Không đủ chứng cứ buộc tội, tử tù Hàn Đức Long có thể được trả tự do
(Dân trí) - Theo điều tra và nguồn tin riêng của phóng viên, vì không có chứng cứ vật chất buộc tội, tất cả các buộc tội trước đây đều chỉ dựa duy nhất vào lời khai, lời “thú tội” của Hàn Đức Long là không đủ căn cứ và không khách quan.
Vì vậy, đến 29/10/2016 tới (thời hạn kết thúc điều tra), nếu cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bắc Giang không tìm được chứng cứ mới, thì khả năng sẽ phải đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Long.
Nội dung vụ án
Chúng tôi xin lược nội dung chính của vụ án như sau:
Khoảng 19h ngày 16/5/2005, đi làm về, gia đình anh Sơn, chị Liễu (trú thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) thấy con mình là cháu Nguyễn Thị Yến (SN 2000) bị mất tích. Sáng hôm sau, xác cháu được tìm thấy ở ngoài đồng có nhiều dấu hiệu bị hiếp dâm. Sau 4 tháng điều tra, cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, sau đó, trong vòng một tuần, lần lượt có đơn của bà Khuyến (75 tuổi) và con gái bà Khuyến là chị Năm (46 tuổi) tố giác người hàng xóm là ông Hàn Đức Long hiếp dâm. Dù đây chỉ là đơn tố giác không chứng cứ, không một người làm chứng, song ông Long vẫn bị CA huyện áp giải lên công an huyện và tạm giữ luôn. Và chỉ ngày hôm sau, ông Long đã phải nhận tội hiếp dâm cả 2 mẹ con bà Khuyến?! Sau 9 ngày tiếp, ông Long phải tiếp tục nhận tội hiếp, giết cháu Yến!!
Tại phiên toà sơ thẩm lần đầu, ông Long luôn kêu oan vì cho rằng, bị ép cung, nhục hình nên phải nhận tội. Sau đó, tòa dù không buộc tội Long hiếp dâm hai mẹ con bà Khuyến, nhưng HĐXX vẫn tuyên án Long phạm tội với cháu Yến về tội “hiếp dâm trẻ em”, “giết người” với mức án tử hình.
Điều đáng chú ý là, phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án. Phiên tòa Giám đốc sau đó đã tuyên hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung. Tuy nhiên, dù các yêu cầu của giám đốc thẩm đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ, nhưng 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm năm 2011 vẫn tiếp tục khẳng định Hàn Đức Long phạm hai tội trên và vẫn đưa ra mức án tử hình.
6 bản án, 7 lần điều tra bổ sung vẫn không đủ chứng cứ buộc tội Long
Đây là một trong những vụ án hình sự kéo dài trong lịch sử tố tụng của chúng ta. Trong 11 năm, vụ án này đã trải qua 2 lần án sơ thẩm (TAND tỉnh Bắc Giang xét xử), 2 phiên tòa phúc thẩm (Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội) đều tuyên ông Hàn Đức Long án tử hình vì hai tội danh “hiếp dâm trẻ em” và tội “giết người”. Tuy nhiên, cả 4 lần xét xử trên đã bị 2 quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy để điều tra lại theo thủ tục chung.
Vì vậy, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã phải điều tra bổ sung tới lần thứ 7. Tuy nhiên mới đây, kết luận điều tra bổ sung của cơ quan CSĐT ngày 4.4.2016 đã bị VKSND tỉnh Bắc Giang đã trả lại. Nhưng tới những ngày gần đây, Công an tỉnh Bắc Giang vẫn không tìm ra chứng cứ mới. Bởi vậy, cuộc họp giữa các cơ quan tố tụng gần đây cho thấy, nhiều khả năng tìm thêm chứng cứ mới trước thời hạn điều tra kết thúc ngày 29/6 này là khó xảy ra. Mà theo Bộ Luật tố tụng hình sự, không đủ chứng cứ để buộc tội thì buộc phải đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Hàn Đức Long.
Vậy đâu là lý do, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng lại phải trải qua nhiều lần điều tra đi điều tra lại mà vẫn không thể tìm ra chứng cứ nhưng vẫn buộc tội với Hàn Đức Long?
Điều rất đáng trân trọng là, trước những đơn kêu oan của vợ ông Long, một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét toàn diện, tránh án oan. Và các cơ quan chức năng ở Trung ương rất thận trọng, xem xét kỹ mọi lời kêu oan của tử tù Hàn Đức Long và luật sư bào chữa miễn phí cho ông. Mà một trong những người bào chữa miễn phí cho ông Long là luật sư Phạm Văn Cương, Đoàn luật sư Hà Nội (ông nguyên là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa). Nhờ vậy, những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của một số cơ quan tham gia tố tụng đã bị phát hiện.
Những dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Thứ nhất, với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng trong tất cả các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định, tang chứng vật chứng đều không liên quan đến Hàn Đức Long. 11 năm đã trôi qua, nhưng không có một chứng cứ vật chất nào buộc tội Hàn Đức Long, không có bất cứ một nhân chứng nào thấy Long có mặt ở hiện trường trong quá trình diễn biến vụ án dẫn đến cái chết của cháu Yến.
