Thấp thỏm tăng giá xe bán tải vì thuế
(Dân trí) - Tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ôtô mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu lại mức thuế suất áp dụng đối với ôtô bán tải, dòng xe đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, phí để báo cáo Chính phủ và Quốc hội có hướng điều chỉnh.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế xe nhập khẩu, xuất xứ xe nhằm chống gian lận thương mại và nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Thời của xe bán tải
Phân khúc xe bán tải tại Việt Nam toàn bộ là loại cabin kép (double cab) và được nhập khẩu toàn bộ từ Thái Lan, ngoại trừ mẫu Pronto Premio (thương hiệu Hàn Quốc) được lắp ráp trong nước. Hiện dòng xe này được thị trường Việt Nam rất quan tâm bởi tính đa dụng khi vừa có thể là phương tiện đi lại vừa được sử dụng chuyển chở hàng hóa như các xe tải.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), trong năm 2016 doanh số bán hàng của phân khúc bán tải ở thị trường Việt Nam là 23.099 xe bán tải được bán ra thị trường, chiếm hơn 7,5% thị phần, vượt xa năm 2015, khi con số này chỉ đạt 16.741 chiếc.
Không chỉ tại Việt Nam, các dòng xe bán tải khá được ưa chuộng trong khu vực vì khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau
Phân khúc xe bán tải tại Việt Nam được coi là bắt đầu nở rộ vào năm 2010 khi Ford đưa về mẫu xe toàn cầu (One Ford) đầu tiên của mình là Ranger, với nhiều tính năng điện tử hỗ trợ vốn chỉ xuất hiện trên các dòng xe du lịch cao cấp, đã được thị trường đón nhận khá tốt, mở ra một cuộc cạnh tranh khá gay gắt ở phân khúc mới này. Với thành công mang tính mở đường này, nhiều hãng xe khác cũng bắt đầu gia nhập cuộc chơi, mới nhưng đầy tính cạnh tranh này; năm 2010 Nissan ra mắt Navara, năm 2012 Mazda đưa về BT-50, năm 2014 GM Việt Nam mang Chevrolet Colorado ra mắt, Mitsubishi liên tục bổ sung các phiên bản khác nhau của Triton...
Và cho tới thời điểm này, phân khúc xe bán tải tại Việt Nam đã có hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới, bao gồm 8 thương hiệu (Chevrolet, Ford, Isuzu, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Toyota, Premio...) với hơn 30 phiên bản khác nhau.
Sự hấp dẫn vì chi phí sở hữu
Sở dĩ Chính phủ ra yêu cầu xem xét lại các chính sách thuế (nhập khẩu, TTĐB...) là bởi dòng xe này hiện đang được nhiều người người dân lựa chọn sử dụng như xe du lịch (di chuyển hàng ngày do không bị cấm vào đô thị) nhưng lại có các mức thuế/phí áp dụng thấp hơn nhiều so với dòng xe du lịch.
Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe bán tải và xe du lịch đều có mức thu chung là 15% trước 1/7/2016 và nay đã có điều chỉnh tăng (từ 1/7/2016) với mức 20% đối với dung tích động cơ từ 2.500cc - 3.000cc và 25% đối với dung tích động cơ trên 3.000cc.
Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại có sự khác biệt lớn giữa dòng xe du lịch và xe bán tải không chỉ trong các năm trước, mà cả ở thời điểm hiện tại. Theo Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN, thuế nhập khẩu các dòng xe bán tải trong khu vực ASEAN vào Việt Nam (chủ yếu từ Thái Lan) chỉ là 5% so với mức 30% đối với các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ( 40% vào năm 2016) nếu đáp ứng đủ yêu cầu nội địa hóa ở nước sở tại.
Đặc biệt, đối với mức lệ phí trước bạ, xe bán tải tại Việt Nam chỉ phải chịu mức thu 2%; trong khi với các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ xe là 10-15% (tùy quyết định của Hội đồng Nhân dân từng địa phương; ví dụ Hà Nội là 12%, Tp. Hồ Chí Minh là 10%)....
