà (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) đề nghị HĐXX cho trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có những căn cứ còn thiếu và yếu, đặc biệt có tới 4 vi phạm tố tụng hình sự: Chứng cứ chưa thẩm vấn lại được coi là căn cứ buộc tội; sai tư cách người tham gia tố tụng; vi phạm đối chất; vi phạm quy định xác định sự thật vụ án.

Trong sáng nay 24/5, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận, luật sư Nguyễn Tiến Thuỷ, người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng, chưa đủ căn cứ buộc tội Sơn về tội thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ lại điều tra bổ sung, cho bị cáo Sơn tại ngoại.

Bị cáo Trần Văn Sơn (Ảnh: Trần Thanh)
Bị cáo Trần Văn Sơn (Ảnh: Trần Thanh)

Luật sư Thuỷ cho rằng, việc đầu tiên, ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) phải kiểm tra trong thiết bị y tế, sau khi kiểm tra thì chuyển sang điều dưỡng. “Trong phiên toà này tôi chưa thấy ai hỏi kỹ càng về điều dưỡng. Thực ra điều dưỡng là bộ phận riêng biệt, có nhiều chức năng và rất quan trọng”, luật sư Thuỷ nói.

Luật sư Thuỷ đặt câu hỏi bị cáo Trần Văn Sơn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong vụ án. Tuy nhiên, Sơn không có hợp đồng, về mặt pháp lý không phải là người của bệnh viện, như vậy Trần Văn Sơn có được phân công nhiệm vụ không?

“Tôi đề nghị HĐXX xem xét vì chưa đủ căn cứ buộc tội bị cáo Sơn. Xem xét trả hồ sơ điều tra lại, cho bị cáo Sơn được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm di chuyển khỏi nơi cư trú”, luật sư Thuỷ nói. Tại toà, bị cáo Trần Văn Sơn đồng ý với ý kiến của luật sư.

Đại diện VKS đối đáp tranh luận và cho rằng việc bội tội Sơn là có văn cứ và dựa trên cáo trạng cũng như diễn biến tại phiên toà nên vẫn giữ nguyên truy tố bị cáo Sơn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối đáp lại, luật sư Thuỷ cho rằng: “Việc giao việc giám sát bảo dưỡng cho nhân viên bệnh viện. Thế thì có thể phòng ban nào đó kiểm tra chứ không riêng gì bị cáo Sơn. Việc Sơn không phản đối không có nghĩa Sơn phải chịu trách nhiệm, đề nghị VKS xem lại. Sơn không được ký hợp đồng, không phải nhân viên lại đổ hết trách nhiệm cho Sơn”.

Trần Thanh – Nguyễn Dương