Hà Nội: Khánh thành nhà máy biến chất thải thành điện năng
(Dân trí) - Sáng nay (24/4), Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) sau quá trình thi công, lắp đặt, chuyển giao công nghệ và chạy thử đã chính thức được khánh thành. Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam biến được chất thải thành điện năng.
Để thực hiện Dự án trên, phía Nhật Bản cung cấp toàn bộ thiết bị của Nhà máy và chuyển giao công nghệ. Phía Việt Nam (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Urenco) thực hiện xây dựng phần móng, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật có liên quan, lắp dựng và đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ nhà máy. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến của Nhật Bản với công suất 75 tấn/ngày và tạo ra 1,93 MW điện. Đây được đánh giá là Dự án tiên phong trong quy trình xử lý rác thải công nghiệp hiện đại chưa từng có tại Việt Nam và khu vực.
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 16.800 m2; tổng mức đầu tư Dự án là hơn 645.000 triệu đồng, trong đó từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Phát triển Công nghệ công nghiệp và Năng lượng mới – Nhật Bản (NEDO) có giá trị tương đương 472.188 triệu đồng, phần vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 173.015 triệu đồng.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – cho biết: Dự án trên là dự án thí điểm đưa công nghệ tiên tiến của Nhật Bản vào việc giải quyết vấn đề rác thải công nghiệp, tạo nguồn năng lượng mới, xây dựng một xã hội tái chế; góp phần giúp Thủ đô Hà Nội tiếp cận công nghệ xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với Quy hoạch chung về xử lý chất thải rắn của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định: các khu xử lý chất thải rắn cấp thành phố sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại, chủ yếu tái chế chất hữu cơ, vô cơ; đốt chất thải rắn vô cơ không tái chế được và chất thải rắn nguy hại để sản xuất điện.
Cũng tho ông Toản, dự kiến đến tháng 10/2017 sẽ tổ chức tiến hành bàn giao chính thức Nhà máy trên giữa Tổ chức NEDO-Nhật Bản và UBND TP Hà Nội và để quản lý, vận hành nhà máy tốt, ông Toản đề nghị:
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Hitachi Zosen và các đối tác Nhật Bản xây dựng mô hình quản lý theo hướng thành lập Công ty Liên doanh để thực hiện vận hành, bảo trì Nhà máy một cách hiệu quả, an toàn, đảm bảo chất lượng công trình, báo cáo các Sở chức năng của thành phố xem xét, đề xuất UBND thành phố chấp thuận để thực hiện theo quy định;
“Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn Chủ đầu tư trong thời gian vận hành thử trước khi bàn giao đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phân luồng chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đưa về xử lý tại nhà máy vừa đảm bảo không phát sinh ô nhiễm, vừa phát huy được hiệu quả đầu tư của nhà máy” – ông Toản phát biểu.
Trước đó, ngày 16/9/2016, sau 22 tháng tích cực triển khai thi công, nhà máy trên đã được chính thức nổi lửa và vận hành thử nghiệm. Toàn bộ quá trình này đều được đội ngũ kỹ sư, cán bộ nhân viên của Urenco đảm nhận dưới sự giám sát và đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản.
Tiếp đó, ngày 16/3/2017 vừa qua, nhà máy đã sản xuất được khoảng 1,93 MW điện đầu tiên, trong đó hòa thành công vào lưới điện quốc gia là khoảng 1,20 MW, số điện năng còn lại được sử dụng phục vụ chính nội bộ nhà máy. Cho đến thời điểm này, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã hoàn toàn đáp ứng các điều kiện nghiệm thu của nhà sản xuất và các tiêu chuẩn hiện hành, sẵn sàng thực hiện sứ mệnh đặc biệt của mình với môi trường.
Nguyễn Dương