Nên bỏ hẳn việc xét xử lưu động
Các chuyên gia ủng hộ kiến nghị bỏ chỉ tiêu xét xử lưu động, thậm chí tiến tới bỏ hẳn xử lưu động vì lợi bất cập hại.
Ngày 6-11, tại phiên họp Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, trong điều kiện khoa học công nghệ và truyền thông phát triển như hiện nay, cùng với nhiều nguyên tắc tiến bộ được ghi nhận trong hiến pháp và luật hiện hành thì việc xử lưu động không còn phù hợp.
Tự tử vì xấu hổ trước phiên xử lưu động
Ngày 20-12-2013, TAND huyện Phú Ninh, Quảng Nam ra quyết định sẽ xét xử lưu động vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thanh Kỳ. Trước đó, bị cáo này đã tích cực khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo và đã được cơ quan tố tụng cho tại ngoại chờ ngày xét xử.
Một ngày trước phiên xử lưu động, UBND xã nơi Kỳ cư trú và sẽ diễn ra việc xét xử đã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về việc xét xử để bà con đến xem. Do xấu hổ, rồi áp lực từ gia đình, người thân, ngay đêm đó Kỳ đã uống thuốc độc tự tử. Hậu quả là Kỳ đã tử vong ngay trước phiên xử lưu động mà tòa án dự kiến.
Theo các chuyên gia, không phủ nhận tác dụng của việc xét xử lưu động là tuyên truyền và giáo dục pháp luật bởi thu hút nhiều người dân tham dự. Có điều mặt trái của nó là gây tâm lý hoang mang, lo lắng, xấu hổ cho bị cáo, có khả năng khó hòa nhập cộng đồng hơn sau khi phải chấp hành án.
Một thẩm phán đang công tác kể rằng từng có rất nhiều người sau khi nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử lưu động đã làm đơn tha thiết xin được xử tại phòng xử của tòa án. Họ lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự của người thân, sợ gia đình họ bị chòm xóm dị nghị, đồn đoán. Do đó đề xuất của chánh án TAND Tối cao là hợp lý.
Chuyên gia cho rằng lợi ích từ những phiên xử lưu động ít hơn hệ quả của nó. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Nên bỏ hẳn
Theo ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), không chỉ đề xuất bỏ chỉ tiêu xét xử lưu động mà cần hạn chế thấp nhất rồi tiến tới bỏ hẳn việc này. Ưu điểm về hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục, răn đe phòng ngừa thì đã rõ nhưng để lại nhiều hệ quả.
Mỗi năm trung bình ngành tòa án tổ chức xét xử khoảng 3.000 vụ án lưu động. Hầu hết vụ án được đưa ra xét xử lưu động là các vụ án về các tội ma túy, mại dâm, giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản. Việc xét xử lưu động là một tiêu chí chấm điểm thi đua và là một nhiệm vụ được lãnh đạo TAND Tối cao quan tâm phân bổ kinh phí. Có một số nơi vì chỉ tiêu mà đã đưa các vụ có người chưa thành niên ra xét xử lưu động. Điều này là không đúng chính sách xử lý với người chưa thành niên phạm tội.
Về chuyên môn, xét xử tại trụ sở sẽ giúp HĐXX tâm lý thoải mái, bình tĩnh, đưa ra phán quyết chính xác hơn. Trong khi xử lưu động không có lợi cho việc xét hỏi điều tra công khai tại tòa. Giả sử xuất hiện chứng cứ mới mà trong quá trình nghiên cứu hồ sơ HĐXX không phát hiện, nếu cứ tuyên án thì sẽ bị hủy sửa, còn hoãn xử thì tốn kém. “Nó không chỉ gây áp lực đối với những người tiến hành tố tụng mà còn với bị cáo, gia đình bị cáo và cả bị hại trong những vụ án về xâm hại nhân thân, sức khỏe” - ông Sáu nói.
Đừng triển lãm tội phạm!
