Đối mặt với trộm đột nhập: Đánh “phủ đầu” là cần thiết?
(Dân trí) - Từ vụ chủ nhà chém trọng thương trộm bị truy tố tội “Giết người”, dư luận băn khoăn, khi đối mặt với kẻ trộm, người dân nên ứng phó ra sao, phòng vệ thế nào là chính đáng? Trung tá Đào Trung Hiếu ủng hộ việc người dân chủ động tấn công kẻ đột nhập trước khi chúng ra tay.
Người dân có “quyền phòng vệ chính đáng”!
Những năm qua, hàng loạt vụ kẻ gian đột nhập, sát thương chủ nhà đã xảy ra, điển hình như vụ Lê Văn Luyện (trộm sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang), Nguyễn Văn Kỳ (trộm đâm chết 2 người ở Thạch Thất, Hà Nội) hay Nguyễn Hải Dương (thảm án Bình Phước)…
Trung tá - Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) - nguyên Điều tra viên Đội Điều tra trọng án (Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội) - cho biết, trong các vụ trộm đột nhập, nguy cơ chuyển hóa tội phạm từ hành vi “trộm” sang hành vi “cướp” là rất cao. Chỉ cần chủ nhà không biết cách ứng xử, “kích hoạt” nỗi sợ bị bắt trong tâm lý tội phạm, kẻ gian sẵn sàng dùng hung khí mang theo để tấn công chủ nhà.
“Như vụ Nguyễn Văn Kỳ, tại tòa, Kỳ khai rằng, khi bị phát hiện, Kỳ bị những người trong gia đình chủ nhà giằng lại 3 lần khi cố trèo thoát ra ngoài qua bức tường cao khoảng 3m. Bị đánh đau, trong lúc hoảng loạn, Kỳ đã cầm dao, nhắm mắt đâm bừa, gây ra cái chết của 2 người.” - Trung tá Hiếu dẫn chứng để thấy rằng, kẻ gian luôn sẵn sàng làm mọi cách để ngăn ngừa, triệt tiêu khả năng bất lợi cho mình xảy ra.
Vấn đề đặt ra là: Người dân nên làm gì trong tình huống phải đối mặt với trộm đột nhập?
Trung tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo, giải pháp khôn ngoan nhất là tránh đối đầu với chúng vì ưu tiên số 1 là sự an toàn về tính mạng của bản thân và gia đình.
“Hãy tìm một căn phòng có cửa chắc chắn, đưa cả nhà vào đó, đóng chặt cửa, bật điện và gọi điện báo công an hoặc người thân, hàng xóm. Kẻ gian sẽ sợ hãi mà bỏ đi theo lối chúng đã vào. Đừng làm gì để “kích hoạt” nỗi sợ bị bắt bên trong tâm lý của chúng.” - Trung tá Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, theo Trung tá Hiếu, trên thực tế, dù cố tránh nhưng chủ nhà vẫn có thể phải đối mặt với tội phạm. Đó có thể là trường hợp kẻ gian chủ động khống chế người trong nhà hoặc vô tình người trong nhà phát hiện có trộm và la hét.
“Khi đó, nguồn nguy hiểm đã kề cận. Hãy nhớ, nếu tương quan lực lượng kém hơn chúng thì đừng chống trả, hãy tìm cách thoát thân. Khi cực chẳng đã phải đối mặt thì hãy nhớ là pháp luật dành cho mình quyền phòng vệ chính đáng.” - Trung tá Hiếu tư vấn.
Theo Trung tá Hiếu, khi quyết định đối mặt với tội phạm, hãy nhớ rằng tên trộm nào cũng biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật và chúng luôn chứa đựng trong đáy sâu tâm lý nỗi sợ bị bắt giữ, đi tù. Bản năng tự vệ của động vật khiến chúng sẵn sàng làm mọi việc, kể cả giết chủ nhà để ngăn ngừa nguy cơ bị bắt xảy ra.
“Hãy cảnh giác cao độ vì hầu như bất kỳ kẻ đột nhập nào cũng đều thủ sẵn trong người các loại hung khí nguy hiểm như phóng lợn, dao nhọn, lê AK, súng bắn điện, xịt hơi cay... Chúng sẽ không ngần ngại sử dụng hung khí với chủ nhà nếu thấy có mối nguy hiểm đe dọa mình.
Khi đó, chủ nhà cần sử dụng những vật dụng có được, có thể chủ động tấn công trước một cách quyết liệt nhất, nhưng nhớ rằng việc chống trả là nhằm vô hiệu hóa đối tượng, bảo vệ sự an toàn cho mình và gia đình hoặc tìm cơ hội chạy thoát thân, chứ không phải nhằm giết hại đối tượng.
Tính chính đáng của hành vi phòng vệ là ở điểm này. Nếu đánh kẻ gian vì giận dữ hay để thỏa mãn ác tính thì hành vi có thể vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phải gánh chịu hậu quả pháp lý.” - Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
“Tôi ủng hộ đánh phủ đầu!”
