1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bình Định:

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Ngư dân “xuống nước” công ty vẫn nhùng nhằng

(Dân trí) - Mặc dù lỗi máy tàu hư hỏng có lỗi của ngư dân lẫn cơ sở đóng tàu. Song Công ty TNHH MTV Nam Triệu chỉ chấp nhận thay phụ tùng. Dù không hài lòng nhưng lo lắng tàu nằm bờ lâu, ngư dân Trần Đình Sơn đành chấp nhận nhưng kèm theo điều khoản.

Ngày 3/8, tại cuộc do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bình Định chủ trì, ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu vẫn chưa thống nhất được phương án khắc phục. Ông Sơn là chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) bị sự cố hỏng máy hãng Doosan (Hàn Quốc) khiến tàu phải nằm bờ, gây thiệt hại tài sản rất lớn cho gia đình.

Lo gánh nợ ngân hàng, ngư dân đành “xuống nước”

Tại nhiều buổi đối thoại trước đó, ngư dân Sơn kiên quyết yêu cầu công ty đóng tàu phải thay máy mới nhưng đều bị từ chối. Tại cuộc họp này, do tàu cá nằm bờ quá lâu, nợ nần chồng chất buộc ngư dân Sơn đành chấp nhận thay thế phụ tùng hư hỏng theo phương án của công ty đóng tàu, nhưng kèm theo điều kiện.

Sau hơn 3 tháng đấu tranh đòi thay máy mới nhưng bất thành, ngư dân Trần Đình Sơn đành chấp nhận phương án bảo hành, thay phụ tùng vì sợ tàu nằm bờ lâu sẽ tiếp tục gánh nợ.
Sau hơn 3 tháng đấu tranh đòi thay máy mới nhưng bất thành, ngư dân Trần Đình Sơn đành chấp nhận phương án bảo hành, thay phụ tùng vì sợ tàu nằm bờ lâu sẽ tiếp tục gánh nợ.

Theo đó, ông Sơn đề nghị sau khi thực hiện sửa chữa tàu thì phía công ty phải có chế độ bảo hành 36 tháng cho máy tàu. “Nếu thay thế máy không đồng bộ thì tàu hoạt động không bao lâu lại tiếp tục hỏng thì lúc đó ai chịu trách nhiệm”- ông Sơn lo lắng vì chất lượng máy tàu hiện tại.

Trước yêu cầu của ông Sơn, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu - đại diện Công ty này dự buổi họp nhưng lại không tự quyết được các đề nghị của ngư dân nên nhiều lần phải rời cuộc họp ra ngoài điện thoại xin ý kiến quyết định của lãnh đạo Công ty.

Khoảng 10 phút sau, ông Tân quay trở lại phòng họp khẳng định: “Theo ý kiến của Công ty thì chúng tôi không đồng ý với việc bảo hành 36 tháng như yêu cầu của ông Sơn mà chỉ bảo hành 12 tháng theo chế độ bảo hành máy mới”.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, việc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Đình Sơn hư hỏng có lỗi của cả ngư dân lẫn cơ sở đóng tàu. Lúc máy tàu hư hỏng, phía nhà máy đóng tàu thay thế phụ tùng nhưng không đồng bộ.

Đại diện hãng máy Doosan (Hàn Quốc) tại Việt Nam cùng chuyên gia Hàn Quốc để kiểm tra máy cho ngư dân Sơn.
Đại diện hãng máy Doosan (Hàn Quốc) tại Việt Nam cùng chuyên gia Hàn Quốc để kiểm tra máy cho ngư dân Sơn.

“Về phía hãng máy Doosan không đồng ý thay máy mới như yêu cầu của ngư dân Sơn. Nếu chủ tàu và cơ sở đóng tàu không thống nhất phương án sửa chữa thì phải ra tòa giải quyết. Việc này sẽ kéo dài thời gian, tàu tiếp tục phải nằm bờ, ngư dân tiếp tục gánh nợ” - ông Phúc nói.

Sau một hồi đắn đo, ông Sơn đành chấp nhận “xuống nước” đồng ý phương án bảo hành 12 tháng nhưng đưa ra yêu cầu: “Nếu trong thời gian bảo hành 12 tháng mà máy tiếp tục hư hỏng với lý do khách quan, không phải lỗi của ngư dân thì công ty đóng tàu phải thay máy mới”.

Tuy nhiên, vị Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu cho rằng rất khó thực hiện theo yêu cầu của ngư dân Sơn vì không biết máy hư hỏng gì, mức độ ra sao…

DN "nhùng nhằng", tỉnh quyết không để dây dưa

Để sớm khắc phục sửa chữa tàu cho ngư dân, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định chốt lại vấn đề: “Bây giờ công ty và ngư dân đã đồng ý thay thế thiết bị cho máy chính, thời gian bảo hành 12 tháng. Tôi đề nghị trong quá trình thay thế thiết bị, các cơ quan chức năng phải kiểm tra chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc và sẽ đưa tàu hoạt động thử trước khi bàn giao cho ông Sơn. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, Tổ giám sát của tỉnh Bình Định và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá sẽ theo dõi từng chuyến biển. Nếu máy móc bị hư hỏng trong thời gian bảo hành mà không phải lỗi chủ quan của chủ tàu thì Công ty Nam Triệu phải thay thế máy mới chứ không khắc phục bảo hành”.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định kiên quyết yêu cầu Công ty phải sớm thực hiện các cam kết sửa chữa đảm bảo tàu ra khơi an toàn.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định kiên quyết yêu cầu Công ty phải sớm thực hiện các cam kết sửa chữa đảm bảo tàu ra khơi an toàn.

Cũng trong buổi làm việc, ông Phúc yêu cầu: “Trong ngày mai, Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải có văn bản phản hồi chính thức về yêu cầu của ngư dân Trần Đình Sơn. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT xin ý kiến UBND tỉnh giải quyết dứt điểm”.

Doãn Công