Xe công dư thừa không thể thanh lý kiểu “sắt vụn”
Với giá xe công thanh lý trung bình chỉ có 46,2 triệu đồng/chiếc mới được Bộ Tài chính công bố đã gây xôn xao dư luận. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tới đây còn hàng nghìn xe dư thừa thì không thể thanh lý kiểu “sắt vụn”.
Trao đổi với Dân Việt, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, không thể coi ô tô dôi dư ra là tài sản dùng để thanh lý. Thanh lý là khái niệm chỉ dùng cho các tài sản nhà nước không dùng tới nữa do đã cũ, hỏng nên bán thanh lý với giá rất rẻ như kiểu “sắt vụn”.
“Ở đây, việc tài sản của nhà nước là hàng nghìn xe ô tô không dùng đến thì chắc chắn là chất lượng còn rất tốt thì phải được bán đi để thu hồi tài sản về cho ngân sách. Tài sản đó cần phải hiểu là mua sắm từ tiền ngân sách mà tiền ngân sách chính là tiền thuế của người dân”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
TS. Lưu Bích Hồ cũng phân tích, khi nói tới xe công nói chung thông thường là xe phục vụ cho các cán bộ phải có đủ chức danh nhất định mới được sử dụng, một phần xe còn lại là phục vụ cho công việc chung của các cơ quan nhà nước như xe đưa đón cán bộ, xe công vụ, xe hộ đê…Do đó, có thể suy ra, đa phần các xe công này đều là xe ô tô còn rất tốt, chẳng có lãnh đạo nào đi xe công kém chất lượng cả.
Cũng theo ông Hồ, nếu đã là xe tốt thì hà tất phải đặt vấn đề thanh lý kiểu bán với “giá bèo”. Nếu không sử dụng nữa thì có thể tổ chức bán đấu giá công khai để thu hồi tài sản, nộp tiền về ngân sách nhà nước. Mặt khác, khu vực tư nhân cũng còn rất nhiều nhu cầu xe ô tô, khỏi phải nhập thêm xe từ nước ngoài về. “Chẳng nhẽ, sắp tới nếu bán đi khoảng 8.000 xe công cũng thanh lý với giá trung bình 46,2 triệu đồng hay sao? Vấn đề này nếu không quản lý tốt thì việc thất thoát tài sản của Nhà nước là khó tránh khỏi”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Liên quan tới thông tin Bộ Tài chính cho biết những người được đề xuất ưu tiên mua lại xe công có chức danh, hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên, tới chức danh thứ trưởng và tương đương, ông Lưu Bích Hồ bình luận: Tôi xin đặt ra vấn đề, các vị lãnh đạo của chúng ta chỉ dựa vào đồng lương và thu nhập chính đáng thì làm gì có lắm tiền để mua xe ô tô như thế? Có ai đặt ra mục đích vì sao các vị lãnh đạo lại mua xe ô tô công hay không? Cho dù có thực hiện khoán thì họ cũng có đủ tiền đi taxi rồi cơ mà, cần gì tới xe ô tô mà mua? Liệu các vị lãnh đạo được ưu tiên ấy có mua cho người thân, hoặc mua rồi để bán lại với giá cao hơn hay không?
TS. Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, không chỉ có xe công mà rộng ra là nhiều tài sản công của Nhà nước không sử dụng đến khi bán đi để thu tiền về cho ngân sách, hiện nay tuy đã có quy định nhưng các văn bản pháp lý còn chưa đủ và chưa chặt chẽ. Do đó, các văn bản pháp quy liên quan tới lĩnh vực bán, thanh lý tài sản công cần phải xem xét lại cho phù hợp. Có rất nhiều tài sản của nhà nước rất quý và có giá trị chứ không chỉ ô tô, nhưng nếu người ta cứ “lách luật”, định giá dưới 50 triệu thì không cần công bố công khai, minh bạch cho mọi người biết sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát tài sản cho nhà nước.
Hiện nay, quy trình đấu giá tài sản công của các cơ quan có tài sản đấu giá phải trải qua 4 bước: Định giá; công báo thông tin; lập hồ sơ; tổ chức đấu giá. Các khâu này đều có sự giám sát của Hội đồng gồm đại diện cơ quan tài chính, tư pháp…
Theo Điều 57 của Luật đấu giá tài sản được ban hành ngày 17.11.2016 nêu rõ, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc. Như vậy, tài sản có giá trị dưới 50 triệu thì hiện tại lại không phải đăng công báo nên với việc có hàng nghìn ô tô công đã đấu giá từ vừa qua của các đơn vị có tài sản đấu giá cũng rất ít người dân biết được thông tin bởi giá trung bình chỉ có 46,2 triệu đồng.
Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản đã cung cấp cho báo chí thông tin: Sau khi thực hiện rà soát ô tô công trên cả nước, các bộ ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính dư ra 2.041 xe và phải thanh lý. Trong số này, tính đến hết năm 2016, các đơn vị đã thanh lý 1.100 xe, trong đó đã báo cáo về Bộ Tài chính 761 xe thanh lý, thu về 35,15 tỷ đồng, bình quân bán được 46,2 triệu đồng/xe.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiêu chuẩn sử dụng và khoán xe công. Đi tiên phong cho vấn đề này chính là Bộ Tài chính đã thực hiện thí điểm với các chức danh Tổng cục trưởng, Thứ trưởng của Bộ Tài chính với phương án khoán giá tiền theo giá taxi từ nhà tới cơ quan. Cụ thể, 6 vị Thứ trưởng và 5 Tổng cục trưởng Bộ Tài chính chính thức nhận khoán kinh phí sử dụng xe chức danh với số tiền sử dụng từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng.
Nếu phương án này được thông qua để áp dụng hình thức khoán xe công cho các đơn vị bộ, ngành, địa phương trong cả nước thì chắc chắn số xe phục vụ chung sẽ giảm khoảng một nửa so với hiện nay. Cụ thể, số xe phục vụ chung sẽ giảm từ hơn 17.000 xe hiện nay xuống còn khoảng hơn 8.000 xe. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 8.000 ô tô công được đưa ra bán, xử lý, cộng với khoảng hơn 1.000 xe cần thanh lý trong quá trình rà soát vừa qua.
Theo Thanh Xuân
Dân Việt