Trước dư luận nhiều chiều xung quanh vụ chủ nhà chém trộm vướng vào vòng lao lý, đặc biệt lại bị truy tố về tội “Giết người”, Trung tá Hiếu vẫn thẳng thắn cho biết, ông ủng hộ việc người dân thực hiện quyền phòng vệ bằng cách chủ động tấn công kẻ đột nhập trước khi chúng ra tay, trong những tình huống không thể không phòng vệ.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ người dân đánh phủ đầu tội phạm trong mọi trường hợp phát hiện trộm đột nhập, đặc biệt là vào ban đêm. Có người nói chỉ được phép đánh lại khi tên trộm đã ra tay tấn công gia chủ, tôi thấy như thế là chưa hiểu đúng tinh thần của Điều 15 Bộ luật Hình sự quy định về quyền phòng vệ chính đáng.
Bản thân hành vi đột nhập chỗ ở đã thoả mãn dấu hiệu “xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp”, mức độ nguy hiểm là đáng kể, vì thực tiễn chuyện chuyển hóa tội phạm, “đầu trộm - đuôi cướp” đã quá nhiều, khi mà chủ nhà phản ứng thiếu khôn ngoan trước hành vi trộm cắp của đối tượng.” - Trung tá Hiếu nêu quan điểm.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, quyền phòng vệ của người dân đã phát sinh ngay từ thời điểm kẻ trộm đặt chân vào trong nhà, cho phép chủ nhà được quyền chống trả một cách cần thiết để bảo vệ mình.
“Ra tay trước không chỉ được phép mà còn là cần thiết để vô hiệu hóa từ trước hành vi tấn công của trộm, ngăn chặn hậu quả trước khi nó xảy ra.
Trong võ thuật có câu “Tiên hạ thủ vi cường”, nghĩa là đánh trước để giành quyền chủ động. Việc này trong thực tế ứng phó với trộm đột nhập là nhằm thoát thân hoặc bắt giữ đối tượng giao cho công an, chứ đợi khi trộm ra tay thì tôi e mọi sự đã quá muộn.” - Trung tá Hiếu nhìn nhận.
Phân tích dưới góc độ khoa học pháp lý hình sự, Trung tá Hiếu cho hay, việc đánh phủ đầu không phải là “phòng vệ sớm” vì hành vi nguy hiểm xâm phạm lợi ích chính đáng của chủ nhà đã xảy ra kể từ thời điểm tên trộm đột nhập vào nhà. Đánh phủ đầu cũng không phải “phòng vệ tưởng tượng” vì nguy cơ án mạng xảy ra đã hiện hữu, có thể nhìn thấy trước.
“Tôi đặc biệt lưu ý mọi người rằng, việc “phòng vệ muộn” lại có thể dẫn chủ nhà đến những rủi ro pháp lý. “Phòng vệ muộn” là việc chủ nhà sau khi đã vô hiệu hóa hoặc bắt được đối tượng mà vẫn tiếp tục đánh đập cho “bõ tức”, dẫn đến hậu quả làm chúng chết hoặc thương tích nặng. Trong trường hợp đó, chủ nhà sẽ bị xử lý về các tội danh tương ứng.
Để chắc chắn việc phòng vệ không khiến bản thân vướng vào lao lý, mọi người hãy nhớ một điều rằng, mọi hành động chống trả lại kẻ gian là nhằm bảo vệ sự an nguy của bản thân và gia đình, hãy dừng lại ở mức độ đủ để vô hiệu hóa nguồn nguy hiểm hoặc hành vi tấn công đang thực tế diễn ra của tội phạm.” - Trung tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, “phòng vệ sớm” và “phòng vệ tưởng tượng” có điểm giống và khác nhau. Giống ở chỗ đều là hành vi chống trả (tấn công lại) người mà mình cho là sẽ có hành vi xâm phạm lợi ích của mình. Trên thực tế, hành vi xâm phạm lợi ích của mình chưa xảy ra. Việc chống trả được thực hiện trên cơ sở suy đoán không chính xác.
Khác ở chỗ, “phòng vệ sớm” là thực hiện hành vi chống trả vì có những căn cứ cho rằng mình sẽ bị tấn công, xâm phạm lợi ích nên chủ động ra tay trước để bảo vệ mình. Còn “phòng vệ tưởng tượng” là suy đoán thiếu căn cứ, cho rằng sẽ bị xâm hại nhưng trên thực tế đó là sự nhầm lẫn.
Trung tá Hiếu nêu ví dụ: A ngày nào cũng chặn đường đánh B. Hôm đó, B vừa thấy A đi đến liền đánh A. Đó là phòng vệ sớm. Một người dân chạy đến xem, B cho rằng đó là người của A đến đánh mình, dùng dao đâm trọng thương người đó - đó là phòng vệ tưởng tượng.
Tiến Nguyên