1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát
  3. Xét xử đại án Việt Á

Nhóm cán bộ Đồng Tâm đã chia chác đất như thế nào?

(Dân trí) - Sáng nay, 8/8, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức đưa ra xét xử 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và cán bộ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về 2 tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hàng loạt hành vi sai phạm của các bị cáo đã được làm rõ tại tòa.


Các bị cáo tại phiên xử sáng nay

Các bị cáo tại phiên xử sáng nay

Xét xử 14 cựu cán bộ giao đất sai ở Đồng Tâm

11h35, tòa tạm nghỉ. 13h30 chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

Đổ lỗi cho áp lực từ huyện

11h20, Tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Lê Đình Thuần, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm. Cho rằng một số điểm trong cáo trạng chưa khách quan, bị cáo Thuần khai, thực tế không có cuộc họp thống nhất việc giao đất năm 2002.

Năm 2013, bị cáo đã làm đơn gửi xã và huyện xin không mua suất đất được giao nữa. Thời điểm này, mảnh đất bị cáo Thuần được giao đang đứng tên vợ bị cáo, song bị cáo không biết diện tích đất bản thân được cấp nằm chính xác chỗ nào. Nói về sai phạm trong việc xác nhận cho 12 hộ dân để hợp thức diện tích đất được giao trái thẩm quyền, bị cáo Thuần cho rằng, sau khi cơ quan chức năng thanh tra, bị cáo biết mình có sai phạm.

Đồng thời, bị cáo Thuần “đổ lỗi” cho áp lực từ phía huyện khi giao nhiệm vụ cho cán bộ xã Đồng Tâm trong giải quyết tồn đọng việc cấp GCNQSDĐ. Đối với một số trường hợp cụ thể, bị cáo Thuần tiếp tục “đổ lỗi” cho hội đồng tư vấn đất đai và cho rằng mình không thể nắm bắt hết hồ sơ từng trường hợp. “Việc bị cáo ký xác nhận vào các đề nghị cấp GCNQSDĐ là đúng hay sai?” - chủ tọa ngắn gọn. “Dạ, là sai.” - bị cáo Thuần đáp.


Bị cáo Lê Đình Thuần

Bị cáo Lê Đình Thuần

Các bị cáo khai gì tại tòa?

10h05, HĐXX bước vào phần xét hỏi. Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Nguyễn Văn Đức cho rằng cáo trạng có điểm chưa đúng với thực tế.

"Cáo trạng nêu bị cáo đã được nhận đất nhưng thực tế bị cáo chưa được nhận đất. Bị cáo được cấp giấy chứng nhận nhưng thực tế chưa được giao đất.”. - bị cáo Đức khai trước tòa và cho biết, “sổ đỏ” trên đứng tên vợ bị cáo. Đầu năm 2013, bị cáo đã giao nộp sổ đỏ trên cho UBND huyện Mỹ Đức.

Bị cáo Nguyễn Văn Khang, nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm, khẳng định, nội dung cáo trạng đúng với sai phạm của bản thân, không có oan sai. Bị cáo nhận thức được, bản thân không phải là đối tượng được cấp đất nhưng vẫn ký vào đơn xin mua đất nhằm chiếm dụng đất là sai. “Bị cáo chưa được nhận đất thực tế, chưa biết là chỗ nào nên chưa sử dụng, không biết hiện trạng đất và không chuyển nhượng cho ai. Sau năm 2013, khi có đơn khiếu nại, tôi viết đơn xin thôi không mua suất đất đó.” - bị cáo Khang khai nhận.

Đối với việc giao, cấp, đấu giá đất trái thẩm quyền, với chức trách là kế toán ngân sách xã, bị cáo Khang đã nghiệm thu toàn bộ số tiền ng dân nộp, nộp toàn bộ vào ngân sách.

Bùi Văn Dũng, nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm, khai nhận, diện tích đất được cấp sai được đứng tên con bị cáo, hiện vẫn chưa sử dụng vào việc gì. Bùi Văn Dũng được xác định đã trực tiếp ký biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10/12/2002. Dũng đã được nhận đất và làm thủ tục để UBND xã hợp thức, lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), UBND huyện đã ra quyết định cấp GCNQSDĐ. Về hành vi ký biên bản trên, bị cáo Dũng cho rằng mình không có nhận thức đầy đủ về việc giao, cấp đất trên. Quá trình bị điều tra, truy tố, được các điều tra viên giải thích, bị cáo mới nhận ra sai phạm của mình.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Bùi Văn Hồng, nguyên Xã đội trưởng, thừa nhận cáo trạng truy tố đúng hành vi bị cáo đã thực hiện. Tuy nhiên, bị cáo cũng khai rằng, bản thân bị cáo chỉ biết mình được giao đất ở khu đó chứ thực tế không biết chính xác là chỗ nào. Bị cáo trả lời vòng vo về việc dù biết không có hội nghị thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10/12/2002 nhưng vẫn ký. Sau khi xảy ra khiếu nại tố cáo, năm 2013, bị cáo làm đơn trả, không mua nữa dù đã được làm “sổ đỏ”. Bị cáo Hồng cho rằng, bị cáo còn hạn chế nhận thức về pháp luật, về quản lý đất đai nên thời điểm đó, được các “anh ấy” quan tâm thì bị cáo cứ nhận, giờ mới biết là sai.