Ngay cả 3 lông của bộ phận sinh dục, máu và tinh dịch phát hiện ở hiện trường cũng không liên quan đến Long.
Thứ hai, có nhiều nhân chứng quan trọng, nếu điều tra khách quan sẽ dễ dàng xác định thời gian mất tích của cháu Yến hoặc thời gian ngoại phạm của Long, nhưng không được điều tra làm rõ. Điều này cho thấy cơ quan CSĐT đã thiếu khách quan, chỉ nhăm nhăm tìm chứng cứ buộc tội mà không xác minh những chứng cứ gỡ tội cho Long.
Thứ ba, vụ án đã được tạm đình chỉ điều tra, bởi sau 4 tháng điều tra không phát hiện ra thủ phạm. Nhưng sau đó, chỉ từ đơn của bà Khuyến (70 tuổi) và con gái bà cùng tố cáo Long có hành vi hiếp dâm, dù không có ai làm chứng (trước đó 1 tháng, ông Long đánh con trai bà Khuyến), nhưng Long vẫn bị Công an huyện Tân Yên áp giải lên công an huyện và tạm giữ luôn. Đây là việc làm không bình thường, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật TTHS. Đặc biệt, chỉ sau một ngày bị tạm giữ, Long đã phải “đầu thú” nhận tội hiếp dâm 2 mẹ con bà Khuyến (!?). Và mười ngày sau đó, Long lại “đầu thú” tiếp tội hiếp dâm và giết cháu Yến!!
Điều bất thường này được thể hiện rõ khi Hội đồng xét xử đã phải tuyên Long không phạm tội hiếp dâm hai mẹ con bà Khuyến. Như vậy, việc tạm giữ Long khi có đơn tố cáo chỉ là cái cớ để ép Long phạm tội tày đình: hiếp và giết bé Yến.
Mặt khác, cái mà cơ quan CSĐT cho rằng Long “đầu thú” là hoàn toàn không đúng, bởi Long khi đó đang bị tạm giữ ở cơ quan điều tra thì không thể gọi là đầu thú.
Thứ tư, việc thực nghiệm của cơ quan điều tra không khách quan, từ hành vi Long bế cháu Yến chạy ra ngoài đồng để hiếp dâm, rồi vứt xác cháu cho đến thời gian xay xát gạo chỉ để chứng minh Long có đủ thời gian thực hiện tội phạm. Nhưng những lời khai của các nhân chứng lại cho thấy không hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các cơ quan tố tụng lại không quan tâm đến những tình tiết này.
Thứ năm, bản án sơ thẩm nêu: “Long vừa bế cháu Yến chạy, vừa dùng tay xoa âm hộ để kích dục, chạy thêm được 150m, Long đặt cháu Yến ngồi ở bờ mương, lúc này cháu Yến đã bất tỉnh...”. Hành động nào của Long đã làm cháu Yến bất tỉnh lại không được bất cứ cơ quan tố tụng nào làm rõ. Dù rằng, Long chỉ vừa bế cháu chạy, vừa “dùng tay xoa âm hộ” (?!). Đây là điều hoàn toàn không logic.
Mặt khác, chính điều này chỉ ra mâu thuẫn ngay trong các kết luận điều tra, cáo trạng: Một con người có thể trạng ốm yếu như Long lại có thể vừa bế cháu Yến, vừa chạy maraton mà vẫn còn sức và hưng phấn để kích dục được hay không? Lạ lùng hơn nữa là sau khi hãm hiếp cháu Yến, “vì đã xuất tinh, hết cảm hứng nên Long bế cháu Yến đi ngược bờ mương, vừa đi vừa cắn vào môi cháu Yến”. Không còn gì gượng ép hơn nhưng nó vẫn được đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng chỉ duy nhất phục vụ mục đích: Lời khai phù hợp với những dấu vết trên người nạn nhân.
Thứ sáu, nghiêm trọng hơn, cơ quan điều tra đã tự ý bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án tới 49 bút lục. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật TTHS.
Thứ bảy, về nguyên tắc, mỗi lần lấy cung phải có một quyết định trích xuất ra khỏi buồng giam để vào phòng hỏi cung. Tuy nhiên, qua hồ sơ cho thấy, số lần trích xuất ít hơn số bản cung. Vậy điều này đặt ra: Phải chăng các điều tra viên đã vào buồng giam để lấy cung và một số khả năng khác? Nhưng bất cứ khả năng nào thì cũng đều vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật TTHS.
Theo luật sư Phạm Văn Cương- người bào chữa miễn phí cho ông Long, cũng như một số vị có thẩm quyền, vì không đủ chứng cứ vật chất buộc tội, tất cả các cáo buộc trước đây đều chỉ dựa duy nhất vào lời khai, lời “thú tội” của bị cáo là không đủ căn cứ và không khách quan. Vì vậy, đến 29.10.2016 này (thời hạn kết thúc điều tra), nếu cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bắc Giang không tìm được chứng cứ mới, thì khả năng sẽ phải đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Long.
Vương Hà