Sẽ tăng thuế hay phí?
Động thái mới của Chính Phủ khi xem xét lại các chính sách thuế/phí liên quan đến dòng xe bán tải được đánh giá sẽ khiến các hãng tham gia phân khúc này lo lắng cho kế hoạch kinh doanh của họ bị ảnh hưởng, không chỉ đến từ việc bán hàng mà còn là cả ở việc xây dựng chiến lược sản phẩm, đặt hàng...
Với công nghệ hỗ trợ và các trang thiết bị hiện đại thường chỉ có trên các mẫu xe du lịch cao cấp và đắt tiền, kèm với đó là chi phí sở hữu thấp, trở ngại đến từ niên hạn sử dụng (25 năm đối với xe tải) đã được "bỏ qua" khi người tiêu dùng lựa chọn xe bán tải ngày càng nhiều.
Hiện tại, một số loại thuế đánh lên dòng xe này đã được coi là tạm ổn định, như thuế nhập khẩu (theo lộ trình WTO và AFTA), thuế TTĐB mới vừa có hiệu lực từ 1/7/2016 nên sẽ không có thay đổi mới. Trong khi đó, thuế Giá trị Gia tăng, nếu muốn điều chỉnh sẽ phải mất nhiều thời gian chuẩn bị và nhất là được sự thông qua của Quốc hội. Chính vì vậy, sự khác biệt về mức phí trước bạ giữa dòng xe bán tải và các dòng xe du lịch sẽ nằm trong "tầm ngắm" của đợt điều chỉnh lần này do việc chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định.
Đồng tình với việc này, đại diện tập đoàn ôtô Trường Hải, đơn vị hiện kinh doanh nhiều dòng xe du lịch, trong đó có cả mẫu bán tải Mazda BT-50 cho biết; dòng xe bán tải ở Việt Nam được dùng như xe con, trong khi lại chịu lệ phí trước bạ thấp hơn là không công bằng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng ý kiến ngược lại từ các hãng tham gia phân khúc xe bán tải tại Việt Nam không hề thích thú, khi nhắc lại cuộc tranh cãi về mức thuế TTĐB vào năm 2008 khi các hãng xe tại Việt Nam cho rằng thuế suất thuế TTĐB áp dụng cho dòng xe bán tải (vừa chở người vừa chở hàng) giống như các dòng xe du lịch là không công bằng, bởi theo các quy định hiện hành và các thông số kỹ thuật tương ứng các dòng xe bán tải được ghi nhận là xe ô tô tải (pick-up), được thiết kế với dung tích động cơ lớn chạy bằng dầu diesel để chở hàng. Và do đó, việc áp dụng mức thuế suất TTĐB theo dung tích xi-lanh như xe chở người áp dụng cho xe ô tô tải (pick-up) là không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại diện một liên doanh tham gia phân khúc xe bán tải tại Việt Nam cho biết việc áp dụng các mức thuế suất để tương ứng với các dòng xe du lịch là không phù hợp khi mà có hơn 70% dòng xe này đang được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng cho mục đích thương mại, vận chuyển hàng hóa... Và việc thay đổi thuế/phí đối với xe bán tải sẽ làm tăng chi phí vận chuyển cho các loại hàng hóa và dịch vụ, gây ra những bất lợi về mặt chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam so với các doanh nghiệp khác trong khu vực trong khi Việt Nam đang dần mở cửa thị trường.
Việc điều chỉnh các thuế hay phí thì người chịu thiệt cuối cùng cũng chính là người tiêu dùng Việt Nam, bởi dù có bất kể thay đổi gì, việc tăng thuế/phí cũng sẽ được tính vào giá bán xe. Do đó, trong việc điều chỉnh tăng thuế/phí (nếu có) sắp tới, các cơ quan quản lí cần tính toán cân bằng giữa việc hạn chế nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất xe trong nước cũng như bảo đảm được lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam.
Như Phúc