Bị cáo Nguyễn Tiến Triển

Bị cáo Nguyễn Tiến Triển

Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Tiến Triển, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, cho rằng, một số nội dung cáo trạng truy tố chưa đúng.

“Cụ thể, nội dung bị cáo đồng ý với chủ trương chia đất cho cán bộ xã mà không thu tiền là không đúng. Đó là thống nhất bán cho anh em đất thừa, có thu tiền. Nội dung tôi đồng ý chủ trương đấu giá đất, vụ lợi 1,7 tỷ là không đúng. Nội dung tôi hưởng lợi 2 suất không phải nộp tiền sử dụng đất là chưa đúng.” - bị cáo Triển khai.

Theo lời khai của bị cáo Triển, thực hiện kế hoạch giao đất số 868, còn một diện tích đất thừa, “nghĩ đó là “đất ế”, các anh ấy đề xuất, giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, thấy hợp lý nên bị cáo đã đồng ý chủ trương giao đất cho cán bộ.”.

Về “tiêu chuẩn” được cấp đất, bị cáo Triển khai bản thân không có nhu cầu nên đã “nhường” suất đất này cho một người cháu.

“Nếu không phải Bí thư Đảng ủy xã, liệu bị cáo có được xét duyết giao, cấp đất không?” - chủ tọa vặn hỏi.

“Trong văn bản thống nhất bán đất cho cán bộ, bị cáo là cán bộ thì được phân, tôi không có nhu cầu nên nhường cho người cháu. Việc cấp đất như thế nào tôi không nắm rõ, chỉ biết là sau này số đất bán cho cán bộ đều được cấp GCNQSDĐ.” - bị cáo Triển khai nhận.

“Hiểu biết về pháp luật đất đai của tôi còn rất hạn chế. Về các việc đã xảy ra, tôi mong HĐXX xem xét cho tôi, khoan hồng cho chúng tôi, xem xét thời gian chúng tôi cống hiến cho Nhà nước đã để xảy ra sai sót như vậy.” - Nguyễn Tiến Triển chốt lại.

Nhiều người dân đứng bên ngoài phiên tòa
Nhiều người dân đứng bên ngoài phiên tòa

Cán bộ xã “bắt tay” nhau giao đất sai

9h, đại diện Viện KSND huyện Mỹ Đức công bố cáo trạng dài hơn 20 trang truy tố các bị can. 10 bị can nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị can nguyên là cán bộ huyện Mỹ Đức bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng truy tố, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần - nguyên Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Xuân Trường - nguyên cán bộ địa chính xã, cùng Nguyễn Tiến Triển - nguyên Bí thư Đảng ủy xã và một số cán bộ nguyên là chủ chốt của xã vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.

Cáo trạng xác định Nguyễn Văn Sơn cấp, giao đất trái thẩm quyền cho 4 hộ với tổng diện tích hơn 1.090 m2, thu tổng số tiền vụ lợi 28,5 triệu đồng (để ngoài ngân sách xã 15 triệu đồng); cấp, giao đất cho 11 hộ không đúng đối tượng với tổng diện tích 1.285 m2, không thu tiền sử dụng đất; giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân với tổng diện tích 2.638 m2, thu số tiền vụ lợi hơn 1,566 tỷ đồng (để ngoài ngân sách xã 50 triệu đồng).

Sau đó, UBND huyện Mỹ Đức đã có Quyết định số 883 ngày 31/12/2003 thu hồi 6.530 m2 để hợp thức cho các hộ trên.

Bản thân Nguyễn Văn Sơn được hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích 331,3 m2 không phải nộp tiền sử dụng đất.

Viện kiểm sát đọc cáo trạng truy tố tôi danh các bị cáo
Viện kiểm sát đọc cáo trạng truy tố tôi danh các bị cáo

Đối với Lê Đình Thuần, cơ quan tố tụng xác định, năm 2008, Thuần đã trực tiếp ký Biên bản hội nghị thống nhất cấp quyền sử dụng đất giãn dân được hợp thức vào ngày 10/12/2002, trên bản đồ đất thổ cư năm 2003 đứng tên Lê Đình Toàn (em họ Thuần), bản đồ đất thổ cư năm 2009 đứng tên vợ là Nguyễn Thị Thúy với diện tích 100 m2.