“Bỏ việc xét xử lưu động cũng là cách đảm bảo công bằng trong việc xét xử. Không thể người này thực hiện hành vi phạm tội thì xử tại trụ sở tòa án, người khác lại mang ra hài danh hài tánh trước bàn dân thiên hạ mà hậu quả pháp lý nhận được nặng nề hơn” - thẩm phán Nguyễn Xuân Khê (TAND quận 9, TP.HCM) nói.
Theo thẩm phán Khê, nói hiệu quả phòng ngừa tội phạm thì xử lưu động cũng chưa xác định được. Ông ví dụ hành vi vụ cố ý gây thương tích xuất phát từ xem phim kiếm hiệp thì phần xét hỏi tại phiên tòa lưu động còn sinh động hơn phim. Bị cáo là người thật, việc thật kể lại sự việc, người dự là thanh thiếu niên sẽ dễ bắt chước. Đó là chưa kể các chiêu lừa đảo, trộm cắp mà bị cáo khai ra sẽ được nhân rộng. Trong khi đến nay TAND Tối cao chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần xét xử lưu động.
Luật sư Nguyễn Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng về pháp lý, luật không có quy định nào về việc xét xử lưu động. BLTTHS chỉ quy định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ nội dung địa điểm mở phiên tòa. Nhà làm luật có lẽ mặc định nơi xét xử phải là nơi có tính chất trang nghiêm, thể hiện quyền lực nhà nước, đó là trụ sở tòa án.
Ngoài ra, việc xử lưu động không còn phù hợp với thực tiễn nhận thức và giáo dục pháp luật hiện nay. Nhiều phiên tòa lưu động được mở ra nhưng tỉ lệ tội phạm của các tội được đưa ra xét xử lưu động vẫn tăng. Thậm chí nó còn như những đoạn quảng cáo hành vi phạm tội mà không kiểm soát được người xem, nhất là khi có sự hiện diện của trẻ em trong những phiên xử tội hiếp dâm, giết người… “Xét cho cùng, chỉ có xét xử khách quan, công bằng, đúng pháp luật mới giúp cho việc giáo dục pháp luật đạt hiệu quả” - luật sư Trí nhấn mạnh.
Có nhiều cách giáo dục pháp luật
Không nên quy định chỉ tiêu, mà nếu có thì nên có những quy định mang tính chất định tính đối với những vụ án cần xét xử lưu động. Tuy vậy, có lẽ thẩm quyền quyết định nên giao cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc chánh án.
Bởi lẽ việc xét xử lưu động dù có một số điểm lợi trong tuyên truyền pháp luật nhưng những bất cập và tác động tiêu cực của nó nhiều hơn. Đây là xét xử ngoài tòa, diễn ra trước mắt công chúng. Nên những tác động tích cực cần phải xem xét trong tương quan với những tác động tiêu cực đến bị cáo và người thân, gia đình của bị cáo.
Theo tôi, nên hạn chế và có tiêu chí chặt chẽ cho việc xử lưu động. Bởi trước, trong và cả sau khi xét xử lưu động sơ thẩm, bị cáo chưa được xem là có tội. Việc xử lưu động có thể có ngụ ý rằng bị cáo đã có tội nên cần đưa ra để mọi người chứng kiến, rút kinh nghiệm và được giáo dục. Cho nên nếu đề ra chỉ tiêu mà quên đi những tiêu chí định tính thì có thể không lường trước được những tác động tiêu cực.
Thậm chí có thể bỏ hẳn việc xét xử lưu động vì tuyên truyền, giáo dục pháp luật có nhiều cách, không nhất thiết là phải có phiên tòa lưu động. Điều quan trọng hơn là có cơ sở pháp lý để bỏ. Thứ nhất, pháp luật quy định bị cáo được xét xử tại tòa án. Thứ hai là nguyên tắc suy đoán vô tội vì phiên tòa lưu động thường là xử sơ thẩm, nếu sau đó cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm tuyên bị cáo vô tội thì sao?
ĐBQH - luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
CHÂN LUẬN ghi
Theo Minh Loan
Pháp luật TP Hồ Chí Minh