Hỗn chiến kinh hoàng sau va chạm giao thông, 1 người chết
(Dân trí) - Tới ngã 3, 2 xe máy suýt va vào nhau. Chuyện chỉ có vậy nhưng 2 thanh niên điều khiển xe cãi nhau dữ dội rồi lao vào đánh nhau, kéo theo nhiều người đánh phụ và hậu quả là 1 người tử vong.
Đánh nhau hỗn loạn dù chưa va quẹt xe
Ngày 31/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1984, ngụ quận Bình Tân) về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, bị cáo Nguyễn Hoàng Sĩ (sinh năm 1984, quê Vĩnh Long) và Lê Xuân Phương (sinh năm 1990, quê Bình Dương) về tội gây rối trật tự công cộng.
Theo cáo trạng, vào khoảng 22h ngày 23/1, Trung, Sĩ, Phương, Nhứt và nhóm bạn đi chơi về. Khi điều khiển xe máy đến ngã 3 góc đường số 8 – đường 11A (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM) thì xe của Nhứt suýt va chạm với xe của anh Ngô Hoài H. nên 2 bên cãi nhau. Sau đó, H. lao vào định đánh nhau với Nhứt. Thấy vậy, Trung, Sĩ và Phương xuống xe đánh H.
Do chỉ có một mình, H. chạy vào nhà dân gần đó cầm 2 vỏ chai bia làm hung khí, quay lại đâm đứt 1 ngón tay của Phương. Trung dùng nón bảo hiểm đánh H. làm rơi vỏ chai bia nên H. bỏ chạy.
Nhóm của Trung lên xe định chạy đi nhưng H. cầm dao tự chế quay lại chém Trung. Lúc này Trung lấy khúc tre có sẵn bên lề đường chống đỡ nhưng vẫn bị H. chém nhiều nhát vào người. Sau đó, H. bị trượt chân té ngã, Trung lao đến giật được con dao và chém H.
Sau đó, H. được anh trai đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong vào 23h30 cùng ngày.
Cha bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo
Tại tòa, Trung khai giữa Trung và H. không xảy ra mâu thuẫn gì nhưng do thấy H. đánh Hoàng và Nhứt nên mới đánh H.
Hai bị cáo khác là Phương và Sĩ thừa nhận có tham gia đánh H. Trả lời câu hỏi có thấy Trung chém H. hay không? Phương và Sĩ đều nói không thấy vì lúc đó trời tối quá.
Cha của Trung khi được trình bày tại tòa đã nói ông vì thương con nên đã xuống tận nhà nạn nhân xin được bồi thường. Cha nạn nhân H. cũng xác nhận điều này và đã làm đơn xin bãi nại cho Trung.
Ông Ngô Văn Tót, cha nạn nhân H. cho biết, ông có 4 người con, H. là con trai thứ 3 của ông. Vì nhà nghèo nên H. không được học hành nhiều, chỉ học nghề rồi đi làm.
Năm 22 tuổi, H. rời quê lên TPHCM làm nghề thợ hàn xì. Tiền kiếm được H. giữ lại một phần để trang trải, còn lại gửi về cho cha để cha lo cuộc sống và nuôi em của H.
“Trước khi bị giết, H. là lao động chính trong gia đình. H. mất, một mình tôi phải lo toan cuộc sống”, ông Tót nói.
Cũng theo ông Tót, ông rất đau khổ khi con bị đánh đến chết. Vợ mất cách đây đã hơn chục năm, một mình ông nuôi các con khôn lớn. Ông giận kẻ đã giết con mình, nhưng có giận bao nhiêu con trai ông cũng không thể sống lại, nên ông xin HĐXX giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Lời nói sau cùng, các bị cáo gửi lời xin lỗi bị hại, tỏ thái độ ăn năn và mong pháp luật khoan hồng, tuyên phạt mức án nhẹ để sớm được ra tù, làm lại cuộc đời.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, tuy nhiên trong vụ án này bị hại là người có lỗi chính. Vì vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trung mức án 7 tháng 7 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; phạt bị cáo Sĩ và Phương cùng mức án 6 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.
Xuân Duy