Thuần còn bị cáo buộc lập hồ sơ ký xác nhận hợp thức cho 12 hộ dân đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Mặc dù đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp thuê thầu, đất lấn chiếm, đất giao trái thẩm quyền, sai đối tượng vào thời gian năm 2002 - 2003 nhưng Thuần vẫn ký xác nhận hồ sơ có nguồn gốc sử dụng hợp pháp trước ngày 15/10/1993, với tổng diện tích 1.844 m2, đề nghị UBND huyện ra Quyết định cấp GCNQSDĐ trái quy định.

Nguyễn Xuân Trường bị cáo buộc đã cùng Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn cấp, bán đất, giao đất trái thẩm quyền cho 9 hộ với tổng diện tích 1.652,5 m2, thu số tiền vụ lợi 21 triệu đồng; cấp, giao đất cho 11 hộ không đúng đối tượng với tổng diện tích 1.285 m2, không thu tiền sử dụng đất;

Giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân với tổng diện tích 2.638 m2, thu số tiền vụ lợi hơn 1,566 tỷ đồng; hợp thức đất lấn chiếm cho 2 hộ dân với tổng diện tích 552 m2.

Trường cùng với Lê Đình Thuần làm hồ sơ và xác nhận hợp thức nguồn gốc sử dụng đất cho 12 hộ dân từ đất giao trái thẩm quyền, sai đối tượng, đất lấn chiếm thành đất thổ cư, với tổng diện tích 1.844 m2.

Bản thân Nguyễn Xuân Trường được hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích hơn 260 m2, không phải nộp tiền theo quy định.

Nguyễn Tiến Triển với trọng trách là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm đã đồng ý với chủ trương của UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ UBND xã trái quy định với tổng diện tích 1.208 m2, không thu tiền sử dụng đất.

Triển đồng ý chủ trương và kế hoạch của UBND xã trong việc tổ chức cho các hộ dân đấu thầu theo Quyết định số 883 ngày 31/12/2003 của UBND huyện Mỹ Đức, dẫn đến 29 hộ dân trúng thầu (sai đối tượng), thu số tiền vụ lợi cho UBND xã là hơn 1,5 tỷ đồng.

Bản thân Triển được hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích 334 m2, không phải nộp tiền sử dụng đất.

Nguyễn Văn Đức, Bùi Văn Hồng, Bùi Văn Dũng, Nguyễn Văn Minh bị cáo buộc đã biết và đồng ý chủ trương của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho một số cán bộ xã. Năm 2008, Đức, Hồng, Dũng và Minh trực tiếp ký biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10/12/2002.

Đức, Hồng và Dũng đã được nhận đất và làm thủ tục để UBND xã hợp thức, lập hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, UBND huyện đã ra quyết định cấp GCNQSDĐ.

Đối với Minh, tại bản đồ 2003 đứng tên Minh, năm 2009 đứng tên Nguyễn Văn Chuẩn. Chuẩn đã làm thủ tục và được cấp GCNQSDĐ.

Nguyễn Văn Bột được xác định đã cùng Nguyễn Xuân Trường, cán bộ địa chính xã, giao đất trái thẩm quyền cho 2 hộ với tổng diện tích 200 m2 vào năm 2002. Cũng năm này, Bột nhận 77 m2 đất trái phép tại khu vực Rặng Chúc (không thu tiền sử dụng đất).

Mặc dù biết rõ số diện tích đất trên được cấp không đúng đối tượng, năm 2011, Bột vẫn làm thủ tục để UBND xã hợp thức, xác nhận nguồn gốc đất có trước thời điểm ngày 15/10/1993 và lập hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đứng tên Nguyễn Văn Bột. UBND huyện sau đó đã ra quyết định cấp GCNQSDĐ cho Bột.

Đối với Nguyễn Văn Khang, cáo trạng xác định, năm 2008, Khang ký biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10/12/2002 nhưng chưa được nhận đất và chưa làm thủ tục cấp GCNQSDĐ.

Đối với các cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức và Phòng Tài nguyên & môi trường huyện, cơ quan tố tụng xác định, các bị can này đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ.

Trần Trung Tấn, Đinh Văn Dũng và Bạch Văn Đông không tiến hành thẩm tra, thẩm định về nguồn gốc đất, vẫn tiến hành xác nhận hồ sơ đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, không có tranh chấp, khiếu kiện.

Trong đó, Đinh Văn Dũng ký xác nhận 8/12 hồ sơ với tổng diện tích 1.212 m2, gây thiệt hại hơn 650 triệu đồng; Trần Trung Tấn ký xác nhận 9/12 hồ sơ với tổng diện tích 1.182 m2, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng; Bạch Văn Đông ký xác nhận 4/12 hồ sơ với tổng diện tích 625 m2, gây thiệt hại hơn 580 triệu đồng.

Phạm Hữu Sách giữ trọng trách là Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện nhưng không kiểm tra, đôn đốc, không thẩm định lại hồ sơ có đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ hay không nhưng vẫn ký tờ trình để UBND huyện Mỹ Đức ra Quyết định cấp GCNQSDĐ cho 12 hộ với tổng diện tích 1.834 m2 trái quy định, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.


Luật sư đã đề nghị hoãn xử nhưng không được chấp nhận

Luật sư đã đề nghị hoãn xử nhưng không được chấp nhận

HĐXX từ chối đề nghị hoãn xử của luật sư

8h14, Được chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến, luật sư bào chữa cho Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) cho rằng, những người vắng mặt là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Thêm vào đó, việc định giá tài sản, lấy lời khai của những ngươi này chưa được làm rõ, việc vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Luật sư đề nghị triệu tập thêm 3 nhóm nhân chứng: Hội đồng tư vấn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trưởng thôn, Chủ tịch xã - những người ký xác nhận các giấy tờ liên quan đến xác định nguồn gốc - chưa được lấy lời khai; triệu tập hội đồng định giá xác định thiệt hại trong vụ án vì liên quan trực tiếp đến tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của các bị cáo. Từ đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Bạch Văn Đông đề nghị hoãn phiên tòa, đề nghị HĐXX triệu tập đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đáp lại đề nghị hoãn phiên tòa của luật sư, đại diện Viện KSND huyện Mỹ Đức giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, một số người vắng mặt tại tòa đều đã được cơ quan điều tra lấy lời khai. Cho nên, sự vắng mặt này không làm ảnh hưởng đến phiên tòa. HĐXX sẽ công bố lời khai những người này trong quá trình xét xử. Về đề nghị triệu tập 3 nhóm người của luật sư, đại diện Viện KS cho rằng, tài liệu điều tra đã xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng tư vấn đất đai, hội đồng định giá. Nếu các hội đồng này làm sai, những người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sau khi xem xét, hội ý, HĐXX cho rằng: Những người vắng mặt đều đã có lời khai, việc vắng mặt không làm ảnh hưởng đến phiên xử. Về đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập các thành viên hội đồng tư vấn, hội đồng định giá, HĐXX cho rằng, việc định giá được làm đúng quy định của pháp luật. Quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết, tòa sẽ triệu tập thêm những người này. Vì vậy, căn cứ Điều 191 Bộ luật Tố tụng Hình sự, chủ tọa phiên tòa, tuyên bố tiếp tục phiên xử.

Sau đó, HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo.


Toàn cảnh phiên xử

Toàn cảnh phiên xử


Trước đề nghị của luật sư và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Chủ tọa thay mặt HĐXX quyết định cho tiếp tục phiên tòa

Trước đề nghị của luật sư và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Chủ tọa thay mặt HĐXX quyết định cho tiếp tục phiên tòa

8h02, Tòa bắt đầu làm việc. Ông Bùi Đức Việt - chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, giới thiệu thành phần HĐXX và những người tham gia phiên tòa.

Toàn bộ 14 bị cáo có mặt đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa, trong đó một số có đơn xin xét xử vắng mặt, một số vắng mặt không lý do.

Nhóm cán bộ Đồng Tâm đã chia chác đất như thế nào? - 9
Nhóm cán bộ Đồng Tâm đã chia chác đất như thế nào? - 10

Một số bị cáo có mặt sớm tại tòa

Một số bị cáo có mặt sớm tại tòa

Tại phiên xử, có các bị cáo từng là cán bộ xã Đồng Tâm gồm: Nguyễn Văn Sơn (SN 1958), nguyên Chủ tịch UBND xã; Lê Đình Thuần (SN 1956), nguyên Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Xuân Trường (SN 1959), nguyên cán bộ địa chính xã; Nguyễn Tiến Triển (SN 1954), nguyên Bí thư Đảng ủy xã; Nguyễn Văn Bột (SN 1955), nguyên Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Văn Đức (SN 1965), nguyên Chủ tịch UBND xã; Bùi Văn Dũng (SN 1958), nguyên Trưởng ban Tài chính xã; Bùi Văn Hồng (SN 1958), nguyên Xã đội trưởng; Nguyễn Văn Minh (SN 1960), nguyên Trưởng Công an xã; Nguyễn Văn Khang (SN 1965), nguyên kế toán ngân sách xã.

Các cựu cán bộ huyện Mỹ Đức bị đưa ra xét xử gồm: Phạm Hữu Sách (SN 1965), nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện; Đinh Văn Dũng (SN 1959), nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện; Bạch Văn Đông (SN 1974), nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện; Trần Trung Tấn (SN 1975), cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức.

Dân trí tiếp tục cập nhật...

Tiến Nguyên - Trọng Trinh